Chủ Nhật, 7 tháng 5, 2017

Không vay nợ đồng nào, doanh thu 100 triệu USD, lợi nhuận của chuỗi cửa hàng sách lớn nhất Việt Nam chỉ 23 tỷ đồng

CTCP Phát hành sách Tp HCM, đơn vị đang sở hữu chuỗi bán sách lớn nhất cả nước đã lần đầu tiên cán mốc doanh thu 100 triệu USD theo BCTC năm 2016 mới công bố, sau hơn 40 năm hoạt động.

    Không vay nợ đồng nào, doanh thu 100 triệu USD, lợi nhuận của chuỗi cửa hàng sách lớn nhất Việt Nam chỉ 23 tỷ đồng
    CTCP Phát hành sách Tp HCM, đơn vị vận hành hệ thống nhà sách với thương hiệu Fahasa và website thương mại điện tử Fahasa.com vừa công bố báo cáo tài chính năm 2016.
    Theo đó, tổng doanh thu của hệ thống Fahasa trong năm vừa qua đạt gần 2.400 tỷ đồng, tăng 20% so với thực hiện năm 2015 và lần đầu tiên vượt qua mốc 100 triệu USD sau hơn 40 năm hoạt động.
    Mặc dù biên lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh ở mức khá cao, xấp xỉ khoảng 22%, tuy nhiên việc duy trì một hệ thống gần 100 chi nhánh khiến chi phí bán hàng của hệ thống nhà sách này cũng rất lớn. Năm 2016, riêng phần chi phí lương cho nhân viên và chi phí bán hàng khác ghi nhận gần 465 tỷ đồng, bằng 90% lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh.
    Lợi nhuận trước thuế của hệ thống này trong năm 2016 còn lại hơn 23 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ. Tuy nhiên tỷ suất lợi nhuận trên vốn (ROE) chỉ còn 25,2% so với mức 34,4% của năm 2015 do Fahasa đã tăng vốn thêm 30 tỷ đồng lên gần 91,1 tỷ đồng. EPS giảm gần 16%, còn 3.023 đồng.
    Fahasa cũng là một trong số ít doanh nghiệp không vay nợ một đồng nào. Hơn 750 tỷ đồng tổng tài sản tính tới thời điểm cuối năm 2016 của doanh nghiệp này được tài trợ bởi hơn 138 tỷ đồng vốn chủ sở hữu và phần còn lại chủ yếu là chiếm dụng vốn từ những nhà sách. Trong đó, số tiền phải trả người bán ngắn hạn của hệ thống này cho Trung tâm Sách Nguyễn Huệ ở mức hơn 101 tỷ đồng, các nhà sách khác như Xuân Thu, Phú Nhuận, Gia Định, Hà Nội từ 45 đến 68 tỷ đồng.
    Từ 2005, Fahasa đã bắt đầu chiến lược xây dựng, phát triển hệ thống nhà sách chuyên nghiệp trên toàn quốc. Đến năm 2011, sau hơn 6 năm thực hiện chiến lược, bên cạnh hệ thống gần 20 nhà sách được hình thành từ năm 1976 và được phân bổ chủ yếu trên phạm vi Tp HCM, Fahasa đã cơ bản hoàn thiện giai đoạn 1 trong kế hoạch phát triển mạng lưới ở khắp các tỉnh thành trên toàn quốc với gần 80% các tỉnh thành miền Nam và miền Trung đều có mặt ít nhất một Nhà sách Fahasa. Một số tỉnh thành lớn đã có mặt nhà sách thứ 2, thứ 3 của Fahasa như: Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ, Đà Nẵng.
    Tiếp tục định hướng hoạt động chuyên ngành và thực hiện chiến lược phát triển mạng lưới, từ năm 2013 Fahasa đã phát triển mạnh hệ thống nhà sách tại các tỉnh thành phía Bắc. Hiện nay, nhà sách Fahasa đã có mặt tại Hà Nội, Hà Tĩnh, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Thanh Hóa.
    Tính đến hết quý I/2017, Fahasa đã có hệ thống 92 nhà sách tại 42 tỉnh, thành trên cả nước với 2.500 cán bộ công nhân viên. Trong đó tất cả các tỉnh Tây Nam Bộ đều có sự hiện diện của hệ thống này.
    Theo kế hoạch của ban lãnh đạo công ty, dự kiến 2020, hệ thống Nhà sách Fahasa sẽ có khoảng 100 nhà sách trên toàn quốc, tiếp tục giữ vững vị thế là hệ thống nhà sách lớn nhất và nằm trong Top 10 nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam (tính cho tất cả các ngành hàng).
    Theo báo cáo quản trị năm 2016, hiện Fahasa cũng chỉ có hai cổ đông lớn nhất là Chủ tịch HĐQT Phạm Minh Thuận với sở hữu 1,76 triệu cổ phiếu, tương đương 19,3% và Tổng công ty Văn hóa Sài Gòn sở hữu 30,5%.

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét