Người ta nói “có công mài sắt, có ngày nên kim”. Không có hành trình xây dựng sự nghiệp kinh doanh nào thiếu việc đương đầu với những khó khăn.
Chatri Sityodong - sáng lập viên và giám đốc công ty quảng cáo võ thuật tổng hợp ONE Championship - vẫn nhớ những lần anh bị từ chối bởi những người cùng ngành. Hiện tại One Championship đang phát triển liên tục và có hi vọng trở thành hãng truyền thông thể thao đầu tiên ở châu Á có tài sản trị giá nhiều tỉ đô-la.
Paul Rivera, sáng lập viên và CEO của nền tảng tìm kiếm việc làm Kalibrr kể rằng trước khi có Kalibrr, 8 nhân viên tại trung tâm chăm sóc khách hàng cùng bỏ đi ăn trưa và không bao giờ quay trở lại. “Tôi phải tự biến mình thành nhân viên trực tổng đài và cố gắng làm việc thay thế cho tám người đó”, ông nói.
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp lần thứ 40 được tổ chức ở A SPACE Greenbelt, thành phố Makati, Philippines, các sáng lập viên đã chia sẻ những kinh nghiệm và bài học trong việc sống sót qua những ngày đầu khó khăn nhất khi mới thành lập startup.
Đừng để chướng ngại vật ngăn bạn lại
Điều khác biệt của những nhà sáng lập thành công là khả năng vượt qua được những lời đàm tiếu và coi những khó khăn như một động lực.
Mẹ của Chatri phải sống chung với con ở phòng kí túc xá trong trường Harvard - căn phòng mà anh được trợ cấp miễn phí nhờ học bổng - sau khi gia đình bị phá sản trong cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1997-98. Họ sống chỉ với 4 USD một ngày và không biết làm cách nào để trả học phí cho kì tới.
“Dù có phải lên trời xuống bể, tôi sẽ phải làm gì đó để mẹ tôi không phải chịu đựng như thế này nữa”, Chatri nói.
Với Raphael Mijeno, người đồng sáng lập của SALt, công ty sản xuất đèn chạy bằng nước muối, trong khi phát triển và chạy thử, sản phẩm này bị coi là quá đắt vì các nguyên liệu đều phải nhập từ nước ngoài. Để tiết kiệm một chút tiền, ông và người chị gái Aisa - và cũng là sáng lập viên - đã chấp nhận mọi rủi ro và bán chiếc ô tô duy nhất của cha mình mà thậm chí người cha của họ còn không hề hay biết.
“Việc nói cho cha tôi rằng xe của ông đã bị bán đi rồi thật sự không đơn giản” Mijeno nói.
Đừng sợ vấp ngã
Ngay cả khi có kế hoạch kinh doanh trong tay, các công ty vẫn phải mất thời gian để khám phá được giá trị của bản thân, và tìm ra họ thật sự giỏi trong lĩnh vực gì, theo lời chủ tịch Neel Chowdhury, CEO và tổng biên tập tờ báo Inc. Southeast Asia.
Với Philip Cheang, người đồng sáng lập của Sakay.ph, một ứng dụng chỉ đường, đã từng gặp khó khăn khi tìm ra một sản phẩm nào đó có thể gắn bó với người dùng. đặc biệt với một đội ngũ bắt đầu từ những designer và lập trình viên.
“Bạn bước ra, bạn biết mình có kĩ năng để tạo nên một thứ gì đó, nhưng cho dù bạn có làm điều gì, mọi thứ vẫn chẳng đi đến đâu cả”, Cheang nói. Chìa khóa là phải dám thử nghiệm. Họ đã thành công với Sakay.ph, một dự án bên lề trong một lần họ tham gia một cuộc thi dành cho những người làm trong lĩnh vực phát triển phần mềm.
Minh bạch, nhưng hãy kiểm soát lượng thông tin lọt ra ngoài
Các nhà sáng lập chia sẻ bao nhiêu khó khăn với nhân viên của họ? Làm thế nào để họ có thể cân bằng giữa minh bạch và khả năng giữ lại sự tự tin cũng như động lực của các thành viên.
“Tôi cố gắng minh bạch với các nhân viên hết sức có thể, nhưng tôi biết rằng có sự khác nhau trong tư duy của một người sáng lập với một nhân viên trong khả năng chịu đựng rủi ro”, Chatri nói.
Với Rivera, “Ở Kalibrr, chúng tôi thực sự thẳng thắn với nhau. Tôi nghĩ vai trò của tôi còn hơn cả một huấn luyện viên cho đội của mình.”
Mijeno nói thêm, “Những người nhân viên là một phần của công ty, dù chúng tôi có đưa ra quyết định gì, chúng tôi đều hỏi ý kiến của họ. Và đó cũng là một cách rất tốt để tìm ra ai là người có thể chịu đựng rủi ro như bạn.”
Cheang cũng đồng ý và cho biết rằng họ cố gắng chia sẻ càng nhiều thông tin càng tốt, nhưng phải kiểm soát điều đó.
Thành ngữ tiếng Anh có câu “No pain, no gain”, tức là nếu bạn không trải qua khổ luyện thì sẽ chẳng bao giờ thành công. Và thành công chỉ đến cho những ai kiên trì, không bao giờ bỏ cuộc và hiểu rõ thế mạnh của bản thân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét