Luật lao động chưa chặt chẽ khiến nhiều doanh nghiệp đang cố gắng bóc lột nhiều hơn từ người lao động và điều đó dẫn đến nhiều hậu quả bi thảm.
Số lượng những người Nhật chết vì việc tăng chóng mặt trong những năm gần đây. Theo một thống kê được khảo sát và công bố bởi chính phủ Nhật, cứ 5 người Nhật đang đi làm thì có 1 người đang đối diện với nguy cơ chết vì việc. Người Nhật có một từ riêng để gọi nó là “karoshi”. Karoshi xảy ra ở cả phái nam và phái nữ.
Khi người trẻ chết vì việc ngày một nhiều
Nếu nhìn từ bên ngoài, có vẻ như thị trường lao động Nhật đang ở trong trạng thái rất tốt. Với mỗi người lao động cần việc, hiện đang có đến 1,28 việc làm, như vậy nhìn chung sẽ không ai thiếu việc, chỉ đơn giản người đó muốn làm việc gì.
Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe như vậy đã rất thành công khi muốn tạo ra một thị trường việc làm dư thừa để kéo thêm người vào lực lượng lao động trong bối cảnh dân số giảm. Thế nhưng cùng lúc đó, luật lao động chưa chặt chẽ khiến nhiều doanh nghiệp đang cố gắng bóc lột nhiều hơn từ người lao động và điều đó dẫn đến nhiều hậu quả bi thảm.
Tính toán của Bộ Lao động Nhật cho thấy số lượng các hợp đồng đền bù cho trường hợp chết vì việc tăng lên mức kỷ lục 1.456 trong năm tài khóa kết thúc vào cuối tháng Ba năm 2015. Người lao động trong các ngành y tế, dịch vụ xã hội, vận tải, xây dựng có tỷ lệ chết vì việc cao nhất. Hiện nay cũng chính những ngành này đang thiếu lao động trầm trọng.
Tuy nhiên, theo chủ tịch Tổ chức bảo vệ các nạn nhân chết vì việc tại Nhật, ông Hiroshi Takahashi, con số thực tế có thể cao gấp 10 lần như thế bởi chính phủ Nhật không muốn thừa nhận thực tế. Ông Takahashi chỉ ra xét về bản chất, thời gian làm việc quá dài mỗi ngày khiến người lao động đột quỵ hoặc tự tìm đến cái chết để giải quyết bản thân, thế nhưng chính phủ lại không đưa ra biện pháp đủ mạnh để chấm dứt tình trạng đó.
Làm luật sư đã hơn 30 năm, ông Takahashi có thừa kinh nghiệm và hiểu biết về tình trạng chết vì việc. Ông cho biết ở thập niên 1980, khoảng 95% trường hợp chết vì việc mà ông từng biết là đàn ông trung niên thế nhưng nay tỷ lệ nữ đang tăng lên, hiện đứng ở mức khoảng 20%.
Hiện nay, chính phủ Nhật chưa hề có bất kỳ quy định nào về giới hạn số giờ làm việc. Theo các văn bản của Bộ Lao động Nhật, có hai hình thức chết vì việc bao gồm: bệnh lý xuất phát từ tình trạng làm việc quá mức và những vụ tự tử liên quan đến làm việc quá nhiều.
Theo hình thức thứ nhất, nếu người lao động làm việc quá 100 tiếng thêm giờ trong tháng trước khi chết hoặc 80 giờ mỗi tháng trong hơn 2 tháng liên tục, người đó sẽ có thể đột quỵ vì làm việc quá nhiều.
Còn trong trường hợp tự tử vì việc, cá nhân đó sẽ bị xếp vào diện thứ hai nếu làm việc thêm giờ khoảng 160 tiếng trong tháng trước khi người đó tự tử hoặc làm thêm giờ 100 tiếng/tháng trong hơn 3 tháng liên tục.
Trong 4 năm gần nhất, tỷ lệ người tự tử vì việc tăng đến 45%, phần lớn người chết trong nhóm này thậm chí chưa đến tuổi 29.
Giới chủ Nhật có đang bóc lột thái quá?
Thị trường lao động Nhật chia ra thành hai nhóm lao động: Nhóm người lao động thường xuyên và nhóm làm việc bán thời gian (chủ yếu bao gồm phụ nữ và người trẻ tuổi).
Theo Bộ Lao động Nhật, ở thời điểm năm 2015, 38% người lao động Nhật đang làm việc theo diện bán thời gian, tỷ lệ này tăng 20% so với thời điểm năm 1990.
Nhiều luật sư và học giả chuyên về thị trường lao động Nhật chỉ ra rằng nhiều ông chủ Nhật đang đưa ra chính sách thu hút lao động không nhất quán. Ban đầu, họ quảng cáo đến các ứng viên rằng họ đang tuyển các vị trí làm việc thường xuyên với giờ giấc làm việc hợp lý đi kèm nhiều chế độ đãi ngộ tốt.
Thế nhưng sau đó khi làm việc trực tiếp với ứng viên, họ lại đưa cho ứng viên hợp đồng lao động bán thời gian với giờ giấc làm việc dài hơn và không được trả tiền làm thêm giờ, vì quá cần việc, nhiều ứng viên đã chấp nhận. Tất nhiên nhiều người sẽ phản bác rằng lẽ ra ứng viên nên từ chối công việc ngay từ ban đầu, nhưng họ đã bị lừa bởi lời hứa sẽ được ký hợp đồng dài hạn sau 6 tháng.
Nhóm người lao động trẻ và phụ nữ thường đối diện với rủi ro bị lừa theo hình thức này bởi phụ nữ cũng thừa hiểu sẽ rất khó để quay lại thị trường lao động sau khi họ đã ở nhà sinh con, nuôi con đã vài năm.
Còn theo một chuyên gia chuyên nghiên cứu về hiện tượng chết vì việc, không ít công ty còn ép người lao động sau khi đã tuyển dụng được họ bằng lời tuyên bố rằng mức lương trả cho người lao động đã tính cả 80 tiếng làm việc thêm giờ mỗi tháng, chính vì vậy người lao động sẽ phải trả lại tiền cho công ty nếu họ làm việc không đủ số giờ đó. Và theo kiểu bóc lột như vậy, mức lương tính theo giờ của nhiều người lao động còn không đạt đến mức tối thiểu theo quy định của pháp luật.
Lực lượng lao động Nhật ngày một “teo nhỏ” suốt từ giữa thập niên 1990 khi người Nhật lười sinh đẻ, và theo lẽ thông thường, lẽ ra các công ty phải cải thiện điều kiện lao động để thu hút thêm người. Đáng tiếc điều đó đã không xảy ra, nhiều công ty trong số đó chỉ muốn lách luật được càng nhiều càng tốt, tình trạng đó dẫn đến việc dù việc làm thừa nhưng người kiệt quệ sức khỏe vì việc vẫn cứ tăng lên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét