"Metro bán buôn, Big C bán lẻ. Người Thái tập trung vào bán buôn cộng bán lẻ sẽ rất hùng mạnh".
Đó là chia sẻ của ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, về thông tin hai hệ thống siêu thị Metro Việt Nam và BigC Thái Lan được hợp nhất.
Ông Phú khẳng định nếu các ông chủ người Thái kết hợp bán buôn với bán lẻ thì họ sẽ rất hùng mạnh. Metro thành lập các trung tâm thu mua vùng để mua nông sản Việt và bán cho Big C Thái Lan.
"Họ muốn to thì to hẳn luôn, bé thì bé tí thôi, làm dở dang thì không đấu tranh nổi trên thị trường. Cho nên thời kỳ tích tụ tập trung tư bản của các ông chủ Thái. Nguyên tắc trong bán lẻ là nếu nắm được bán buôn thì chi phối được bán lẻ", ông Phú nhận định.
Trong khi đó, theo ông Phú, các nhà bán lẻ Việt Nam lại đang quên mất việc bán buôn. Miếng bánh bán lẻ ngon như vậy nhưng không được hỗ trợ bởi một hệ thống bán buôn đủ mạnh. Do đó, giá cả hàng hóa ở siêu thị Việt thường cao, trong khi chất lượng không ổn định.
Người Thái tính chuyện buôn tận gốc, bán tận ngọn
Ông Phú cho hay nếu bao từ bán buôn đến bán lẻ có nghĩa là bao từ sản xuất đến người tiêu dùng: mua tận gốc, bán tận ngọn sẽ tạo lợi thế đặc biệt về giá, cạnh tranh tốt. Khi người Thái tính toán kỹ lưỡng như vậy thì ở mặt ngược lại, nhân công của nhiều siêu thị Việt vẫn chỉ ngồi máy lạnh, chờ hàng tới.
Với việc ung dung chờ hàng thì siêu thị đã đối mặt với vấn đề rất quan trọng. Đó là hàng ế mới đến lượt siêu thị Việt hoặc giá rất cao, qua 3-4 cầu.
Các doanh nghiệp Việt vào Metro mua hàng về bán, chứng tỏ họ chỉ bán thuê cho Metro mà thôi. Chính sự lỏng lẻo trong liên kết chuỗi khiến người Việt tuột mất miếng ngon. Nông dân Việt Nam cho Nhật, Hàn thuê đất rồi làm nhân công thuê cho họ.
Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội nhận định tỉ lệ siêu thị của nước ngoài so với siêu thị trong nước là 100/700 (1/7). Tuy nhiên, doanh số của họ có khi là gấp cả chục lần siêu thị Việt. Trên thực tế, siêu thị ngoại đã chiếm hơn 50% thị phần bán lẻ hiện đại. Họ khuyến mãi liên tục, giá cạnh tranh, phục vụ chuyên nghiệp, nhà vệ sinh “5 sao” trong khi nhiều siêu thị Việt cơ sở hạ tầng kém hơn. Thái độ phục vụ của đa số các siêu thị ngoại là rất nồng hậu.
“Một thực tế là giá tại các siêu thị bình ổn lại cao hơn những siêu thị không tham gia bình ổn. Có những siêu thị sử dụng tiền bình ổn vào mục đích khác khiến hàng vẫn cao giá hơn siêu thị ngoại thì làm sao cạnh tranh nổi. Hàng mua qua đến vài cầu thì làm sao giá chẳng cao?”, ông Phú nói..
Theo phân tích của lãnh đạo Hiệp hội, FDI cũng có mặt trái. Các doanh nghiệp FDI đang kinh doanh hầu hết các lĩnh vực, cả vật liệu xây dựng, thức ăn gia súc… và thuê công nhân Việt Nam. Mà đã đi làm thuê là bị bóc lột. Công nhân tại các nhà máy lương không đủ ăn và làm việc rất vất vả.
Nói về giải pháp, ông Phú cho rằng, thị trường thành phố các doanh nghiệp FDI bán lẻ đã chiếm gần hết, chỉ còn thị trường nông thôn. Doanh nghiệp Việt cần tận dụng được những khoảng trống đó.
Lãnh đạo Hiệp hội nhận định hiện doanh nghiệp bán lẻ nội tốt có Saigon Corp và Vingroup còn đa số co cụm hoặc bán bớt. Ánh đèn le lói vì hàng chục doanh nghiệp nước ngoài rất mạnh, nhất là khi họ tích hợp hệ thống như trường hợp Metro Việt Nam với Big C Thái Lan. Vingroup cũng mới chỉ bước chân vào bán lẻ mà thôi. Saigon Coop mạnh là thế nhưng vốn toàn tiền gửi và vay nên lãi suất vẫn cao hơn Thái Lan từ 3-4 lần. Người Thái đi vay cho bán lẻ chỉ 2% nhưng tại Việt Nam, con số này lên tới 8%.
Do nguốn vốn lớn mạnh, nhân sự được đào tạo bài bản... nhiều siêu thị ngoại đang khuyến mại ồ ạt để kéo khách. Họ có thể bán giá rẻ trong vài năm, trong khi doanh nghiệp nội có thể khuynh gia bại sản nếu làm như vậy. Metro từng nói là đến năm thứ 5 mới hòa vốn, họ cho phép hòa vốn. Còn ở Việt Nam, nếu tổng công ty thương mại mà sang năm thứ 2 lỗ thì giám đốc bị cách chức. “Mạnh vì gạo, bạo vì tiền”. Cục quản lý cạnh tranh không kiểm soát nổi vì họ vi phạm luật cạnh tranh như bán dưới giá, khuyến mại vô tội vạ.
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam không cạnh tranh được thì bán bớt cổ phần. Và như vậy, các doanh nghiệp FDI bán lẻ khi gia nhập thị trường không cần phải lo hàng rào ENT (hàng rào kiểm tra nhu cầu kinh tế). Một năm họ có mấy chục điểm bán và giành thị phần bán lẻ của Việt Nam.
Hơn nửa năm sau thương vụ thâu tóm Metro Việt Nam, tập đoàn TCC của Thái Lan bắt đầu mở rộng kinh doanh trong nước cũng như bắt đầu tấn công vào thị trường nước ngoài.
Chủ tịch mảng kinh doanh bán lẻ tại Việt Nam của tập đoàn TCC, ông Phidsanu Pongwatana, cho biết thông qua Metro Việt Nam (nay là MM Mega Market), TCC đã tăng cường tìm kiếm những nông sản Việt có thể xuất khẩu sang Thái Lan. Gần đây, 100 tấn thanh long Việt Nam đã được xuất khẩu sang Big C Thái Lan như một phần khởi đầu của kế hoạch tăng cường xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Thái Lan thời gian tới.
Trong đơn hàng đầu tiên, TCC đã thu mua 4-5 container mỗi tháng, tương đương 100 tấn hàng. Theo nhận định ban đầu, người tiêu dùng Thái rất hài lòng với những hoa quả tươi, ngon của Việt Nam. Nhu cầu ở thị trường Thái cho những sản phẩm này là rất lớn. TCC hy vọng có thể tăng cường xuất khẩu trong tương lai gần.
Ngoài hoa quả và khoai tây, cũng có những sản phẩm khác nữa từ Việt Nam mà người tiêu dùng Thái rất ưa thích đó là vú sữa. TCC cũng đang tìm kiếm nhà cung cấp cho những sản phẩm khác, bao gồm cam, bơ, chanh, hoa từ Đà Lạt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét