Thời gian gần đây, hàng loạt nhà đầu tư Singapore đã sang Việt Nam đầu tư và tìm kiếm cơ hội hợp tác, làm ăn. Nếu so sánh trong khối ASEAN, 8 tháng năm 2016, Singapore là nước dẫn đầu với 127 dự án cấp mới, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 1,675 tỷ USD, chiếm 60,5% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả khu vực tại Việt Nam.
Ảnh minh họa
Ông Ho Meng Kit, Giám đốc Điều hành Liên đoàn Doanh nghiệp Singapore (SBF), cho hay ông lạc quan về triển vọng đầu tư của các doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam. Bởi, không chỉ riêng các tập đoàn hay công ty lớn, mà nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ của Singapore cũng đang tìm kiếm cơ hội hoặc mở rộng hoạt động kinh doanh.
Trong thời gian gần đây, vốn FDI của Singapore tại Việt Nam đang tăng mạnh. Đầu tiên phải nhắc đến khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) thứ 3 tại Bình Dương. Đây là khu công nghiệp VSIP thứ 8 mà Công ty liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore triển khai tại Việt Nam trong tháng 9 tới, với quy mô 1.000 ha.
Dự án đã chính thức được Thủ tướng cho phép bổ sung vào Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp của cả nước đến năm 2020 vào đầu năm nay. Sẽ góp phần quan trọng tiếp tục khẳng định vị thế là nhà phát triển bất động sản công nghiệp hàng đầu tại Việt Nam của chủ đầu tư đến từ Singapore này.
Trước đó, đã có 7 KCN VSIP được đầu tư tại 6 tỉnh, bao gồm: Bình Dương, Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ngãi, Hải Dương, Nghệ An.
Tới thời điểm này, các khu công nghiệp VSIP đã thu hút được hơn 600 nhà đầu tư thứ cấp, với tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký lên tới 9 tỷ USD, giải quyết việc làm cho khoảng 170.000 lao động.
Không riêng gì VSIP, nhiều nhà đầu tư Singapore khác cũng đã và đang đẩy mạnh đầu tư tại Việt Nam.
Đầu tháng 6 vừa qua, Tập đoàn đầu tư bất động sản phức hợp Mapletree Investments Pte Ltd. chi 215 triệu USD mua lại dự án Kumho Asiana Saigon từ tay chủ cũ là Công ty Kumho Industrial Company Limited và Asiana Airlines Incorporated.
Mapletree khẳng định, đây là thương vụ mua bán một dự án bất động sản hoàn tất và đang hoạt động lớn nhất từ trước đến nay của Mapletree tại Việt Nam. Sau thương vụ này, khối lượng tài sản của Mapletree tại Việt Nam đã lên tới hơn 1 tỷ đôla Singapore.
Mapletree hiện có hai công viên kho vận tại Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP) tại Bắc Ninh và một khu kho vận khác ở VSIP Bình Dương.
Mapletree sở hữu toà nhà CentrePoint tại quận Phú Nhuận, TP.HCM với diện tích sàn hơn 33.000 m2. Toà nhà 15 tầng này cách trung tâm thành phố 15 phút đi xe và nằm trên đường Nguyễn Văn Trỗi, nối liền sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và trung tâm thành phố
Trước Mapletree, đầu năm nay, một đại gia bất động sản khác của Singapore là Keppel Land cũng đã mua lại 40% dự án Empire City tại quận 2, TP HCM, tương đương 93,9 triệu USD.
Còn mới đây, nhà phát triển năng lượng điện gió Singapore The Blue Circle cũng đã thông báo nhận được giấy chứng nhận đầu tư cho dự án 40 MW tại tỉnh Ninh Thuận, với tổng vốn đầu tư giai đoạn I là 60 triệu USD.
Theo số liệu cập nhật mới nhất từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch Đầu tư, tính đến ngày 20/08/2016, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 9,8 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2015.
Trong đó, Singapore đứng vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,679 tỷ USD, chiếm 11,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Hàn Quốc dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 4,8 tỷ USD.
Còn nếu so sánh trong khu vực ASEAN, tính chung trong 8 tháng năm 2016, vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm của các nước ASEAN vào Việt Nam là 2,768 tỷ USD, chiếm 19,27% tổng vốn đầu tư của tất cả các đối tác có đầu tư tại Việt Nam trong 8 tháng.
Singapore là nước dẫn đầu với 127 dự án cấp mới và 59 lượt dự án điều chỉnh vốn, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 1,675 tỷ USD, chiếm 60,5% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả khu vực tại Việt Nam. Tiếp theo là Thái Lan; Malaysia; Brunei. Một số ít dự án còn lại thuộc Indonesia, Lào và Campuchia.
Theo ông Ho Meng Kit thì khoảng 80% thành viên của SBF là các doanh nghiệp vừa nhỏ (SME).
“Các lĩnh vực mà doanh nghiệp Singapore quan tâm đầu tư tại Việt Nam là sản xuất, bất động sản, công nghệ cao và dịch vụ cơ sở hạ tầng như cảng biển, hệ thống giao thông và năng lượng, xuất khẩu hàng hóa nông sản và hoa quả...
Bên cạnh đó, ngành du lịch Việt Nam cũng đang trên đà phát triển với rất nhiều bờ biển đẹp và một nền văn hóa vô cùng phong phú, giàu bản sắc. Chúng tôi nhìn thấy ở đó tiềm năng để hợp tác trong việc xây dựng các khu nghỉ dưỡng, khách sạn hay các sản phẩm du lịch”, ông Ho Meng Kit nhấn mạnh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét