Nhu cầu nắm giữ vàng trên toàn cầu tăng 15% trong quý II/2016, lên mức cao thứ 2 trong lịch sử theo số liệu của Hội đồng vàng thế giới (WGC) trong khi nhu cầu vàng của Việt Nam ở mức thấp kỷ lục trong 5 quý liên tiếp.
Phiên giao dịch ngày 18/8, giá vàng miếng SJC được các doanh nghiệp niêm yết mua vào 36,51 triệu đồng/lượng, bán ra 36,77 triệu đồng/lượng, chỉ tăng 50.000 đồng mỗi lượng so với hôm trước. Trong nhiều phiên gần đây, giá vàng trong nước biến động trong vùng hẹp theo xu hướng của giá thế giới.
Đáng lưu ý, ghi nhận tại một số công ty vàng, lượng giao dịch vàng của thị trường trong nước thời gian qua hết sức trầm lắng. Giao dịch trên thị trường chủ yếu là những khách hàng nhỏ lẻ từ vài chỉ đến vài lượng. Ngay cả thời điểm giá vàng thế giới “nổi sóng” sau sự kiện Brexit (Anh rời khỏi EU), giá vàng trong nước cũng biến động theo, lượng giao dịch tăng mạnh so với những ngày thường nhưng nếu so với những “cơn sốt” giá vàng trước đây thì vẫn còn khá khiêm tốn.
Giao dịch trên thị trường chủ yếu là vàng nhẫn và vàng trang sức, trong khi vàng miếng rất ít được chú ý.
Trong khi đó, trên thị trường thế giới, số liệu thống kê của Hội đồng vàng thế giới về nhu cầu vàng toàn cầu trong quý II/2016 đã tăng 15% so với cùng kỳ, chủ yếu đến từ các quỹ đầu tư ETF. Theo đó, tổng nhu cầu vàng toàn cầu ở mức 1.050,2 tấn, tăng 15% so với cùng kỳ, nâng mức tổng nhu cầu vàng ở các thị trường lên 2.335 tấn, mức cao thứ 2 trong lịch sử. Đặc biệt, nhu cầu vàng đầu tư tăng mạnh 141% so với cùng kỳ năm ngoái với 448,4 tấn chỉ trong quý 2 và ở mức 1.063,9 tấn trong nửa đầu năm nay.
Trong khi nhu cầu vàng từ các quỹ ETF và vàng đầu tư tăng mạnh, nhu cầu vàng trang sức và vàng miếng, đồng tiền vàng lại giảm mạnh so với cùng kỳ. Giá vàng đã tăng thêm 25% trong nửa đầu năm khiến nhu cầu vàng trang sức giảm tốc.
Riêng tại thị trường Việt Nam, thống kê của WGC, nhu cầu vàng của Việt Nam trong quý II/2016 chỉ đạt 12,4 tấn và giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái .
Cụ thể, nhu cầu vàng trang sức tiếp tục giảm thêm 5% trong quý II/2016 khi chỉ đạt 3,5 tấn, so với mức 4,7 tấn của quý trước. Đây cũng là mức nhu cầu thấp nhất trong 5 quý liên tiếp. Cả năm ngoái, nhu cầu vàng trang sức của thị trường trong nước ở mức 15,6 tấn.
Trong khi đó, nhu cầu vàng thỏi và vàng miếng ở Việt Nam cũng giảm khá mạnh so với cùng kỳ khi chỉ đạt 8,9 tấn, giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức thấp kỷ lục trong 5 quý liên tiếp theo thống kê của WGC, bởi mức trung bình của những quý trước đều trên 10 tấn. Năm ngoái, nhu cầu vàng miếng, vàng thỏi của Việt Nam ở mức 47,8 tấn.
Theo chuyên gia vàng Phan Dũng Khánh, nhu cầu vàng của người dân giảm xuống mức thấp thời gian qua là điều dễ hiểu, khi nắm giữ vàng để trong nhà sợ rủi ro không an toàn trong khi gửi ngân hàng không có lãi, lại còn phải trả phí khiến nhà đầu tư không mặn mà. Đồng thời, nếu tính lượng vàng người dân đang nắm giữ trong nhiều năm qua không bán ra thị trường vẫn còn rất lớn. Rất nhiều người mua vàng lúc “đỉnh” 48 - 49 triệu đồng/lượng nhiều năm trước, đến giờ vẫn không bán ra vì quá lỗ so với giá hiện tại.
“Một điều quan trọng nữa là các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản đang lên, lãi suất tiết kiệm cũng tăng nên dòng tiền đổ vào vàng cũng yếu bớt, vàng bớt lấp lánh hơn” - ông Khánh nhìn nhận.
Thị trường vàng miếng thiếu sóng, giao dịch trầm lắng khiến nhiều công ty vàng cũng không chú trọng phân khúc này. Tổng giám đốc một công ty vàng tại TP HCM cho biết doanh thu và lợi nhuận 6 tháng đầu năm của công ty bà tiếp tục vượt kế hoạch đề ra nhưng chủ yếu đến từ vàng trang sức, vàng miếng không đáng kể.
Vì sao trong khi nhà đầu tư quốc tế đang trở lại kênh vàng, tăng cường nắm giữ vàng, nhà đầu tư trong nước lại quay lưng? Vị tổng giám đốc này cho rằng do chính sách của nhà nước không khuyến khích người dân nắm giữ vàng, quan trọng hơn trong suốt nhiều năm qua, người dân đã “mua ròng” vàng và bán ra không nhiều.
Thực tế, Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam cũng tính toán và ước lượng hiện còn khoảng 500 tấn vàng trong dân, cho thấy số lượng nắm giữ vàng của người Việt không hề nhỏ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét