"Cảm giác nhỏ bé không đáng sợ bằng việc những gã khổng lồ kia đã từng nhỏ bé, và họ biết rõ suy nghĩ của những chú tí hon như Mobiistar, đưa ra những sách lược có thể bắt chết Mobiistar ngay trên sân nhà", ông Ngô Nguyên Kha - CEO Mobiistar chia sẻ.
Đi lên từ việc kinh doanh dòng điện thoại phổ thông (feature phone) có mức giá từ 500.000 đồng đến hơn 2 triệu đồng ở giai đoạn 2009 - 2011, Mobiistar khi ấy là cái tên khá xa lạ với thị trường di động Việt.
Năm 2016 khép lại, thị phần smartphone Mobiistar đã vươn lên vị trí thứ 4. Từ một thương hiệu điện thoại Việt "tí hon" ít tên tuổi, Mobiistar chỉ xếp sau những nhãn hàng lớn như Apple, Samsung, OPPO.
Và trong lần ra mắt sản phẩm mới đây, ông Ngô Nguyên Kha - CEO Mobiistar đã chia sẻ với chúng tôi về chiến lược kinh doanh mới - đưa điện thoại Việt từ giá rẻ tiến lên phân khúc cao hơn, 3-4 triệu đồng.
- Chào ông Kha. Được biết, ra đời từ năm 2009, Mobiistar là một trong những thương hiệu điện thoại "Made in Vietnam" hiếm hoi còn sót lại trên thị trường, bí quyết nào giúp Mobiistar phát triển cho đến ngày hôm nay?
- Cũng khó trả lời chúng tôi có bí quyết gì. Mỗi năm trôi qua, thị trường đều có những bài toán hóc búa bắt buộc chúng tôi phải giải. Tập trung kiên trì giải bài toán, không bỏ cuộc để phải thắng trong từng trận.
Phần khác là sự cố gắng nhiều hơn. Chúng tôi là thương hiệu nhỏ, cạnh tranh được với nhiều thương hiệu lớn tiềm lực mạnh thì chỉ có cách cố gắng gấp nhiều lần bình thường để vượt lên.
Tuy nhiên, nếu làm tất cả những điều đó mà không hướng đến việc làm hài lòng khách hàng và đối tác thì sẽ không có kết quả. Khách hàng phải hài lòng mới chọn mua dùng sản phẩm. Họ dùng phải thấy an tâm hài lòng mới không kêu than trên Facebook cá nhân để ảnh hưởng đến những người mua tiềm năng khác. Các đối tác không chỉ cần sự hài lòng khi trao đổi công việc mà kết quả của những cuộc trao đổi ấy phải đóng góp cụ thể vào kết quả kinh doanh của họ. Những điều đó, chúng tôi luôn cố làm thật tốt và đó chính là cách chúng tôi tồn tại được.
- Là một nhà sản xuất nội địa, Mobiistar có bao giờ cảm thấy nhỏ bé khi cạnh tranh với những ông lớn trên thị trường?
- Dĩ nhiên là có. Cảm giác ấy luôn thường trực. Nhiều khi nhìn thấy các thương hiệu "đồng hươn"g bị suy yếu, chúng tôi cảm thấy buồn và ước gì các thương hiệu Việt mạnh lên chút, đi cùng nhau để không bị cảm giác lẻ loi nhỏ bé cứ luôn đeo bám mình.
Suốt 2 năm qua, chúng tôi luôn dặn dò nhau rằng, chúng ta là những người tí hon đang đấu với những người khổng lồ. Nhưng "David" Mobiistar không thể áp dụng chiêu của David ngày xưa - đó là dùng súng cao su bắn hòn đá vào mắt Goliath.
Đặc biệt trong thị trường hiện tại, các thương hiệu mới nổi của Trung Quốc đi ra thị trường thế giới với tâm thế của những gã khổng lồ. Nhưng quá khứ chưa xa của họ in đầy những câu chuyện "David và Goliath", trong đó họ đã từng là những chú David, thách thức các thương hiệu gạo cội trên thị trường di động.
Cảm giác nhỏ bé không đáng sợ bằng việc những gã khổng lồ kia đã từng nhỏ bé, và họ biết rõ suy nghĩ của những chú tí hon như Mobiistar, đưa ra những sách lược có thể bắt chết Mobiistar ngay trên sân nhà.
- Vùng vẫy giữa sân chơi toàn những ông lớn, Mobiistar có đồng hành cùng đối tác nào không, hay công ty chọn "đi một mình"?
- Làm sao chúng tôi đi một mình được!
Trong sự kiện ra mắt sản phẩm ngày 17-05-2017 vừa qua, chúng tôi có sự tham gia của các quan chức cao cấp từ tập đoàn sản xuất chip MediaTek (Đài Bắc). Đây là mối quan hệ lâu năm và khăng khít mà chúng tôi may mắn có được. Với sự hỗ trợ của họ, chúng tôi đón trước được xu hướng thị trường và sản phẩm.
Chúng tôi cũng được hỗ trợ về công nghệ để làm cho sản phẩm mình đạt độ hài lòng cao về trải nghiệm người dùng. Ví dụ như camera selfie, ai cũng muốn làm cho bằng những chiếc điện thoại đình đám trên thị trường. Thế nhưng nếu thiếu các giải pháp công nghệ, các thuật toán nâng chất lượng hình ảnh, chúng tôi không thể làm tốt được.
Đối với thị trường, chúng tôi không thể thiếu các đối tác kinh doanh như các chuỗi bán lẻ và các nhà phân phối sỉ ở các tỉnh. Những gì chúng tôi có thể làm được cho đến giờ này chính là kết quả của mối quan hệ đối tác giữa Mobiistar với các nhà bán lẻ. Chúng tôi may mắn được họ chọn làm đối tác đồng hành trong các giải pháp kinh doanh của họ.
Ngoài ra chúng tôi cũng có những "đối tác" đặc biệt. Đó là đội ngũ các quản lý và nhân viên Mobiistar. Có những thời điểm ngặt nghèo, chúng tôi nắm tay nhau để cùng bước lên từng bước một. Năm này qua năm khác, chúng tôi vẫn đi cùng nhau theo cách như thế.
Như thế, anh có muốn "đi một mình" thì cũng không thể làm được.
- Kết quả của những lần "đi cùng nhau" này là gì, thưa ông? Dòng sản phẩm hiện có nào của Mobiistar là bán chạy nhất? Nhờ đâu công ty có được bước tiến đó?
- Mobiistar có thế mạnh ở các smartphone giá rẻ, dưới 2 triệu đồng. Các sản phẩm trong phân khúc này của Mobiistar thay nhau xuất hiện trong bảng xếp hàng top 20 sản phẩm bán chạy của thị trường, theo GfK.
Kết quả này đến từ chiến lược tập trung vào một đối tượng khách hàng, cố gắng giải quyết một vài nhu cầu cháy bỏng của họ. Trong trường hợp này là những smartphone cấu hình ổn, giá tốt với chất lượng tốt.
Khách hàng không có nhiều tiền để mua điện thoại cấu hình cao giá cao của các hãng lớn. Họ đến với chúng tôi, nhưng nếu chúng tôi để họ thất vọng vì chất lượng kém, vì trải nghiệm tệ hại, thì hậu quả sẽ vô cùng lớn. Những sản phẩm kể trên bán được nhiều chính là vì chúng tôi giải quyết được bài toán ấy cho người dùng.
- Ông nhấn mạnh tới việc tạo ra sản phẩm smartphone "cho mọi người", ý ông là một chiếc smartphone giá rẻ phù hợp với túi tiền của tất cả?
- Ý tưởng "cho mọi người" không phải do chúng tôi nghĩ ra. Tôi học được từ các câu chuyện thành công của những doanh nghiệp đầu đàn của Việt Nam như Vietjet hay Viettel và gần đây là Biti's Hunter. Ở đó, họ đưa ra những sản phẩm ai cũng muốn dùng hoặc ước mơ một lần được chạm đến mà khó quá vì giá quá cao so với thu nhập người dùng. Họ giải quyết được mâu thuẫn "sản phẩm tốt làm sao bán giá rẻ" để mọi người dùng tận hưởng.
Ở trường hợp của Mobiistar, chúng tôi cũng cố gắng tìm ra những "mâu thuẫn" như thế. Ví dụ Viettel đưa ra dịch vụ 4G "cho mọi người", nhưng mức giá của các chiếc smartphone 4G cao hơn mức "cho mọi người". Giá cước 4G rẻ hơn 3G, nhưng giá máy smartphone 4G chưa có máy nào rẻ hơn được máy 3G. Chúng tôi cố gắng làm sao giá máy smartphone 4G phải đủ rẻ để mọi người mua mà không phải lăn tăn nhiều. Mục tiêu với máy smartphone 4G của chúng tôi là giá bán lẻ phải nằm dưới 2 triệu đồng.
Một tình huống "cho mọi người" nữa mà chúng tôi đang tâm đắc, chính là câu chuyện camera selfie. Selfie là nhu cầu của mọi người, nhưng giá máy selfie thì không phải "mọi người" đều dễ dàng mua được. Có người sẽ bỏ cả tháng lương để mua. Có người chọn trả góp để không phải bỏ ra ngay một khoản tiền lớn để cuối kỳ trả góp, chi phí đã đội lên rất nhiều. Chúng tôi muốn có "selfie cho mọi người" theo suy nghĩ ai cũng có thể selfie đẹp, với mức chi trả rất hợp lý.
Chiếc smartphone chuyên selfie của chúng tôi vừa ra mắt đạt được độ hài lòng selfie cao gần ngang ngửa với những "chuyên gia selfie" trên thị trường, nhưng giá chỉ bằng hơn một nửa. Chúng tôi tin rằng người tiêu dùng có thể dùng những sản phẩm có các tính năng "ai cũng thích" và "ai cũng có thể chi trả" được. Điều này khác với những sản phẩm người dùng không có lựa chọn khác, buộc phải tặc lưỡi mua vì nó rẻ chứ họ không hoàn toàn hài lòng.
- Như vậy là từ mức giá 2 triệu, điện thoại Mobiistar đã tiến lên phân khúc 3-4 triệu. Kế hoạch sắp tới của công ty liệu có thay đổi? Sẽ là tiếp tục giữ vững phân khúc giá rẻ, hay tiến lên những phân khúc cao hơn như những ông lớn smartphone khác đã làm?
- Theo tôi là cả hai. Mobiistar phải bảo vệ những gì đang là thế mạnh, đồng thời phải khai phá các phân khúc trên. Người dùng Việt Nam rất chịu chi cho smartphone, nhất là những gì họ thấy ưng ý. Mức giá bán lẻ trung bình đang tăng dần lên. Mobiistar không thể đứng ngoài xu hướng này.
Thực tế thì từ đầu năm nay, chúng tôi đã tập trung vào một sản phẩm giá không rẻ và kết quả đang tăng lên một cách đáng khích lệ. Với đà đó, chúng tôi sẽ từng bước nhích lên với các sản phẩm phù hợp và các chương trình tiếp thị đủ mạnh để thuyết phục người dùng mua hàng.
- Cảm ơn những chia sẻ của ông!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét