Theo luật sư, nếu lấy lý do nhân viên ngân hàng đã nghỉ việc thì đây là lý do vô nghĩa. Đến nay nhân viên đó đã nghỉ việc tại ngân hàng nhưng khi xảy ra vụ việc thì đang là nhân viên tại ngân hàng này, ngân hàng đương nhiên phải chịu trách nhiệm, đứng ra giải quyết.
Ngay sau vụ việc chị Hoàng Thị Na Hương - khách hàng Vietcombank - mất 200 triệu đồng trong tài khoản cho đến nay vẫn chưa có kết luận cuối cùng của cơ quan điều tra thì thời gian qua lại xuất hiện thêm các trường hợp khách hàng bị lấy mất tiền một cách khó hiểu từ vài chục triệu cho đến hàng chục tỷ đồng.
Mới đây, một trường hợp khách hàng là doanh nghiệp đã kêu cứu về việc bỗng dưng 26 tỷ đồng không cánh mà bay. Cụ thể, Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Quang Huân (trụ sở ở Củ Chi, chuyên mua bán nông sản) mở tài khoản tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng ( VPBank ) từ cuối tháng 3/2015. Trong mùa mua bán nông sản, khách hàng thanh toán tiền hàng vào tài khoản này ước tính khoảng 26 tỷ đồng.
Cuối vụ, khoảng tháng 7, bà Trần Thị Thanh Xuân, Giám đốc Công ty Quang Huân, đến rút tiền thì tá hỏa bởi 26 tỷ đồng trong tài khoản đã biến mất, chỉ còn lại vài trăm ngàn đồng đủ “giữ” tài khoản.
Nhìn sao kê tài khoản, bà càng ngạc nhiên hơn nữa là trong lúc bà chạy đôn chạy đáo mua bán ở kho thì tài khoản của bà giao dịch “rút, chuyển” liên tục từ số tiền khách thanh toán chuyển vào tài khoản của mình. Việc ký séc, chi séc diễn ra liên tục, trong khi bà chưa hề mua séc lần nào. Trong bản sao kê ghi rõ, người mua séc của công ty bà chính là nhân viên Ngân hàng VPBank Đoàn Thị Thúy Hằng và người rút séc là chồng bà Hằng, tên Nguyễn Huy Nhựt, cùng 2 người bạn tên Đỗ Đình Bảo, Phạm Văn Trinh.
Trong thời gian ngắn, cứ số tiền khách chuyển vào tài khoản bao nhiêu thì Nhựt, Bảo, Trinh dùng séc (do chính nhân viên ngân hàng Đoàn Thị Thúy Hằng mua) để rút tiền mặt hoặc chuyển vào Công ty Thanh Tâm do vợ Phạm Văn Trinh đứng tên.
Điều đáng nói là ngay khi tạo tài khoản, bà Trần Thị Thanh Xuân có đăng ký thông báo giao dịch Mobile banking vào số điện thoại cá nhân bà. Trong sao kê tài khoản cũng thể hiện ngân hàng thu phí Mobile banking đầy đủ, nhưng bà không hề nhận được bất kỳ tin nhắn nào về các giao dịch trên.
Hành trình khiếu nại của bà Trần Thị Thanh Xuân từ tháng 7-2015 đến nay gần như đi vào ngõ cụt khi ngân hàng thoái thác trách nhiệm với lý do nhân viên mua séc của ngân hàng đã nghỉ việc, hồ sơ đã chuyển cho công an điều tra, chỉ có công an mới có quyền mời nhân viên đó lên làm việc, chứ với nhân viên nghỉ việc thì ngân hàng không có quyền mời!
Một chuyên gia trong ngành bình luận, vụ việc rõ ràng và đơn giản nhưng chẳng hiểu vì sao, đến nay đã gần 1 năm vẫn chưa được công an xử lý. Mấu chốt là việc mua và ký sec như vậy chỉ cần mở camera vào ngày đó là biết có phải "chính chủ" tới mua sec hay không để xác nhận nhân viên ngân hàng làm giả hay "chính chủ" thực sự mua sec. Điều thứ 2 là mobile banking có báo rút không, nếu không báo cho khách hàng thì việc mất tiền là lỗi thuộc về ngân hàng.
Trao đổi với chúng tôi, Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Luật BASICO cho biết: "Nếu khách hàng không có lỗi thì phải đôn đốc khởi kiện ra tòa, sao lại để lâu như vậy, đây là 1 số tiền rất lớn, người gửi tiền phải bảo vệ quyền lợi của mình".
Ngân hàng có cớ nào để thoái thác trách nhiệm không? Theo luật sư Trương Thanh Đức, nếu lấy lý do nhân viên ngân hàng đã nghỉ việc thì đây là lý do vô nghĩa. Đến nay nhân viên đó đã nghỉ việc tại ngân hàng nhưng khi xảy ra vụ việc thì đang là nhân viên tại ngân hàng này, ngân hàng đương nhiên phải chịu trách nhiệm, đứng ra giải quyết.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét