Tốt nghiệp ngành quản lý văn hóa, anh lại theo học tiếp đạo diễn điện ảnh. Nuôi giấc mộng dài với điện ảnh, đã có ba kịch bản chuẩn bị làm phim, tưởng chừng mọi việc đang suôn sẻ, anh bỗng dưng lại bị lôi kéo sang truyền hình...
Khởi nghiệp lần đầu tiên với công ty truyền thông Mắt đại dương, nhưng mất cả vốn lẫn lời, anh lại đột ngột… rẽ ngang sang trồng rau sạch với thương hiệu 8 Khỏe.
Những ngã rẽ liên tục, một chuỗi khát vọng với không ít lần trả giá đau thương, và nỗ lực cháy bỏng cho một thế giới xanh hơn đã làm nên chân dung đạo diễn trẻ “Chính liều”, Giám đốc công ty Vạn Phúc, chủ nhân thương hiệu “Rau sạch 8 Khỏe”.
Cuộc đời anh là những ngã rẽ liên tục, có phải anh đang tìm kiếm chính mình?
Thực ra không phải tôi muốn nhiều ngã rẽ, bản thân đam mê đạo diễn từ nhỏ, nhưng để an toàn, tôi học quản lý văn hóa, lấy nền tảng căn bản về nghệ thuật như hội họa, văn chương, để trau dồi cho một đạo diễn tương lai. Tốt nghiệp quản lý văn hóa, tôi thi tiếp đạo diễn điện ảnh, cũng ôm mộng làm phim điện ảnh tử tế trong thời mà phim thị trường tràn ngập, nhưng lại dấn thân vào truyền hình, dù mộng điện ảnh vẫn nuôi dưỡng trong mình.
Nghệ thuật đã mang lại cho anh điều gì quý giá nhất?
Công việc đạo diễn làm cho con người mình luôn sáng tạo, lãng mạn, nó khiến cho cuộc sống của tôi thi vị hơn, không bị khô khan. Cũng chỉ trong bốn bức tường ấy của phim trường, làm thế nào để tạo ra những câu chuyện khác nhau, không gian khác nhau, đó là một thách thức khiến mình luôn mới mẻ, tươi mới.
Vì sao một nghệ sĩ đầy lãng mạn như anh lại quyết định trở thành doanh nhân khi khởi nghiệp lần đầu tiên với công ty quảng cáo truyền thông Mắt đại dương và… thất bại?
Khi tham gia đạo diễn cho các chương trình truyền hình của BHD, tôi lại ôm mộng làm công ty quảng cáo riêng, vì nghĩ mình có nghề, có ý tưởng, có mối quan hệ… là có thể khởi nghiệp được. Với một người trẻ tuổi, để khởi nghiệp thấy dễ dàng quá, nhưng đó là sai lầm. Một đạo diễn làm doanh nhân đã là phiên lưu, lại không kiểm soát được nguồn tài chính, vốn xoay vòng thiếu hụt, tôi đã làm 3 tỷ đầu tư từ tích lũy, vay mượn gia đình …xuống sông xuống biển. Gác lại kinh doanh, trả nợ xong cho gia đình, cũng là lúc tôi đóng cửa công ty.
Lần khởi nghiệp đầu tiên này đã cho tôi bài học xương máu, lĩnh vực kinh doanh chưa am hiểu, cần thêm thời gian để học hỏi. Là nghệ sĩ mà bước vào kinh doanh, tuổi lại còn trẻ nên dễ nóng tính lắm.
Kinh doanh đòi hỏi phải sáng suốt trong mọi quyết định, cộng thêm yếu tố may mắn nữa. Có những dự án tưởng chừng đã ở trong tay rồi lại vuột mất. Nhưng làm chủ không được thì tôi lại đi làm công, cũng không suy nghĩ nhiều. 2,4 tỷ mình bỏ ra mất cũng không quá nặng nề, chỉ lo trả nợ hết 600 triệu, đời mình còn dài, còn làm lại được.
Cơ duyên nào bỗng mở lối cho anh với rau sạch, để anh lại quyết định khởi nghiệp lần hai, đặt cược toàn bộ vốn liếng và niềm hy vọng vào một thế giới xanh hơn?
Làm đạo diễn truyền hình cho những chương trình sức khỏe, ngồi nghe những câu chuyện bác sĩ nói về bệnh ung thư quá nhiều, thực phẩm quá bẩn, bản thân ăn rau nhiều nên tôi cũng bị ám ảnh. Bạn gái mình mỗi lần ăn rau cũng sợ nhiều thứ, cô ấy đưa ra đề xuất sao chúng mình không cùng nhau làm rau sạch cho cộng đồng, không ngờ từ đó rau sạch đã trở thành đam mê.
Cũng nhiều người hỏi tôi tại sao lại chọn trồng rau ở Sài Gòn? Lên Đà Lạt xem, thấy người dân trồng hoa nhiều, phun đủ các loại phân thuốc làm đất nhiễm độc. Nghiên cứu nên có một môi trường riêng cho rau hữu cơ, để vừa trồng rau, vừa có thể làm đạo diễn. Chọn giải pháp ở Sài Gòn vừa mang tính chiến lược, vừa để giảm chi phí vận chuyển, giữ cho rau sạch, tươi.
Thuê của một người bạn mảnh đất 6.000 m2 không canh tác một thời gian dài, thấy phù hợp với một "farm", tôi cũng muốn hướng đến một "farm" cho thiếu nhi được tiếp xúc với thiên nhiên, môi trường thực vật để học hỏi và trải nghiệm.
Ban đầu công trình xây trên mương nước, chọn trúng nhà thầu không biết kết cấu xây dựng, bị sập hoàn toàn. Không nản chí, tôi tiếp tục nghiên cứu xây dựng mô hình vườn trên mương nước hoàn thiện. Sau đó nghiên cứu về rau, ban đầu gieo hạt mấy tuần chẳng thấy mọc, đến khi vừa lên cây con ngày hôm sau bị sâu cắn mất tiêu… Chẳng nản lòng, tôi tiếp tục chọn phương pháp trồng thủy canh lúc đó còn rất mới ở Sài Gòn, trải qua những tháng ngày vất vả cực nhọc vô cùng mới có thể trồng ra những lứa rau ngon và lành cho người dân thành phố.
Phương pháp Hydroponics theo kiểu Hà Lan, dùng dinh dưỡng pha chế cung cấp cho rau trong nhà kính 1000m2. Bên cạnh đó, tôi nghiên cứ thử nghiệm phương pháp Aquaponic, vừa nuôi cá, vừa trồng rau trên mô hình nhỏ khoảng 300m2. Và gần đây tôi chuyển qua làm organic trên diện tích 2.000m2 nữa. Thử nghiệm nhiều giống mới trên ba mô hình tại mảnh đất của mình, tôi đã trở thành người nông dân thực thụ. Trồng rau quả phải nhập tâm vào thì nó mới phát triển như mình muốn.
Nhưng làm sao 20 loại xà lách, cà chua, lolo tím Đà Lạt lại có thể sinh trưởng ở Sài Gòn?
Ai cũng nói “Chính liều”. Qua nghiên cứu, tôi kết luận nhiệt độ, không khí không ảnh hưởng nhiều đến sản lượng, mà chủ yếu nhiệt độ nước, công thức phân và cách chăm sóc. Tôi đã hạ nhiệt độ nước xuống để thích hợp với từng loại rau.
Có thể nói ở Việt Nam, tôi là người đầu tiên dùng cá Koi làm mô hình organic. Không ai liều lĩnh như vậy, vì cá Koi rất dễ chết, nhưng mình có kinh nghiệm nuôi cá Koi 4 năm nay rồi. Người Nhật coi cá Koi là biểu tượng quốc gia bởi sự thân thiện, hiếu khách, rất đắt tiền. Về hạt giống, tôi mua trực tiếp từ hãng Ruk Zwaan, Hà Lan. Hạt giống này được sơ chế từng hạt, có chế độ bảo vệ từng hạt, đắt gấp 5 lần hạt giống bình thường. Cũng xứng đáng vì đây là loại hạt không biến đổi gen, bảo đảm chất lượng, không ảnh hưởng đến sức khỏe.
Trồng rau, khó nhất là phát triển thị trường, làm thế nào để anh có thể tạo dựng thương hiệu “Rau sạch 8 Khỏe”?
Ban đầu phải đem rau đi tặng cho từng người thân quen để họ biết về rau sạch, mình vừa trồng rau, vừa giao hàng, vừa quảng bá sản phẩm trên Facebook, thăng trầm lắm mới có ngày hôm nay. Doanh thu hiện nay mỗi ngày cũng được 10-12 triệu đồng. Giờ thì rau không đủ cung cấp cho thị trường. Không chỉ trồng rau quả, tôi còn mở rộng thương hiệu 8 Khỏe bằng cách liên kết với các chủ vườn rau ở Đà Lạt, để nhắm đến những nhà cung cấp lớn.
Đi ngược lên Đà Lạt, đến Đạ Nghịt, Lạc Dương, tôi đã tìm ra anh Huy và chị Na, chị Cúc… những người nông dân có tâm cùng với mình để làm ra rau quả sạch, làm cho menu sản phẩm 8 Khỏe phong phú hơn. Vì tôi chỉ trồng được xà lách, không trồng được củ quả như cà rốt, khoai tây… Nhờ đó thương hiệu 8 Khỏe được nhiều người biết hơn.
Mọi người còn biết đến anh qua chiến dịch giải cứu chuối cho nông dân Đồng Nai vừa qua?
Tôi có mối quan hệ thân thiết với người dân ở Đồng Nai. Đến mùa thu hoạch chuối mà không có đầu ra, nhiều hộ dân phải thế chấp tài sản ngân hàng, nếu không bán được thì mất nhà. Thấy thông tin chuối bị cho bò cho heo ăn, mình thấy phải làm ngay để giúp cho nông dân.
Tôi đăng tin lên Facebook 8 Khỏe, ngủ một đêm sáng dậy thấy Facebook của mình bùng nổ, lên đến cả ngàn người nhắn tin ủng hộ. Thì ra 8 Khỏe có uy tín nên được nhiều người ủng hộ, từ đó tôi hiểu phải làm bài bản hơn mới giúp được người dân.
Ban đầu đi xe tải giao hàng, sau đó mình phải ngồi một chỗ để điều hành 13 điểm cứu chuối tại Vũng Tàu, Cần Thơ, Sài Gòn…mỗi ngày tiêu thụ hơn 18 tấn chuối, cao điểm lên đến 20 tấn. Từ lúc đó đi đâu cũng thấy băng rôn “8 Khỏe đồng hành cùng bà con Đồng Nai giải cứu chuối”.
Nhiều người nói mình làm việc này để quảng bá thương hiệu 8 Khỏe, nhưng thực sự mình cũng bất ngờ! Trong vỏn vẹn vài ngày thương hiệu 8 Khỏe đi xa, đi rộng hơn mà mình không hề biết, hoàn toàn là tự nhiên thôi.
Nhiều khi mình nghĩ giúp mọi người thì điều tốt sẽ đến, đơn hàng về nhiều hơn, tôi phải thành lập một đội ngũ để cứu chuối cùng với bán rau. Hiện nay đội ngũ đã lên đến 14 người. Khách hàng 2, 3 giờ sáng vẫn đặt hàng… xuyên quốc gia luôn. Có người từ Mỹ đặt hàng cho gia đình ở Việt Nam…
Bước vào cuộc chơi nông nghiệp này, thách thức lớn nhất với anh là gì? Anh có buồn nhiều không khi thị trường tràn ngập sản phẩm organic nhưng chất lượng thì không đúng với những gì họ quảng bá, mà giá thì… trên trời?
Thương hiệu phát triển nhanh quá, nguồn thu chưa đủ để tái đầu tư tiếp, thách thức lớn nhất với tôi bây giờ là nguồn vốn để phát triển thương hiệu. Còn cách thức cho rau phát triển mình đã có lời giải hết rồi.
Sau giai đoạn khởi nghiệp, bây giờ mọi khâu phải đi vào chuyên nghiệp, 8 Khỏe đã có bộ phận chăm sóc khách hàng sỉ và lẻ, kênh phân phối cho các siêu thị. Hơn 20 người đăng ký làm cửa hàng với thương hiệu 8 Khỏe, người muốn chuyển giao công nghệ trồng rau cũng rất đông. Có một thương hiệu lớn làm việc với tôi, ban đầu mua 300 ký rau/ngày, sau lên 600 ký/ngày, giờ đặt hàng một tấn/ ngày cho 6 loại rau.
Làm nông nghiệp sạch cần nhất là sự kiên định, không dùng bất cứ loại hóa chất nào. Đôi khi phải tranh đấu dữ lắm vì con sâu làm tan nát hết cái cây của mình, nhưng phải quyết tâm làm cho sạch, chỉ cần sơ hở chút thôi là nhân viên của mình sẽ phun thuốc. Khó nhất là giữ được lương tâm nghề nghiệp.
Làm việc nhiều với những người nông dân ở Đà Lạt, anh có gặp trở ngại nhiều không để chiến thắng thói quen dùng phân thuốc đã ăn vào trong máu?
Vấn đề là chọn người. Người còn tư tưởng cũ mình kiên quyết không làm việc chung. Dù đã có hợp đồng cam kết giữa hai bên làm hoàn toàn hữu cơ, nhưng mình vẫn lên kiểm tra đột xuất. Những người tôi chọn trước đó đã làm rau hữu cơ, bản thân họ có con nhỏ, có tâm, mình có niềm tin với họ.
Thị trường bán xỉ và bán lẻ organic hiện nay đều có nhu cầu rất nhiều, nhưng tôi chưa đáp ứng đủ. Cơ hội mới đang đến với tôi khi một nhà đầu tư giao cho tôi 25 héc ta để canh tác organic. Đây chính người đã đặt hàng mua rau của mình. Họ thấy mình đang phát triển tốt, có quỹ đất muốn giao cho mình, và trở thành nhà đầu tư luôn. Organic chính là hy vọng cho nông nghiệp sạch của Việt Nam. Mình muốn loại trừ hóa chất, hướng tới oganic hoàn toàn. May mắn tôi đã gặp đúng người đi theo organic thật sự, để tốt cho sức khỏe con người. Hiện tôi đang thành lập thêm 4 farm lớn chuyên organic và aquaponic.
Bài học lớn nhất với anh khi bước chân vào nông nghiệp là gì? Làm thế nào để có thể đi đến cùng con đường đã chọn?
Cái được lớn nhất với tôi là góp thêm vào thị trường một nguồn rau sạch đáng tin cậy cho thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận như Gia Lai, Long An, Đà Nẵng… Tôi thấy hạnh phúc với công việc mình đang làm. Về tài chính thì chưa giàu được, nhưng được về tinh thần lớn lắm, nó giúp mình có thêm ngọn lửa để tiếp tục nở nụ cười, bước tới.
Tuy nhiên vì quá đam mê trồng rau nên thời gian dành cho người yêu bị chi phối nhiều. Tôi thường xuyên di chuyển, gặp đối tác này, nhà vườn kia, bạn cũng thấu hiểu. Chúng tôi dự định làm đám cưới trước khi lập farm, nhưng giờ vẫn chưa thực hiện được vì quá sa đà vào nông nghiệp. Phải cố thu xếp để làm đám cưới, tạo hạnh phúc cho người bạn đời thôi
Với riêng tôi, nhờ ăn rau sạch mà sức khỏe rất tốt, một ngày làm việc 24 tiếng nhưng hôm sau vẫn có sức làm việc. Dường như có một sức mạnh gì đó cứ cuốn tôi đi không biết mệt là gì.
Quan niệm sống nào giúp anh lúc nào cũng đầy đam mê, dù không ít lần trả giá?
Khi khách hàng đặt niềm tin vô mình, khi tỷ lệ ung thư ngày càng phát triển, tôi thấy trách nhiệm đó là lớn nhất. Làm nông nghiệp cũng nhiều lúc mệt mỏi, không có cả thời gian cho tình yêu, ôm cái khổ cái cực cho mình. Bộ dạng cũng thay đổi, suốt ngày chân lấm tay bùn, giờ giấc thay đổi… nhưng trong tâm luôn tự nhủ phải làm hết sức mình để có nguồn rau sạch cung cấp cho thị trường, chứ không nghĩ làm giàu
Để giữ được sự tự do trong mỗi quyết định của đời mình, đòi hỏi sự dũng cảm như thế nào?
Quê tôi ở Nha Trang, ngay từ lớp 6 tôi đã ra khỏi nhà kiếm sống, nên tự lập, tự quyết định từ nhỏ. Nhà tôi không ai theo nghệ thuật cả, nên khi tôi học đạo diễn gia đình cũng nghi ngờ. Làm rau sạch gia đình cũng phản đối, vì từ nhỏ đến giờ đâu có biết trồng rau là gì. Nhưng một khi đã quyết tâm sẽ làm đến cùng. Niềm đam mê điện ảnh có thể phải gác lại rất lâu vì dòng máu rau trong tôi đang chảy dữ dội lắm. Khối công việc còn quá nhiều khiến mình không thể lơ là được.
Để theo đuổi nông nghiệp sạch tử tế cần lắm sự bất chấp, sự ứng biến, và thêm cả…máu liều nữa, giống như nghề đạo diễn vậy. Tôi chấp nhận bỏ ra hai luống rau có thể thu nhập tiền ổn định để làm thí nghiệm với những loại giống mới, những ý định mới của mình trên 3 mô hình. Chịu nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo, không ù lỳ, an toàn với một loại rau là cách mà tôi luôn mang cái mới cho thị trường.
Anh có thể chia sẻ những bài học nào cho các bạn trẻ khởi nghiệp?
Khi có ý định khởi nghiệp, phải nghiên cứu thật kỳ điều mình muốn làm, phải gặp các bậc thầy đi trước để biết được cái tốt, cái xấu. Mình hay tự bản thân quyết định mà không chịu học hỏi các vị lão thành, nên cũng phải trả giá nhiều lắm. Tôi cũng đã từng chần chừ, để mất đi cơ hội hợp tác với người khác. Khởi nghiệp gắn với công nghệ và hợp tác thì sức mạnh sẽ lớn hơn, tạo doanh thu đột phá. Startup đơn độc dễ bị thất bại lắm, tôi đang chia rủi ro ra từng group những người trẻ, để đỡ sơ bơ sất bất, không điều khiển được mọi thứ.
Thực ra để chọn lựa nhà đầu tư rất khó, vì rất nhiều startup bị thôn tính rồi. Đến với 8 Khỏe rất nhiều nhà đầu tư, rút kinh nghiệm những bài học của các bạn, tôi đã rất cân nhắc để chọn nhà đầu tư cùng chí hướng, cùng lĩnh vực ngành nghề, để hai bên hỗ trợ nhau. Đừng dùng nhà đầu tư chỉ đưa tiền, sẽ biến mình thành người làm công thôi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét