Càng gần đến Trung Thu thì thị trường bánh nướng, bánh dẻo càng trở nên nhộn nhịp, không chỉ những hãng lớn như Kinh Đô, Thu Hương,… đã bắt đầu khởi động mà các thương hiệu “nhà làm” cũng rục rịch quảng cáo trên mạng xã hội. Mặc dù mỗi mùa bánh trung thu chỉ diễn ra hơn một tháng nhưng nhu cầu của người tiêu dùng rất cao, là cơ hội kiếm tiền hiếm có trong năm, vì vậy đã tạo ra một cuộc đua ngầm với mức độ cạnh tranh cực kỳ khốc liệt. Nếu cũng muốn kiếm thêm chút thu nhập trong mùa trung thu năm nay thì chúng tôi gợi ý bạn nên làm phong phú menu của mình hơn, bên cạnh bánh nướng, bánh dẻo truyền thống bạn có thể làm một số loại đặc biệt như bánh trung thu ngàn lớp chẳng hạn. Bài viết dưới đây chúng tôi sẽ cho bạn biết vì sao loại bánh này lại phù hợp để kinh doanh trong năm nay, đồng thời chia sẻ cách làm bánh trung thu ngàn lớp vừa đẹp vừa giữ được đúng tinh thần “ngàn lớp” độc đáo.
Khách hàng ngày càng thích các loại bánh trung thu mới lạ
Trong truyền thống, bánh trung thu có hai loại là bánh nướng và bánh dẻo, nhân bên trong thường chỉ gồm nhân thập cẩm, đậu xanh, đậu đỏ. Theo thời gian, bánh trung thu được sáng tạo thêm nhiều loại nhân khác như thêm trứng muối, gà quay, thịt nướng, sầu riêng, trà xanh,… Không phải ngẫu nhiên mà có sự thay đổi này, tất cả đều xuất phát từ nhu cầu của người tiêu dùng, họ muốn được thưởng thức những hương vị mới để tiệc trà đêm trăng đoàn viên không còn nhàm chán.
Những năm gần đây, không chỉ nhân bánh trung thu được đổi mới mà cả vỏ bánh và cách làm cũng được sáng tạo với nhiều hình dạng độc đáo khác nhau. Phổ biến nhất là loại bánh in hình thú cưng ngộ nghĩnh, nhân vật hoạt hình hoặc hoa cỏ, bánh trung thu thạch rau câu, bánh trung thu nhân kem,… Bạn có thể tham khảo bài viết về 4 loại bánh trung thu handmade khiến giới trẻ thích mê để biết hơn về nhu cầu của khách hàng.
Bánh trung thu ngàn lớp là cái tên còn khá lạ lẫm ở Việt Nam, có nguồn gốc từ Nhật bản và một số tỉnh Trung Hoa. Tên như hình, loại bánh này có vỏ ngoài gồm nhiều lớp bánh mỏng xếp chồng lên nhau, sau khi nướng vừa tạo độ giòn vừa tạo cảm giác xốp khi cắn nên ăn rất lạ miệng, đây cũng là điểm nhấn đặc biệt của bánh trung thu ngàn lớp.
Khoảng 2 năm trở về đây bánh trung thu ngàn lớp bắt đầu được giới trẻ biết đến và rất thích thú với ngoại hình lạ mắt, nhiều màu sắc cùng hương vị đặc biệt của nó. Theo một trung tâm dạy làm bánh trung thu handmade trên phố Chùa Bộc, Hà Nội cho hay, đa phần các bạn trẻ khi đến đây đều chọn học cách làm bánh trung thu ngàn lớp bên cạnh các loại bánh truyền thống khác. Điều này cho thấy tiềm năng kinh doanh của loại bánh trung thu mới lạ này, nó sẽ là điểm nhấn cho menu bánh của cửa hàng bạn.
Dưới đây sẽ là bài hướng dẫn chi tiết cách làm bánh trung thu ngàn lớp cùng một số lưu ý để bánh không bị khô, vỏ bánh giòn và rõ từng lớp tham khảo từ các website làm bánh (kokotaru.com)
Cách làm bánh trung thu ngàn lớp
Về cơ bản, bánh trung thu ngàn lớp quan trọng nhất phần vỏ, nhân bánh tương tự như các loại truyền thống khác, bạn có thẻ chọn làm nhân đậu xanh, khoai môn, đậu đỏ hoặc thêm trứng muối đều được.
Nguyên liệu (đủ làm 6 bánh):
- A. Bột trắng
75g bột mì đa dụng
20g shortening (là một loại chất béo dạng rắn chiết xuất từ thực vật, bạn có thể mua tại một số cửa hàng bánh gato hoặc đến shop chuyên bán đồ làm bánh như beemart.vn ở Quan Nhân, Hà Nội)
10g đường bột
35g nước và 3 giọt dấm
- B. Bột dầu
65g bột mì đa dụng
40g shortening hoặc 50ml dầu ăn (chọn 1 trong 2 loại này, chú thích ở dưới)
Màu thực phẩm tùy chọn
- C. Nhân bánh vị khoai môn
300g khoai môn
150g đường
60ml dầu ăn
20g bột bánh dẻo
10g bột mì
Màu thực phẩm tím
* Lưu ý: Tại phần nguyên liệu làm bột dầu, bạn có 2 lựa chọn dùng shortening hoặc dầu ăn. Dầu ăn mặc dù được dùng phổ biến để trộn bột, khiến cho bột bở hơn, nhưng riêng khi làm bánh trung thu ngàn lớp sẽ gây khó khăn cho quá trình cán bột. Nếu dùng shortening bột mịn, dẻo, dễ thành khối, thành phẩm sẽ tạo ra từng lớp rõ ràng, không bị dính vào nhau.
Hướng dẫn thực hiện
- A. Làm vỏ bánh
Bước 1: Trộn đều phần bột mì, shortening và đường bột ở phần A cho đến khi bột tơi thành vụn nhỏ.
Bước 2: Cho tiếp nước và dấm vào hỗn hợp bột, trộn đến khi bột dẻo mịn rồi phủ kín, để bột nghỉ 30 phút.
Bước 3: Trộn đều phần bột mì và shortening (hoặc dầu ăn) ở phần B đến khi hỗn hợp bột mềm mịn rồi phủ kín, để bột nghỉ 30 phút.
Bước 4: Cho thêm màu thực phẩm nếu muốn bánh hấp dẫn hơn.
Bước 5: Chia đều mỗi hỗn hợp bột trắng và bột dầu thành 2 phần bằng nhau. Rải một ít bột khô lên bàn sau đó cán dẹp phần bột trắng thành miếng đủ rộng rồi đặt bột dầu vào, gói kín như khi làm bánh dẻo.
Bước 6: Tiếp tục cán cục bột sau khi gói thành miếng phẳng dài, mỏng từ 3-5mm, cán nhẹ nhàng và từ từ để bột dàn đều, không bị rách. Sau đó cuộn tấm bột lại thành hình thỏi, tiếp tục cán theo chiều dọc rồi cuộn lại, chia thành 3 phần bằng nhau. Phần bột còn lại cũng làm tương tự như thế.
Bước 7: Lấy phần bột sau khi cắt để cán mỏng thành hình tròn đủ rộng để gói nhân bánh. Nhớ cán phần rìa ngoài nhỏ hơn để đáy bánh không bị dày bột.
- B. Làm nhân bánh
Bước 1: Gọt vỏ khoai môn, rửa sạch rồi thái miếng để hấp nhanh chín. Sau khi khoai chín, dùng thìa tán nhuyễn hoặc xay với đường khi còn nóng.
Bước 2: Cho khoai môn vào chảo sên trong lửa nhỏ khoảng 15 phút. Tiếp tục cho bột mì và dầu ăn, màu thực phẩm tím vào sên tiếp cho đến khi thành một khối không nhão, không dính tay.
Bước 3: Chia nhân bánh thành 6 phần bằng nhau, vê thành hình tròn. Đặt mỗi phần nhân vào một vỏ bánh rồi gói kín lại thành hình cầu.
Bước 4: Nướng bánh ở 180 độ C từ 25 đến 30 phút là được.
Nếu muốn giống bánh trung thu của Việt Nam hơn bạn có thể thêm trứng muối vào phần nhân bánh nhé!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét