CEO Elon Musk nói rằng ông và công ty Tesla của ông đang cố gắng làm điều tốt đẹp vì tương lai. Nhưng các công nhân của nhà máy Tesla lại đang phải chịu những đau đớn, thương tật vì làm việc nhiều giờ ở đây.
Khi Tesla mua nhà máy sản xuất xe hơi đã ngừng hoạt động ở Fremont, California, Elon Musk đã biến nhà máy cũ kỹ đó thành một "công xưởng của tương lai", ở đó có các "robot X-Men" khổng lồ làm việc.
Theo The Guardian, tham vọng xe hơi điện của Musk, và lời hứa của ông về việc sẽ cải tổ ngành công nghiệp xe hơi thải quá nhiều carbon, đã giúp giá trị của Tesla vượt qua cả Ford và General Motors (GM). Nhưng một số công nhân làm việc với robot trong nhà máy đã than phiền về những áp lực khi làm việc – mà họ cho là vì những mục tiêu hiếu chiến của Musk và đôi khi cả những tổn thương làm thay đổi cuộc sống của họ.
Kể từ năm 2014, đã có hơn 100 lần Tesla phải gọi xe cứu thương khi các công nhân bị ngất xỉu, chóng mặt, động kinh, thở bất thường và đau ngực. Ngoài ra, có hàng trăm trường hợp công nhân bị chấn thương và nhiều vấn đề y tế khác.
Trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại về tình trạng tại nhà máy đang có khoảng 10.000 công nhân làm việc, CEO Tesla đã thừa nhận các công nhân "trải qua thời kỳ khó khăn, làm việc nhiều giờ và công việc vất vả", nhưng nói rằng ông quan tâm sâu sắc về sức khỏe của họ, mức độ an toàn tại nhà máy đã được cải thiện nhiều trong năm qua.
Ông Musk cũng nói rằng Tesla không nên bị so sánh với các hãng sản xuất xe hơi khác và rằng vốn hóa thị trường của hãng, hiện là hơn 50 tỷ USD, là không chính xác. "Tôi tin mức giá trị thị trường này cao hơn thực tế", ông nói và chỉ ra rằng công ty chỉ sản xuất bằng 1% tổng sản lượng của GM.
"Chúng tôi là một công ty thua lỗ", Musk nói thêm. "Không phải chúng tôi là những nhà tư bản tham lam, bỏ qua sự an toàn để có thêm lợi nhuận, cổ tức. Chỉ là vấn đề chúng tôi mất bao nhiêu tiền, làm thế nào để tồn tại? Làm sao để chúng tôi không chết và khiến công nhân mất việc?"
Tuy nhiên, lời giải thích của Musk khác với những gì mà 15 công nhân, cả những công nhân đã ra đi và cả những công nhân đang làm việc, nói với trang The Guardian về nền văn hóa làm việc nhiều giờ liền dưới áp lực khủng khiếp, đôi khi khiến họ phải chịu đau đớn và bị thương, để thực hiện những mục tiêu sản xuất tham vọng của CEO.
"Tôi đã nhìn thấy có người ngất xỉu, ngã lăn ra sàn nhà và va đập vào mặt", Jonathan Galescu, một kỹ thuật viên sản xuất tại Tesla nói. "Họ cử chúng tôi làm việc quanh anh ta trong khi anh ta cứ nằm trên sàn nhà".
Anh là một trong số những công nhân nói rằng họ đã chứng kiến đồng nghiệp ngã lăn ra hoặc bị đưa đi trên xe cứu thương. "Chúng tôi có một đồng nghiệp làm cùng trên dây chuyền của mình, anh ta cứ cắm cúi làm việc, làm việc, làm việc và rồi bạn nhận ra – anh ta đã ngã lăn trên sàn nhà", Mikey Catura, một công nhân dây chuyền pin nói.
"Tôi đã nhìn thấy có người ngất xỉu, ngã lăn ra sàn nhà và va đập vào mặt", Jonathan Galescu, một kỹ thuật viên sản xuất tại Tesla nói
Richard Ortiz, một công nhân khác, nói vẻ rất khâm phục sàn nhà công nghệ cao. "Cứ như thể bạn đã chết và đi lên thiên đàng của công nhân xe hơi", nhưng anh nói thêm: "Mọi thứ đều mang đến cảm giác hiện đại của tương lai, chỉ trừ chúng tôi".
Tesla vừa là một startup công nghệ, không phải chịu những quy định của nền kinh tế cũ, vừa là một nhà sản xuất cần cho ra những hàng hóa thực sự. Không đâu sự mâu thuẫn đó rõ ràng hơn tại nhà máy Tesla, khi tham vọng của Musk là công ty sẽ sản xuất ra 500.000 xe hơi vào năm 2018 (tăng 495% so với năm 2016), tham vọng này phụ thuộc nhiều vào những dòng mồ hôi và cơ bắp làm việc của hàng ngàn công nhân.
"Theo những gì tôi thu thập được, Elon Musk đã khởi nghiệp Tesla như một dạng startup ứng dụng, và không nhận ra rằng đó không phải là một trò đùa, cứ ngồi bên máy tính gõ là xong", một công nhân nói. "Bạn sẽ thực sự mất cảm giác về một startup khi bạn có hàng ngàn người đang làm công việc lao động chân tay".
Hồi tháng Hai, công nhân Jose Moran của Tesla đã công bố một blogpost, nêu chi tiết những cáo buộc về việc bị buộc làm quá giờ, tỷ lệ thương vong cao và mức lương thấp tại nhà máy, đồng thời tiết lộ các công nhân đang tìm cách tổ chức công đoàn với United Auto Workers.
Bài viết của Moran đã chiếu một tia sáng vào một lực lượng lao động hầu như không hề có trong hình ảnh chính thức của Tesla về nhà máy.
Michael Sanchez từng có hai ước mơ: trở thành một nghệ sĩ và một kỹ thuật viên xe hơi. Ông nói đã từng "sung sướng ngây ngất" khi được tuyển dụng làm việc tại Tesla 5 năm trước, một công ty ông tin là "một phần của tương lai".
Nhưng giờ đây Sanchez có hai đĩa đệm thoát vị trên cổ, đang nghỉ phép vì bị khuyết tật, và không còn có thể cầm bút chì mà không bị đau.
Tesla nói rằng Sanchez bị thương khi ông đang lắp đặt một bánh xe, nhưng Sanchez nói ông bị thương là do đã làm việc nhiều năm trên dây chuyền lắp ráp của Tesla. Những chiếc xe mà Sanchez làm việc luôn treo lơ lửng trên dây chuyền, vì thế khi làm việc ông luôn phải giơ cả hai tay lên đầu suốt cả ngày.
"Bạn có thể làm việc như thế cả ngày thứ Hai", Sanchez nói. "Bạn có thể làm cả ngày thứ Ba, rồi thứ Tư, và bạn bắt đầu cảm thấy mỏi. Thứ Năm sẽ thấy đau. Thứ Sáu thấy nhức. Thứ Bảy bạn vẫn phải làm như thế suốt cả ngày".
Quy trình sản xuất của Tesla dường như ở mức nguy hiểm nhất trong những năm đầu hoạt động. Tỷ lệ tai nạn được ghi lại (TRIR) của Tesla, một số đo chính thức về số người thương tật và bị ốm được báo cáo lên các nhà chức trách về an toàn lao động, cao hơn mức trung bình từ năm 2013-2016. Tesla từ chối công bố số liệu về 4 năm đó, nói rằng những thông tin đó "không phản ánh việc nhà máy vận hành như thế nào vào hôm nay".
Tesla chỉ công bố số liệu gần đây hơn, nó cho thấy số tai nạn lao động tăng nhẹ so với mức trung bình chung của ngành vào cuối 2016, và vào những tháng đầu năm 2017 tình hình có đỡ hơn. Tesla cho biết đã quyết định giới thiệu một nhóm chuyên gia, cải tiến "mức độ an toàn" của nhà máy, giúp giảm đáng kể sự cố kể từ năm ngoái.
Bên trong nhà máy sản xuất xe hơi Tesla ở Fremont, California, nơi có 10.000 công nhân làm việc
Musk nói sự an toàn là điều tối quan trọng tại công ty. Ông cho biết bàn làm việc của ông là "nơi tệ nhất trong nhà máy, chứ không phải là một góc văn phòng thoải mái, tiện nghi".
Đầu năm 2016, ông đã ngủ trên sàn nhà máy trong một chiếc túi ngủ. "Tôi biết mọi người vất vả, làm việc nhiều giờ. Tôi muốn làm việc vất vả hơn cả họ, thậm chí làm nhiều giờ hơn", ông nói. "Bởi vì đó là điều tôi nghĩ một nhà quản lý cần trải qua".
"Chúng tôi làm như thế vì chúng tôi tin vào một tương lai năng lượng bền vững, giao thông sạch, chứ không chỉ vì chúng tôi nghĩ đó là một cách làm giàu", CEO Tesla nói. Các công nhân của Tesla cũng tự hào về sứ mệnh của công ty. "Chúng tôi đang thay đổi thế giới", Ortiz nói. "Tôi không thể đợi đến khi cháu gái tôi một ngày đi đến lớp và nói: Ông nội tôi đã từng ở đó".
Nhưng niềm tự hào không xóa nhòa được những gì mà Ortiz miêu tả về "sự thất vọng" đối với điều kiện làm việc và những thương tật không thể tránh khỏi do công việc. Gần đây, cánh tay phải của Ortiz đã yếu hẳn đi, và ông rất sợ. "Tôi muốn sử dụng được cả hai tay của mình khi tôi nghỉ hưu", ông nói.
Những công nhân khác cho biết họ bị căng thẳng, stress liên tục vì phải làm việc nhiều giờ. Trước khi công ty giảm thời gian làm việc trung bình trong ngày vào tháng 10/2016, họ đều đặn phải làm các ca 12 giờ, 6 ngày 1 tuần.
Sanchez và nhiều công nhân khác nói họ tin sẽ còn nhiều trường hợp thương tật xảy ra, vì nhiều năm liền, công ty không xem xét về vấn đề an toàn cho người lao đọng, một số quản lý phàn nàn và ép họ làm việc dù bị thương.
Khi các công nhân phản ánh với quản lý về thương tật và sự đau đớn trong cơ thể, Sanchez nói họ được trả lời rằng: "Tất cả chúng tôi cũng bị đau". Các quản lý đặt mối quan tâm về số lượng sản xuất lên trên sự an toàn và sức khỏe của nhân viên.
Michael Sanchez
Tesla nói rằng những trường hợp phàn nàn về điều kiện lao động này không thể đại diện cho toàn thể lực lượng công nhân tại đây. Đại diện Tesla nói: "Trong một nhà máy có hơn 10.000 nhân viên, sẽ luôn có những trường hợp tai nạn, cô lập mà chúng tôi muốn tránh", và rằng phàn nàn về điều kiện lao động tại Tesla không phải là phổ biến. "Tôi có lợi ích, tôi có cổ phần, tôi được trả lương", một công nhân nói. "Tôi thích công việc ở đây và tôi cảm thấy được đối xử công bằng".
Tuy nhiên, một số công nhân Tesla nói rằng chế độ đối xử của công ty đối với những công nhân bị thương khiến họ không dám báo cáo về tình hình thương tật. Nếu công nhận bị xếp vào "làm những việc nhẹ" vì bị thương, họ bị trả mức lương thấp hơn, cũng như phải hưởng những lợi ích ít hơn so với người khác, mà Tesla nói là phù hợp với luật California.
"Tôi chỉ kiếm được 10 USD/giờ thay vì 22 USD/giờ", một công nhân bị thương ở lưng 2 lần, nói. "Đó là một kiểu ép buộc người lao động phải quay lại làm việc".
Musk nổi tiếng với những hứa hẹn lên sao Hỏa và mặt trăng. Công ty xe ô tô điện của ông, theo thừa nhận của ông, là một canh bạc. Công ty đã thành công trong việc tăng tỷ lệ sản xuất mỗi quý. Trong 3 tháng đầu năm 2017, nhà máy đã sản xuất hơn 25.000 xe hơi – một kỷ lục của Tesla. Để đạt mục tiêu của Musk năm 2018, họ phải tăng gấp năm lần số đó.
"Tôi nghĩ một trong những vấn đề chính là những người lãnh đạo đặt ra những mục tiêu hàng quý phi thực tế", một công nhân trong dây chuyền lắp ráp pin nói.
"Chúng tôi đang cố làm những điều tốt đẹp cho thế giới và chúng tôi tin là mình đang làm đúng", Musk nói. "Và điều đó bao gồm cả việc quan tâm đến sức khỏe và sự an toàn của mọi người trong công ty".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét