Thứ Hai, 1 tháng 8, 2016

Hốt bạc nhờ nghề săn ma



Khi một nhân viên tại Nido nghĩ rằng có một con ma đang phá phách tại nhà hàng, họ biết chính xác sẽ gọi ai. Đó chính là đội bắt ma địa phương.
Vài ngày sau, một nhóm gồm 5 người với tên gọi đội nghiên cứu những những hiện tượng siêu nhiên Dead of Night xuất hiện tại thành phố Frederick, bang Maryland (Mỹ) để điều tra. Sau cuộc trò chuyện với bồi bàn và đầu bếp về việc cảm nhận thấy một sự hiện diện vô hình thường hay thường hay bước lên xuống cầu thang, cả đội bắt tay vào làm việc.

Với chiếc áo phông màu đen in tên của cả đội, họ đặt các máy quay và máy chụp cảm ứng nhiệt xung quanh nhà hàng nhằm ghi lại những chuyển động của các bóng ma. Sau đó, đội sẽ sử dụng một phương tiện săn bắt ma chính hiệu được gọi là “hộp âm thanh”. Đây thực chất là một thiết bị điện tử cầm tay có tính năng quét được nhiều tần số vô tuyến – được cho là có khả năng tạo ra nguồn năng lượng mà các linh hồn có thể sử dụng để trò chuyện. Ngay sau đó, một linh hồn có tên Malcolm thốt lên: “Hãy giúp tôi”.


Các thành viên trong đội săn bắt ma. Ảnh: BBC

Leanne Baur - thành viên đội bắt ma cho biết: “Sự huyền bí sẽ thể hiện theo nhiều cách khác nhau”. Với sự ra mắt của các bộ phim bom tấn về ma quỷ, cộng thêm quảng bá rộng rãi, việc săn bắt ma - dù bạn có tin chúng có thực hay không - đang một lần nữa nhận được sự quan tâm của dư luận.

Mặc dù những sản phẩm của Hollywood hoàn toàn là giả tưởng, có tới hàng ngàn người săn bắt ma ngoài đời thực trên khắp thế giới như Dead of Night. ParanormalSocieties.com, cộng đồng nghiên cứu các hiện tượng siêu nhiên lớn nhất thế giới cho biết hiện tại số lượng đội săn bắt ma ở Mỹ đang dẫn đầu, với khoảng 3.600 đội. Trong khi đó, chỉ có khoảng 53 tổ chức như vậy ở Canada và 57 đến từ Anh.

Do các bộ phim kinh dị nhận được rất nhiều đánh giá tích cực nên không có gì ngạc nhiên khi những bộ phim trên thu hút không ít khán giả tới các phòng vé. Đây chính là yếu tố thúc đẩy kinh doanh đối với Dead of Night bởi việc xem những bộ phim như trên sẽ kích thích trí tưởng tượng của con người. 

Baur - một thành viên của đội săn ma cho biết: “Những bộ phim đó rất thú vị. Và kết hợp với số lượng các chương trình siêu nhiên trên TV, mọi người sẽ quan tâm hơn tới những hiện tượng ngoài đời thực”. Tuy nhiên, theo cô, công việc săn ma thực tế sẽ khác với phiên bản hư cấu trên màn ảnh lớn. “Những gì chúng tôi làm khá khác biệt. Thực tế chúng tôi vẫn chưa tiếp xúc được với các linh hồn và cũng không có thiết bị để trừ ma. Chúng tôi muốn hòa hợp với những linh hồn đó”.

Để trở thành một điều tra viên các hiện tượng siêu nhiên, bạn sẽ không cần phải có bằng cấp chính thức, cũng không cần phải được cấp phép và thậm chí chẳng nhất thiết phải tin vào ma quỷ.

Hầu hết các đội săn ma ngoài đời thực không yêu cầu trả phí điều tra. Lý do là bởi công cuộc tìm kiếm của họ có nhiều cách để diễn giải (bạn có thể tin rằng ma quỷ có thực hoặc không) và họ muốn kiểm soát kì vọng của khách hàng.

Theo Spencer Chamberlain, sáng lập đội điều tra các hiện tượng siêu nhiên East Coast tại Rockville, Maryland: “Thông thường mọi người gọi chúng tôi bởi họ biết rằng có thứ gì đó tồn tại nhưng không thỏa mãn với đáp án họ kì vọng. Nếu bạn trả tiền mời người khác đến và nói với họ rằng ma có tồn tại, đương nhiên câu trả lời bạn nhận được sẽ là có”. Vì vậy,với việc không thu phí, những đội bắt ma như Dead of Night và East Coast Research cho biết họ sẽ cố gắng thận trọng và khoa học nhất.

Thay vào đó, các thợ săn ma kiếm tiền nhờ tổ chức các sự kiện công cộng như ghé thăm các dinh thự hoặc con phố bị ma ám. Dead of Night đã tiến hành các chuyến tham quan các di tích lịch sử bị ma ám ở thành phố Ellicott, Maryland được 18 tháng. Họ thu phí khoảng 15 USD (11,40 bảng) mỗi người, thông thường là một nhóm 10 người hoặc hơn. Mục đích của đội ngoài giải trí còn nhằm giới thiệu cho mọi người về các hiện tượng siêu nhiên. 

Tại Anh, một nhóm cũng tổ chức các chuyện thăm quan tương tự tại Nottingham. Mỗi tuần sẽ có khoảng 2 đến 3 chương trình, gồm ghé thăm bệnh viện bỏ hoang Newsham Park tại Liverpool, đường hầm Drakelow và căn cứ quân sự ngầm ở Worcestershire. Những địa điểm trên được đồn bị ma ám và mức giá sẽ dao động từ 14 đến 64 Bảng mỗi người. Có đủ loại người tham gia: người yêu thích săn ma, người bị bạn bè lôi kéo và không thực sự tin vào ma quỷ cho tới những du khách khao khát được nhìn thấy một điều gì đó xảy ra.

Quay trở lại Mỹ, những thợ săn ma còn kiếm tiền bằng cách xuất hiện trên các chương trình thực tế như Elizabeth Saint, người khẳng định thường xuyên nhìn thấy ma khi còn là một cô bé. Một thành viên của đội săn ma Maryland Paranormal Research, năm ngoái cũng đã được chọn là một trong ba người tham gia chương trình Ghosts of Shepherdstown, gần đây được chiếu trên kênh Destination America.

Tuy nhiên, những người nghiên cứu hiện tượng huyền bí chỉ nhằm mục đích xác nhận xem các linh hồn có tồn tại hay không chứ không thể loại bỏ được sự tồn tại của linh hồn đó. 

Thay vào đó, công việc này sẽ được thực hiện bởi bà đồng, người có khả năng giao tiếp với người chết và thông thường sẽ thu phí. Marjorie Rivera, một bà đồng 47 tuổi đến từ Pittsburgh, cho biết công việc của bà là dò tìm các nguồn năng lượng và kết nối với chúng. “Chúng ta trả tiền cho thợ điện là bởi chúng ta không muốn xảy ra rắc rối với những gì mình không biết. Công việc của tôi cũng giống như họ, cũng tiếp xúc với nguồn năng lượng. Trừ ma cũng phải có kĩ năng và cần tập luyện. Thợ điện thu phí và tôi cũng vậy”.

Cô Rivera, có một nửa dòng máu là Kuna – tộc người bản địa có nguồn gốc Panama và Colombia thu 150 USD cho một lần trừ ma, bất kể số lần phải ghé thăm nơi bị ma ám. Với cuộc thăm dò cho thấy một phần ba dân Mỹ và Anh tin rằng ma quỷ tồn tại, nếu một thứ gì đó bất ngờ xuất hiện giữa đêm, bạn sẽ gọi cho ai?

Ngọc Anh (Theo BBC)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét