Đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp ngay từ khâu đào tạo, thực tập và chú trọng phát triển mạng lưới cựu sinh viên... Đây là 2 trong nhiều yếu tố quan trọng giúp hầu hết sinh viên ĐH Bách khoa sau khi tốt nghiệp đều tìm được việc làm đúng chuyên môn, nhiều bạn còn nhận lương khởi điểm 3.000 USD/tháng.
Theo thống kê mới nhất của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, tính đến đầu năm nay, cả nước có khoảng 200.000 cử nhân thất nghiệp. Bên cạnh đó, có khoảng 100.000 cử nhân đang làm những công việc đơn giản, không yêu cầu bằng cấp.
Trong khi không ít cử nhân vẫn còn loay hoay, đối phó với nạn thất nghiệp thì mới đây, ĐH Bách khoa (Hà Nội) lại công bố khảo sát tình hình việc làm khiến dư luận đặc biệt chú ý. Số liệu đưa ra cho thấy, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp, tìm được việc làm đúng chuyên ngành đào tạo lên tới 91%. Điều đáng nói là phổ lương của sinh viên Bách Khoa khá rộng, kéo dài từ mức 3 triệu đến 60 triệu đồng.
Kết quả khảo sát việc làm đối với sinh viên mới ra trường của ĐH Bách khoa.
Trước đó, sinh viên Nguyễn Xuân Bách từng khiến cộng đồng mạng "dậy sóng" khi tìm được việc làm với mức lương 3.000 USD ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Vậy nhưng, khi trao đổi với chúng tôi, PGS. TS Đinh Văn Hải, Trưởng phòng Công tác chính & Công tác sinh viên lại khẳng định, chàng trai này không phải là số hiếm, bởi hàng năm có tới hàng trăm sinh viên Bách khoa mới ra trường nhận được mức lương trên 2.000 USD/tháng.
Vậy, điều gì đã khiến trong bối cảnh nhiều cử nhân, Ths còn đang thất nghiệp thì sinh viên Bách Khoa lại "mơ" giấc mơ việc làm lương cao 3.000 USD. Chia sẻ của PGS. Văn Hải hẳn sẽ giúp giải đáp thắc mắc của nhiều người.
Đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp trong đào tạo, thực tập và tuyển dụng sinh viên.
Nói về khảo sát việc làm mới công bố, PGS. Văn Hải cho rằng đây là kết quả không bất ngờ vì từ nhiều năm nay ĐH Bách khoa luôn tiến hành các khảo sát tương tự. Phổ lương những năm trước cũng đã tiệm cận dần đến mức 60 triệu đồng và dấu mốc 3.000 USD không phải là con số mà đợi đến năm nay sinh viên Bách khoa mới giành được.
Theo ông, kết quả này có được là nhờ tổng hợp rất nhiều yếu tố như: chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo và hướng nghiệp; đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp, đưa họ tham gia vào quá trình đào tạo; xây dựng, phát triển mạng lưới cựu sinh viên và trang bị kỹ năng mềm cho sinh viên...
Trong nhiều yếu tố này, việc đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp, xây dựng mạng lưới cựu sinh viên được đánh giá là khá quan trọng. Nếu như các trường ĐH, CĐ khác chỉ tập trung hợp tác với doanh nghiệp ở bước tuyển dụng thì ĐH Bách khoa lại thúc đẩy nó ngay từ quá trình đào tạo.
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.
Cụ thể, việc đào tạo tại trường cũng được định hướng theo nhu cầu của doanh nghiệp. Các công ty ký kết chương trình hợp tác đào tạo với nhà trường sẽ tập trung vào việc cung cấp một số môn học tự chọn theo định hướng công nghệ của doanh nghiệp, hỗ trợ thực tập, học bổng và trang thiết bị phục vụ đào tạo/nghiên cứu. Sinh viên tham gia các chương trình này được miễn học phí các môn học của doanh nghiệp và ưu tiên tuyển dụng sau khi tốt nghiệp.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng thường xuyên tổ chức các buổi chia sẻ, định hướng nghề nghiệp và xu hướng phát triển công nghệ bên ngoài. Điều này giúp sinh viên tiếp cận môi trường doanh nghiệp ngay từ khi mới bắt đầu bước chân vào trường, từ đó có định hướng nghề nghiệp rõ ràng.
Những tấm băng rôn in thông tin thực tập hấp dẫn được treo khắp lối vào trường.
Rất nhiều cơ hội làm việc với doanh nghiệp nước ngoài.
"Để có một công việc đúng mong muốn, sinh viên cần biết mình phải học hỏi, rèn luyện như thế nào. Không phải bỗng nhiên mà ngay sau khi tốt nghiệp, các bạn sinh viên Bách khoa có thể tìm được việc lương cao 3.000 USD. Hầu hết họ đã phải đặt ra mục tiêu này ngay từ năm nhất, định hướng phát triển bản thân, biết mình cần phải học hỏi, rèn luyện như thế nào bởi công việc cho mức thu nhập cao như vậy, hầu hết đều là các doanh nghiệp nước ngoài có tiêu chí chọn lựa nhân sự rất khắt khe", ông Hải nói thêm.
Ngoài ra, trường Bách khoa còn rất chú trọng hợp tác với doanh nghiệp trong vấn đề thực tập. Cụ thể, nhà trường sẽ hợp tác với các doanh nghiệp để sinh viên tới thực tập. Quá trình thực tập cũng luôn có thầy cô theo sát, hướng dẫn tận tình.
"Sinh viên Bách khoa sẽ có 2 kỳ thực tập là thực tập kỹ thuật và tốt nghiệp. Chúng tôi coi trọng cả 2 kỳ thực tập này bởi ngay chuyến thực tập đầu tiên, sinh viên sẽ được tiếp cận với môi trường thực tế bên ngoài để từ đó có cái nhìn thực tiễn hơn về định hướng nghề nghiệp cho bản thân cũng như biết cần phải chuẩn bị những kiến thức, kỹ năng gì để phù hợp với môi trường thực tế công nghiệp".
Theo ông Hải, sau đợt thực tập đầu tiên, nếu sinh viên thấy mình đang đi sai đường, sẽ biết cách tự cân bằng lại. Đối với những bạn đang làm tốt, sẽ ngày càng phát huy và năng động hơn, nhất là trong việc đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.
Ngoài việc đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp, trường Bách khoa cũng xây dựng mạng lưới cựu sinh viên hùng mạnh. Đây chính là lực lượng truyền lửa cho thế hệ đàn em và giúp các bạn trẻ định hướng nghề nghiệp một cách tốt nhất.
Theo PGS. Văn Hải, phổ lương mà nhiều sinh viên đạt được nhất là từ 10 đến 15 triệu đồng, chiếm khoảng trên 60% sinh viên mới tốt nghiệp
"Tại các buổi giao lưu, cựu sinh viên thành đạt sẽ về trường chia sẻ kinh nghiệm. Đó đều là những bài học thực tiễn nên giúp ích rất nhiều cho các bạn trẻ. Hơn nữa, sự thành công của cựu sinh viên cũng sẽ trở thành mục tiêu vươn tới của họ".
Với cộng động cựu sinh viên đông đảo và không ít người hiện đang nắm giữ các vị trí cao trong các tập đoàn, doanh nghiệp, … cũng là một lợi thế của ĐHBK Hà Nội khi các doanh nghiệp này tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp.
Không nên đặt nặng vấn đề lương khởi điểm
Sinh viên ra trường, nhiều bạn nhận việc làm lương cao đáng ngưỡng mộ nhưng PGS. Văn Hải lại cho rằng, chúng ta không nên quá coi trọng vấn đề lương khởi điểm và xem nó như một tiêu chí để đánh giá thành công trong lĩnh vực đào tạo ĐH.
"Không thể nói các bạn lương thấp chỉ 3-4 triệu là những người không giỏi bởi vì rất nhiều bạn làm ở các viện nghiên cứu, cơ quan nhà nước thì đương nhiên, không thể có lương cao. Thực tế là các bạn lương 60 triệu chưa chắc đã phù hợp với công việc của bạn lương 3 triệu và ngược lại".
Theo ông Hải, mức lương cao hay thấp phụ thuộc vào định hướng phát triển cá nhân của mỗi sinh viên. Có thể ở thời điểm mới ra trường, nhiều bạn có mức lương rất thấp nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc trong tương lai, họ cũng sẽ mãi mãi có mức thu nhập thấp như thế.
"Điều quan trọng hơn lương khởi điểm chính là khả năng thăng tiến và phát triển, hoàn thiện bản thân của mỗi người. Nếu một vị trí có lương cao nhưng không có khả năng thăng tiến, không có cơ hội để học hỏi, rèn giũa mà chỉ mài mòn người lao động thì đó cũng không phải công việc lý tưởng".
Ở phía nhà trường, ĐH Bách khoa luôn hỗ trợ tối đa để mỗi sinh viên hoàn thành mục tiêu của mình. Tự họ phải xác định, đâu là con đường phù hợp. Nhà trường và các doanh nghiệp chỉ đóng vai trò chuẩn bị hành trang, định hướng và tạo ra các cơ hội.
Ông Hải cũng khẳng định, không khó để sinh viên Bách khoa tìm được việc làm, quan trọng đó là việc gì, chế độ đãi ngộ và môi trường làm việc như thế nào.
Vị PGS. này cũng phân tích, tín hiệu đáng mừng nhất là sinh viên Bách khoa được đào tạo trong nước với chi phí thấp lại có thể đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp ở nước ngoài. "Nhiều bạn vừa tốt nghiệp đã có thể sang nước ngoài làm việc luôn cho các doanh nghiệp tại đó và được đãi ngộ như các bạn sinh viên tốt nghiệp các trường ĐH lớn bản địa. Đây là điều đáng mừng, cho thấy trình độ đào tạo trong nước ngày càng nâng cao".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét