CEO "thị phi" nhất sàn chứng khoán Lê Quốc Bình bức xúc khi bị ám chỉ “úp sọt CII” vào nhà đầu tư
Quý 1/2017, CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Tp.Hồ Chí Minh (mã chứng khán: CII ) thông báo LNST của cổ đông công ty mẹ đạt 1.430 tỷ đồng và EPS đạt 5.927 đồng. Mức lợi nhuận này có được là nhờ đánh giá lại khoản đầu tư tại LGC, dẫn đến doanh thu tài chính đạt gần 1.350 tỷ đồng. Cụ thể, trong quý đầu năm, CII đã tiến hành một loạt các thương vụ mua cổ phần, theo đó, đã tăng tỷ lệ sở hữu tại CTCP Đầu tư Cầu đường CII (CII B&R, mã chứng khoán: LGC) từ 49% lên 54,31% và CII B&R sẽ trở thành công ty con của CII.
Con số này đã khiến cho CII trở thành doanh nghiệp có mức lợi nhuận ấn tượng nhất sàn chứng khoán trong quý 1. Trên mạng xã hội, có ý kiến cho rằng CII ghi nhận lợi nhuận “khủng” trong Quý 1/2017 chủ yếu từ việc đánh giá lại khoản đầu tư trong công ty LGC. Tương tự, CII cũng sẽ ghi nhận lợi nhuận lớn trong Quý 2/2017 từ việc đánh giá lại khoản đầu tư trong công ty CEE. Lợi nhuận thực sự năm 2017 của CII là không đáng kể. Khoản lợi nhuận này là không có thực và CII có nguy cơ sẽ ghi nhận khoản lỗ lớn trong tương lai khi thị giá công ty LGC và CEE không được đẩy lên cao và khi CII thay đổi tỷ lệ sở hữu trong các công ty này.
Theo đó, nhiều nhà đầu tư cho rằng CII ghi lợi nhuận khủng bằng thủ thuật và Tổng giám đốc có ý định “úp sọt” nhà đầu tư.
Tự nhận là người hay gặp scandal, trước ý kiến này, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM, ông Lê Quốc Bình đã đăng đàn giải trình với cổ đông trên fanpage của công ty.
"Thủ thuật" tài chính
Năm 2015, CII thực hiện tái cấu trúc mảng cầu đường thông qua việc chuyển nhượng một phần khoản đầu tư trong LGC cho đối tác chiến lược là MPTC và thu về gần 100 triệu USD (khoản tiền này bao gồm giá vốn đầu tư của CII trong LGC và phần thặng dư mà MPTC trả cho CII khi nhận chuyển nhượng phần vốn đầu tư trong công ty LGC). Đây là dòng tiền và lợi nhuận thực tế, nhưng CII đã không được ghi nhận lợi nhuận cho giao dịch này trên báo cáo lãi/lỗ (Income statement) theo quy định mới về chuẩn mực kế toán, gây ảnh hưởng lớn đến chỉ số EPS của công ty.
Công ty đã giải trình về tình huống trên trong các kỳ đại hội và cổ đông đã ra nghị quyết về việc tạm thời giảm tỷ lệ sở hữu trong LGC xuống 49% và sau đó nâng lên lại 51%, để có thể hạch toán được khoản lợi nhuận nói trên nhằm phản ánh đúng chỉ số EPS của công ty. Đồng thời việc này cũng giúp công ty có thể đánh giá lại khoản đầu tư còn giữ lại trong LGC theo đúng giá trị thị trường (tương đồng với giá trị mà MPTC đã đầu tư) thay vì chỉ được ghi nhận ở giá vốn đầu tư.
Năm 2016, đại hội đồng cổ đông công ty CII cũng đã ra nghị quyết về việc tạm thời giảm tỷ lệ sở hữu trong CEE xuống 49% thông qua việc chuyển nhượng cổ phần trong CEE cho bên thứ 3 và sau đó nâng lên lại 51% với những lí do tương tự như trường hợp của LGC, giúp công ty ghi nhận được lợi nhuận khi chuyển nhượng vốn nhằm phản ánh đúng chỉ số EPS của công ty, đồng thời đánh giá lại khoản đầu tư còn giữ lại trong CEE.
Như vậy việc giảm xuống 49% và sau đó nâng lên 51% đã được các cổ đông của CII bàn bạc kỹ lưỡng.
Biến động cổ phiếu CII trong 1 năm qua
Định giá LGC và CEE
Việc CII đánh giá lại các khỏan đầu tư hiện hữu tại LGC và CEE (theo giá trị thị trường) là một việc rất cần thiết và hợp lý vì qua đó, quý cổ đông, nhà đầu tư, và các bên có liên quan sẽ có cái nhìn xác thực hơn về quy mô tổng tài sản của công ty, từ đó sẽ dễ dàng đưa ra quyết định về chiến lược đầu tư của mình.
Ví dụ, giả sử một quỹ đầu tư bỏ ra 120 tỷ đồng để mua 1 triệu cổ phiếu VNM tại giá 120,000 VND/cổ phiếu. Sau đó giá của VNM tăng lên 150,000 thì ngay lập tức quỹ đầu tư này sẽ công bố cho cổ đông của họ giá trị khoản đầu tư của quỹ là 150 tỷ đồng chứ không còn là 120 tỷ đồng (thể hiện qua việc tăng trưởng giá trị tài sản thuần NAV của quỹ). Từ đó, cổ đông của quỹ sẽ biết việc đầu tư của mình có sinh lời hay không và có nên tiếp tục góp vốn vào quỹ nữa hay không.
"Do đó, có thể thấy nhu cầu của CII trong việc thể hiện cho cổ đông và các bên có liên quan thấy được giá trị thị trường của các khoản đầu tư của công ty là cần thiết, chính đáng, và hợp lý." - ông Bình cho biết.
Tại ĐHĐCĐ thường nhiên 2016 (trao đổi về kế hoạch lợi nhuận 2017), CII đã khẳng định với tất cả các cổ đông rằng CII có thể có con số lợi nhuận cao hơn nhiều so với kế hoạch đã trình ĐHĐCĐ. Tuy nhiên, để đảm bảo duy trì mức độ tăng trưởng lợi nhuận 20%/năm, CII phải điều tiết lợi nhuận của một số hoạt động khác (ví dụ như hoạt động kinh doanh bất động sản) sang năm 2018 và các năm tiếp theo.
Để định giá công ty LGC, phương pháp tính toán là phương pháp chiết khấu dòng tiền (DCF). Phương pháp này đã được sử dụng bởi 3 tổ chức là MPTC, một công ty kiểm toán quốc tế thuộc Big 4, và một công ty chứng khoán tên tuổi trong nước. Với kết quả tính toán theo phương pháp này thì mức giá LGC mà CII sử dụng để đánh giá lại giá trị khoản vốn đầu tư tại LGC là mức hợp lý.
Đối với công ty CEE, phương pháp định giá được CII áp dụng là phương pháp so sánh chỉ số P/E với các công ty cùng ngành trong khu vực, và theo đó kết quả định giá khi đánh giá lại khoản đầu tư trong CEE cũng được thực hiện ở mức giá hợp lý.
"Theo định hướng chiến lược đã được ĐHĐCĐ thông qua thì CII sẽ luôn luôn nắm giữ ít nhất 51% vốn điều lệ của LGC và CEE, nên việc giảm tỷ lệ sở hữu là không thể xảy ra." - CII khẳng định - "Với các phân tích trên, việc hạch toán khoản lỗ trong tương lai liên quan đến khỏan đầu tư trong LGC và CEE sẽ không bao giờ xảy ra".
Về thị giá của CII
Theo quan điểm của CII, thị giá của 1 doanh nghiệp được hình thành từ tiềm năng tăng tăng trưởng cũng như sự tích lũy lâu dài của doanh nghiệp đó. Thị giá chỉ biến động mạnh khi xảy ra các sự kiện không được lường trước và có ảnh hưởng lớn đến hoạt động của doanh nghiệp.
Đối với trường hợp của CII, việc có lợi nhuận lớn trong năm 2017 đã được dự đoán và thông báo trước từ tháng 10/2016, do vậy việc có lợi nhuận lớn trong Quý 1/2017 không phải là yếu tố bất ngờ tạo, nên biến động về thị giá cổ phiếu CII trong 2017. Công ty CII cũng lưu ý rằng bên cạnh mảng cầu đường thì CII còn có mảng xây dựng, hạ tầng nước, bất động sản. Do đó, thị giá của cổ phiếu CII là tiềm năng tổng hợp cho toàn bộ các mảng hoạt động của công ty.
Để có cái nhìn khách quan, quý cổ đông có thể tham khảo báo cáo định giá CII được thực hiện bởi các công ty chứng khoán độc lập như HSC (giá mục tiêu của CII là 39,800 VND/cp), VPBS (giá mục tiêu của CII là 44,100 VND/cp), VCSC (giá mục tiêu của CII là 40,000 VND/cp).
Tổng giám đốc của CII cũng là 1 cổ đông, chỉ khác là đang ở vị trí thành viên ban điều hành của công ty, do đó vẫn có quyền được bán cổ phiếu để giải quyết nhu cầu cá nhân như các cổ đông nội bộ khác, vấn đề là việc này phải được thực hiện theo đúng trình tự và quy định của pháp luật (như thực hiện công bố thông tin theo đúng quy định trước khi thực hiện giao dịch…). Do đó, với các phân tích đã nêu ở trên (bao gồm cả các báo cáo định giá của bên độc lập thứ 3), không có chuyện TGĐ “úp sọt” nhà đầu tư.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét