Đó là chia sẻ của ông Đào Huy Giám, Tổng thư ký Diễn đàn Kinh tế tư nhân (VPSF), nguyên Trưởng cơ quan đại diện Thương mại Việt Nam tại WTO.
Với thông điệp và sự quyết tâm của Chính phủ , cùng với những nỗ lực không ngừng về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, làn sóng khởi nghiệp đang từng bước mạnh lên.
Ông Đào Huy Giám, Tổng thư ký Diễn đàn Kinh tế tư nhân (VPSF) cho rằng, để thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo (startup) hơn nữa, cần tạo ra môi trường cho các startup được quyền tự do biểu đạt, quyền thất bại và tiếp tục khởi nghiệp.
Chúng ta đang nói nhiều đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Ông đánh giá thế nào về tình hình các dự án khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam hiện nay tận dụng, chạy theo cuộc cách mạng này?
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã xuất hiện ở các nước trên thế giới từ nhiều năm trước đây. Tuy nhiên đến nay Việt Nam mới thực sự bàn đến, vào cuộc và khai thác vấn đề này.
Theo đó, rất nhiều doanh nghiệp Việt cũng đã vào cuộc khai thác những nội dung này. Còn lại nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng đã nhận thức được cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư có thể là “quả đấm” mạnh, đem lại thành công cho doanh nghiệp.
Để khai thác tốt cuộc cách mạng này, tôi cho rằng có những nhân tố chúng ta phải làm tốt hơn nữa, đó là tạo ra môi trường thuận lợi, chào đón kích thích sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chẳng hạn như môi trường số.
Tạm tính hiện nay chúng ta có 50% dân số dùng internet, nhưng băng thông rộng chúng ta thấp hơn. Một số hạn chế về kiểm soát mạng mà hiệu quả về mặt an ninh thì chưa hiệu quả về kinh tế, ví dụ như không được tương đối tự do hoạt động trên mạng thì làm sao có được những công ty như Facebook, Yahoo, Hotmail…
Thêm nữa, tốc độ mạng chậm đã làm giảm rất nhiều năng suất lao động của mỗi cá nhân. Ngoài ra là vấn đề ngoại ngữ. Chúng ta đã phổ cập tiếng Anh ở mức độ nhất định, tương đối nhanh, khoảng 30%. Nhưng những nước đứng đầu về khai thác kinh tế số, công nghệ thông tin, cách mạng lần thứ tư đều có trên 90% dân số nói tiếng Anh, một nửa dân số nói 1-2 thứ tiếng khác nữa.
Tôi cho rằng tập trung phát triển môi trường ngôn ngữ, môi trường công nghệ số là điều kiện tiên quyết có thể khai thác được cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư.
Đối với các doanh nghiệp nhỏ, cần có hướng đi, giải pháp thế nào để tận dụng cơ hội từ những chính sách hiện có trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và cuộc cách mạng 4.0?
Bên cạnh sự hỗ trợ từ phía Chính phủ thông qua các chính sách. Tôi cho rằng bản thân các doanh nghiệp phải luôn tự nhận thức và nỗ lực.
Phải thừa nhận rằng doanh nghiệp vừa và nhỏ của chúng ta tương đối yếu về quản lý, yếu về tính tương tác xây dựng pháp luật với cơ quan nhà nước.
Do vậy, tôi cho rằng bên cạnh sự hỗ trợ từ phía Chính phủ, các doanh nghiệp phải nâng cao trách nhiệm trước văn bản luật điều chỉnh quyền lợi của mình, năng lực của mình nhìn nhận về văn bản đó và kiến nghị giải pháp, có sự hiểu biết về ban hành chính sách của Chính phủ để đề xuất giải pháp trong từng thời kỳ, từ đó tạo ra những cơ chế thích ứng với nguồn lực.
Ví dụ, giảm 50% thuế cho doanh nghiệp mới thành lập, doanh nghiệp nhỏ trong 3 năm đầu thì có thể ảnh hưởng tới 1-3% nguồn thu của nhà nước trong hoàn cảnh ngân sách những năm vừa qua tương đối khó khăn và sẽ khó khăn hơn trong 3-5 năm tới.
Nhưng trong 3-5 năm tới, nguồn lực của nhà nước thuận lợi hơn, cơ chế quản lý doanh nghiệp nhỏ và vừa có kinh nghiệm hơn, đội ngũ quản lý của nhà nước tốt hơn, các cơ quan liên quan như ngân hàng, tài chính, hải quan thuận lợi hơn. Chính việc cùng với nhau tổng hợp, phân tích biện pháp phù hợp với các cam kết quốc tế, đưa ra giải pháp thuận lợi.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng có thể tìm đến các đầu mối đáng tin cậy có thể lắng nghe tiếng nói, phân tích chuyên môn, phản hồi chính sách, báo cáo kết quả đối thoại chính sách với Chính phủ để khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển thuận lợi hơn.
Thời gian qua chúng ta đề cập đến "khởi nghiệp sáng tạo". Vậy có thể hiểu định nghĩa này như thế nào và làm thế nào để thúc đẩy việc này, thưa ông?
Từ nhiều năm nay, chúng ta đã khởi nghiệp sáng tạo. Ví dụ, bạn học của tôi cách đây 8-9 năm, trong khi học đã nhận các đơn hàng từ Nhật, Pháp, châu Âu để làm thiết kế, tính toán kết cấu.
Với lợi thế lao động của chúng ta tương đối thấp so với thế giới cùng với việc chênh lệch múi giờ, cho nên nhiều đơn hàng chúng ta có thể buổi tối nhận đơn hàng lúc họ đi ngủ thì sáng hôm sau chúng ta làm xong đơn hàng, làm xong nội dung thì sáng hôm sau họ quay trở lại làm việc. Nhờ như vậy, cũng có thêm lợi thế. Và khởi nghiệp sáng tạo nhiều khi chỉ bắt đầu từ những việc nhỏ như vậy.
Trong hoạt động kinh tế, xã hội, chúng ta cần phát triển nhất là sự sáng tạo, sáng tạo hiểu theo nghĩa rộng là môi trường cho sự phát triển dựa trên tri thức, công nghệ mới, những ý tưởng, đòi hỏi nhiều yếu tố.
Nhiều người hiểu sáng tạo trước hết là công nghệ thông tin, nhưng theo tôi khởi nghiệp sáng tạo là khởi nghiệp dựa trên cơ sở tri thức trên nền tảng công nghệ thông tin và các yếu tố công nghệ liên quan khác.
Thời gian qua, VPSF đã tập hợp ý kiến nguyện vọng, cơ hội của khởi nghiệp sáng tạo để trình Chính phủ tham luận, trao đổi với các cơ quan ban hành chính sách, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, tạo điều kiện cần thiết cho quá trình khởi nghiệp sáng tạo và đóng góp vào quá trình tạo ra mạng lưới cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo kết nối với nhà đầu tư, thị trường, trao đổi thông tin…
Khi thực hiện nhiệm vụ, sứ mạng đó, ưu tiên trướch hết là phát triển kinh tế tư nhân, bởi kinh tế tư nhân ở Việt Nam đang trở thành trào lưu, một xu hướng mạnh, có tiềm năng đem lại giá trị căn bản, những đột phá quyết định cho phát triển kinh tế đất nước trong thời gian tới.
Chúng tôi nhìn nhận, muốn kinh tế đất nước phát triển, hoạt động sáng tạo phải được chú trọng hàng đầu, và nó không phải chỉ nằm riêng trong nhóm công tác của khởi nghiệp sáng tạo mà có thể liên kết với khu vực khác của nhóm kinh tế số, nhóm giáo dục và đào tạo nghề, nông nghiệp công nghệ cao…
Nhìn theo phạm vi rộng hơn thì sự sáng tạo đòi hỏi chúng ta phải có môi trường, có tâm lý xã hội cho sự sáng tạo, biểu hiện bằng những cái đơn giản như: Quyền tự do biểu hiện, ý tưởng của mình trong hoạt động kinh tế, xã hội, kinh doanh.
Nói theo ngôn ngữ của Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam là quyền được thất bại và tiếp tục khởi nghiệp. Đó là bằng chứng rất rõ vì thất bại gắn liền với khởi nghiệp, và khởi nghiệp sáng tạo công nghệ hứa hẹn đem lại kết quả rất cao, thì thất bại trong thời kỳ đầu rất lớn, lớn hơn nhiều so với lĩnh vực khác.
Xin cám ơn ông!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét