Hôm nay Vietcombank cùng với GIC - quỹ đầu tư quốc gia của Singapore đã ký bản thỏa thuận ghi nhớ mua 7,73% cổ phần của nhà băng này.
Theo kế hoạch, Vietcombank có 2 đợt tăng vốn trong năm 2016. Đợt đầu phát hành cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 35% cho cổ đông hiện hữu, tương đương hơn 9.300 tỷ đồng, nâng mức vốn điều lệ lên trên 35.977 tỷ.
Đợt thứ 2 là phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài với tỷ lệ tối đa 10% vốn điều lệ tại thời điểm chào bán. Mức vốn điều lệ dự kiến sau khi phát hành riêng lẻ toàn bộ số cổ phiếu là 39.575 tỷ đồng. Như vậy, khoản đầu tư của GIC lần này là một phần trong giao dịch phát hành riêng lẻ 359.777.745 cổ phần mới của Vietcombank. Chủ tịch Nghiêm Xuân Thành cho biết trong đợt mua bán này, phía đối tác nước ngoài chào giá và Chính phủ quyết định.
Giá giao dịch cổ phiếu Vietcombank vào sáng nay ở mức 59.500 đồng mỗi cổ phiếu. Trong trường hợp lượng cổ phiếu bán cho nhà đầu tư nước ngoài hơn nửa giá thị trường hiện nay thì ngân hàng sẽ thu về trên 10.000 tỷ đồng.
Việc bán cổ phần cho đối tác ngoại đã được ban lãnh đạo Vietcombank công bố trong kỳ họp đại hội cổ đông diễn ra tháng 4 vừa qua. Theo đó, tiêu chí nhà đầu tư nước ngoài của Vietcombank là các tổ chức có tiềm lực về tài chính vững mạnh, có thể là cổ đông hiện hữu của ngân hàng.
Trước đó, trong năm 2011, Vietcombank đã bán cho Mizuho (Nhật Bản) 15% vốn tính trên số cổ phiếu đã phát hành, đang lưu hành. Khoản đầu tư này tương đương 567,3 triệu USD, bằng 11.800 tỷ đồng, thuộc loại lớn nhất từ trước tới nay trong hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A) tại Việt Nam.
Hiện tại, cổ đông lớn nhất của Vietcombank là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (đại diện phần vốn Nhà nước tại ngân hàng), nắm giữ 77,11% vốn điều lệ. Cổ đông chiến lược Mizuho Corporate Bank. Ltd nắm giữ 15% vốn điều lệ. Các cổ đông khác (bao gồm tổ chức và cá nhân trong nước, tổ chức và cá nhân nước ngoài) nắm giữ 7,89% vốn điều lệ của Vietcombank.
Nghị định số 01/2014 về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam quy định, tỷ lệ sở hữu cổ phần của một cá nhân nước ngoài không được vượt quá 5% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng Việt Nam. Đối với tổ chức nước ngoài, tỷ lệ này không được vượt quá 15%. Nếu là nhà đầu tư chiến lược, tỷ lệ này không được vượt quá 20%.
Tỷ lệ sở hữu cổ phần của một nhà đầu tư nước ngoài và người có liên quan của nhà đầu tư nước ngoài đó không được vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng Việt Nam. Tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 30% vốn điều lệ của một ngân hàng thương mại Việt Nam
|
Lệ Chi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét