Dù không thể phủ nhận những đóng góp của các Chaebol đối với nền kinh tế Hàn Quốc nhưng dường mô hình kinh doanh này đang dần biến tướng và trở thành một thứ cần sớm loại bỏ.
Có một câu chuyện cười được lan truyền ở Hàn Quốc những năm 1990 như thế này: Nhân viên tại những tập đoàn hùng mạnh nhất Hàn Quốc (chaebol) sẽ phản ứng như thế nào nếu họ tình cờ đối đầu với một con gấu trong khi đang băng qua khu rừng?
Câu trả lời như thế này: Nhân viên Hyundai có lẽ sẽ giết chết con gấu mà không cần suy nghĩ. Nhân viên Daewoo sẽ gọi cho chủ tịch của họ là ông Kim Woo-jung và chờ chỉ thị. Trong khi đó người của Samsung sẽ tổ chức một cuộc họp – với con gấu được đặt trước mặt – để thảo luận xem bước giải quyết tiếp theo nên là như thế nào. Cuối cùng, nhân viên của LG có lẽ sẽ chờ phản ứng của phía Samsung và sau đó làm theo.
Rất nhiều những câu chuyện hài hước như vậy tồn tại và nó cho thấy sức ảnh hưởng sâu sắc của các chaebol trong tâm trí người dân Hàn Quốc. Mặc dù tập đoàn Daewoo đã bị bỏ lại phía sau trong thế giới quyền lực của những chaebol nhưng những đơn vị khác vẫn sống khỏe và là một phần không thể thiếu của đất nước có GDP lớn thứ 13 trên thế giới Hàn Quốc.
Các chaebol tại đây khá đông đảo nhưng nổi lên trong đó là “Big Four” - 4 ông lớn gồm Hyundai Motor, SK Group, Samsung và LG.
Những chaebol này về cơ bản đã giúp Hàn Quốc thoát khỏi sự nghèo đói sau chiến tranh. Rất nhiều trong số đó sau này trở thành người chơi toàn cầu. Có lẽ không ai là không biết đến điện thoại Samsung, mua máy giặt từ LG hay nhìn thấy những chiếc xe Hyundai chạy trên đường phố. Những công ty này đã ăn sâu vào gốc rễ văn hóa người Hàn Quốc và thậm chí gây ảnh hưởng tới toàn thế giới.
Mặc dù không thể phủ nhận những chaebol kể trên đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của Hàn Quốc, đưa quốc gia này thoát khỏi nghèo đói.
Tuy nhiên, dường như hình ảnh trong thời điểm hiện tại của các chaebol đã bị biến tướng, phơi bày ra những cuộc chiến tranh quyền, đoạt chức như trên phim giữa các thành viên gia đình nhà sáng lập, nắm giữ vị thế độc quyền và hưởng vô số những đặc quyền, đặc lợi quá mức cần thiết. Từ đó làm giảm tính cạnh tranh, gây ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh.
Chủ tịch – người nắm trong tay quyền lực tối cao của chaebol
Từ chaebol trong tiếng Hàn dịch ra là “tài phiệt” hay “gia tộc giàu có” nhưng chaebol còn hơn cả một công ty bình thường. Trong văn hóa Hàn Quốc, chaebol là những triều đại hùng mạnh. Các chaebol đóng góp một phần quan trọng vào kinh tế Hàn Quốc mà chủ tịch của họ là nhân vật quyền lực nhất.
Những vị trí quản lý quan trọng bên trong các chaebol luôn có mối quan hệ họ hàng với chủ tịch – vị tộc trưởng của đế chế. CEO hiện tại của LG Electronics Koo Bon-joon là người con trai thứ của chủ tịch tập đoàn LG Group là Koo Bon-moo. Người đang chèo lái Samsung hiện tại là Lee Jae Young – vị thái tử 47 tuổi, con trai duy nhất của chủ tịch Lee Kun Hee.
Để được coi là một chaebol thực thụ, các tập đoàn này không chỉ phải hoạt động theo kiểu gia đình trị mà còn phải kinh doanh trong ít nhất 2 lĩnh vực riêng biệt.
Ví dụ như Samsung – chaebol lớn nhất thời điểm hiện tại của Hàn Quốc được biết đến với chi nhánh lớn nhất là Samsung Electronic – nhà sản xuất TV và điện thoại thông minh nhưng họ cũng sở hữu vô số mảng kinh doanh khác nữa từ khách sạn, bảo hiểm tới xây dựng, đóng tàu.
Chủ tịch Samsung Lee Kun Hee
Một yếu tố quan trọng khác là mạng lưới sở hữu chéo chồng chất trong những công ty thành viên của các chaebol. Đỉnh điểm năm 1999, việc sở hữu chéo giữa các chi nhánh trong chaebol chiếm 43% theo thống kê của Ủy ban Hội chợ thương mại Hàn Quốc. Tất cả nhằm duy trì quyền kiểm soát của gia đình nhà sáng lập.
“Rất khó để tìm ra một mô hình ở nước ngoài giống với các chaebol của Hàn”, theo Park Sang-in – Giáo sư tại Đại học Seoul. “Tại những quốc gia sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh, thật sự không có bất kỳ tập đoàn hay doanh nghiệp tư nhân nào lớn như các chaebol và sở hữu 100% các chi nhánh như vậy”.
“Mặt khác, chaebol là tổ chức đa doanh nghiệp được kiểm soát bởi chỉ một người duy nhất, nắm trong tay quyền lực tối cao đó là CHỦ TỊCH – người đóng vai trò vừa nhà nhà quản lý, vừa là người chủ sở hữu, tộc trưởng của toàn bộ đế chế”.
Chi phối, lũng loạn nền kinh tế đất nước
Theo báo cáo của Ủy ban hội chợ thương mại Hàn Quốc, 4 chaebol lớn nhất nước này (gồm Samsung, Hyundai Motor, SK và LG) chiếm đến 90% trong tổng số lợi nhuận ròng của 30 tập đoàn hàng đầu vào năm 2013.
Sự ảnh hưởng của chaebol đến xã hội Hàn Quốc sâu sắc đến nỗi tờ Reuters mô tả hình ảnh một người dân Hàn Quốc điển hình sẽ sống trong căn hộ do Samsung đầu tư, xem tivi của LG, lái xe của hãng Hyundai, sử dụng điện thoại Samsung và ăn tối tại một nhà hàng thuộc hệ thống Lotte.
Tuy nhiên, người dân Hàn Quốc ngày càng khó chịu và giận dữ trước ảnh hưởng quá lớn của các chaebol. Bên cạnh những thành quả kinh tế vượt bậc mà chaebol mang lại cho Hàn Quốc là những hệ lụy nghiêm trọng như khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng, những doanh nghiệp nhỏ bị chèn ép, và tỷ lệ tự tử vào loại cao nhất thế giới.
Bà Lee Bok Sun phải đóng cửa tiệm rau quả hoạt động hơn 28 năm của mình ở Seoul. Nhiều khách hàng của bà đã chuyển đến mua sắm tại một siêu thị do một chaebol ở Hàn Quốc mới mở.
"Em trai tôi gửi tiền để tôi mở tiệm rau nhằm bù đắp cho những năm tôi đi làm thợ may kiếm tiền nuôi em học đại học. Bây giờ em tôi đã làm việc tại một chaebol, còn tôi thì mất công việc làm ăn vì chính nơi mà tôi đã nỗ lực để em tôi được vào làm", bà Lee, 63 tuổi, trả lời phỏng vấn Bloomberg.
Giáo sư Kim Woo Chan, một chuyên gia kinh tế, nhận định: "Người ngoài có thể cho rằng nền kinh tế Hàn Quốc thịnh vượng, nhưng thực tế là người dân bình thường rất chật vật vì các chaebol không muốn chia sẻ nhiều phúc lợi của mình".
Trong một khảo sát năm 2012 của một cơ quan nghiên cứu ủng hộ đảng cầm quyền Saenuri, 74% người dân đã cho rằng chaebol không hề có những nghĩa vụ đạo đức. "Họ là liều thuốc độc với kinh tế Hàn Quốc", ông Han Myeing Sook, thượng nghị sĩ đảng đối lập nói.
Đại chiến gia tộc, huynh đệ tương tàn, suy thoái đạo đức sâu sắc
Nếu như người dân Việt Nam đã quá quen thuộc với những bộ phim Hàn đầy kịch tính mô tả cuộc chiến tranh quyền, đoạt chức giữa các thành viên trong một gia tộc kinh doanh giàu có thì ít người biết rằng đây là câu chuyện hoàn toàn có thật trong đời thực.
Mới đây nhất là cuộc nội chiến khốc liệt giữa cha con, anh em trong gia đình nhà sáng lập tập đoàn Lotte. Chưa biết nội tình đã "sóng yêu biển lặng" hay chưa nhưng phía Lotte gửi thông báo chính thức rằng tập đoàn đã đồng thuận ủng hộ người con trai thứ Shin Dong-bin của nhà sáng lập và sẽ thông qua những đề xuất quản lý của ông này. Trong khi đó, ông Shin Kyuk Ho - nhà sáng lập của tập đoàn đã bị chính con trai út của mình hạ bệ xuống làm “Chủ tịch danh dự” tại Lotte Holdings.
Nhiều người đã dành những lời chua cay để mô tả rằng đây là cuộc chiến cha thua con, anh thua em.
Đại chiến gia tộc khiến đế chế Lotte chao đảo
Từ những bê bối như vậy, người Hàn quay ra bất bình và thù hận các chaebol. Những người này cho rằng trong khi con cái của họ trải qua hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống để gây dựng sự nghiệp, thì thế hệ trưởng thành trong "nhà kính", lớn lên với chiếc "thìa vàng" của các chaebol lại chỉ việc "ngồi mát ăn bát vàng", hưởng thành quả từ cha mẹ chúng, không có khả năng giao tiếp và cảm thông với những người xuất thân từ các hoàn cảnh khác nhau.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét