Ngoài đua ngựa, ông chủ Đại Nam còn muốn trường đua phức hợp phát triển nhiều môn thể thao chưa có ở tỉnh và trong khu vực.
Theo ông Huỳnh Uy Dũng, chủ khu du lịch Đại Nam (Bình Dương), trường đua Đại Nam được xây dựng trên khu đất rộng khoảng 60-70 ha, sẽ bao gồm các làng đua ngựa trên đất nền, trên cỏ; đua chó, đua môtô phân khối lớn, đua xe địa hình, đua mô tô nước với đường đua thiết kế có chiều dài khoảng 1,5km theo tiêu chuẩn quốc tế. Riêng khu vực khán đài dành cho khán giả được xây dựng theo hình thức module có thể phục vụ 50.000 người. Tuỳ thời điểm có thể tháo ráp nhanh chóng, dễ dàng. Tổng chi phí cho dự án này ước tính khoảng 100 triệu USD (hơn 2.000 tỷ đồng).
Ông chủ Đại Nam cho biết thêm, ý tưởng xây dựng trường đua dành cho các môn thể thao chợt đến khi hai vợ chồng ông xem một phóng sự về nghề nuôi ngựa và trăn trở về những trường hợp như ông Nguyễn Văn Tường (80 tuổi quê Gò Công, Tiền Giang) mà nhiều người trong giới nuôi, thuần dưỡng ngựa đua thường gọi là Năm Gò Công. Ông là một trong số những chủ hộ nuôi ngựa lâu năm ở đất Nam bộ. Từ năm 1989, khi trường đua Phú Thọ hoạt động, vì không có nơi chăn dưỡng ngựa nên ông đã lên khu vực Bình Hưng Hòa để thuê đất làm trang trại ngựa. Đàn ngựa của ông gầy dựng từ vài con đã phát triển nhanh chóng khoảng hơn 20 con. Hiện ông Năm có 9 ngựa đua, số còn lại là ngựa giống và ngựa con.
Hiện Đại Nam đã đưa về nhiều giống ngựa quý để dưỡng chuẩn bị phục vụ tại trường đua Đại Nam.
Ngoài ra, ông chủ Đại Nam cũng tiết lộ, đang tìm hiểu, sưu tầm tất cả các loại xe ngựa cổ trong cả nước. Sau đó sẽ thực hiện phục chế các loại này, trong đó có xe thổ mộ ở Sài Gòn và Đất Thủ khi xưa nhằm tôn tạo những giá trị văn hoá truyền thống, phục vụ thưởng lãm, chuyên chở du khách tham quan tại đây. Dự kiến cuối tháng 10 tới, trường đua Đại Nam sẽ chính thức đi vào hoạt động.
“Hy vọng trong tương lai, trường đua Đại Nam sẽ là sân chơi cho nhiều giải đấu trong khu vực và quốc tế, qua đó trở thành môi trường để tìm kiếm những tài năng, và Đại Nam sẵn sàng phối hợp với tỉnh Bình Dương để bồi dưỡng, phát triển các vận động viên tham gia giải đấu trong và ngoài nước”, ông Dũng bày tỏ.
Ông "Dũng Lò Vôi" bên khu đất vừa được cày xới để làm trường đua Đại Nam trị giá 100 triệu USD.
Tháng 6 vừa qua, tỉnh Phú Yên cũng đã cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án trường đua ngựa Phú Yên cho Công ty Golden Turf Club Pty Ltd, có tổng vốn đầu tư 100 triệu USD (hơn 2.000 tỷ đồng), được triển khai trên diện tích hơn 134 ha tại xã An Phú (TP Tuy Hòa) và xã An Chấn (huyện Tuy An), dự kiến đi vào hoạt động năm 2019.
Tại Bình Phước, Tập đoàn đầu tư Australia đã có được sự đồng thuận của UBND tỉnh trong việc mở một trường đua ngựa tại đây. Dự án này được quy hoạch với tổng diện tích 100ha, bao gồm khu trung tâm thương mại - dịch vụ, trung tâm chăm sóc y tế và sức khỏe cho người cao tuổi, các cơ sở thể thao... Tổng vốn ban đầu dự kiến trên 100 triệu USD.
Còn tại Lâm Đồng, UBND tỉnh đã thông qua dự án trường đua ngựa do Công ty Đua ngựa Thiên Mã - Madagui làm chủ đầu tư từ năm 2014 với mục tiêu xây dựng một trường đua ngựa, câu lạc bộ mã cầu (polo) và ngựa biểu diễn tầm cỡ khu vực, phục vụ cho du lịch và thể thao, với số vốn đầu tư xấp xỉ 517 tỷ đồng.
Nguyệt Triều
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét