Bạn ít khi để ý đến mối liên hệ giữa các nhãn hàng thực phẩm với nhau?
10 công ty siêu lớn kiểm soát hầu hết những gì bạn đang ăn và uống
Ai đang quyết định những gì bạn ăn và uống? Một câu hỏi thật ngớ ngẩn, nếu như đáp án không phải là chính bạn? Đi vào lối đi thực phẩm của siêu thị, bạn tin rằng mình đang tự do lựa chọn với hàng ngàn loại thực phẩm và nhãn hàng khác nhau.
Thế nhưng thực tế lại không phải vậy, nếu bạn chịu khó nhìn từ phía sau những bao bì. Hàng ngàn sản phẩm bạn thấy trước mặt, hầu hết lại chỉ đến từ 10 công ty thực phẩm và đồ uống siêu lớn. Họ mới chính là những người đang kiểm soát và quyết định bữa ăn của bạn.
Sự thật mà bạn đang nghe và bức tranh phía trên bạn thấy là lời cảnh báo được đưa ra bởi Oxfam International, một tổ chức phi lợi nhuận đang đi tìm giải pháp cho tình trạng nghèo đói và bất công trên toàn cầu.
“Chúng tôi đã phát hành những báo cáo về vấn đề và ảnh hưởng gây ra bởi 10 công ty thực phẩm và đồ uống lớn nhất thế giới. Sau đó, chúng tôi sẽ khiến các công ty này phải giải quyết chúng”, Chris Jochnick, đại diện của Oxfam cho biết.
“Các công ty này rất hùng mạnh. Bởi vậy, chính sách của họ có thể có tác động lớn đến chế độ ăn và điều kiện làm việc vủa người dân trên toàn thế giới, cũng như với cả môi trường sống của chúng ta”, Alexander EM Hess, một tác giả viết trên tờ USA Today.
Danh sách 10 công ty thực phẩm và đồ uống siêu lớn từ báo cáo của Oxfam
1. PepsiCo
2. General Mills
3. Kellogg’s
4. Associated British Foods
5. Mondēlez
6. Mars
7. Danone
8. Unilever
9. Coca-Cola
10. Nestle
Ngoài đồ uống, PepsiCo còn sản xuất những hộp yến mạch Quaker, snack Poca và Cheetos
Bình thường, bạn ít khi để ý đến mối liên hệ giữa các nhãn hàng thực phẩm với nhau, hay chẳng thể tưởng tượng ra một công ty nước giải khát cũng đang sản xuất kẹo. Nhưng hãy đọc thông tin trên những bao bì.
Bạn sẽ biết được rằng PepsiCo cũng đang sản xuất những hộp yến mạch Quaker, snack Poca và Cheetos. Trong khi đó, Nestlé cũng không chỉ làm đồ uống, họ làm cả những chiếc bánh pizza California Pizza Kitchen. Nước dứa của Fanta không đến từ một hòn đảo nhiệt đới nào cả, chúng được đóng hộp từ một nhà máy của Coca-Cola.
Một điều đáng lo ngại khác không nằm ngoài khía cạnh dinh dưỡng. Nhiều người trong số chúng ta thường tránh sản phẩm từ các công ty lớn và chọn cho mình một sự thay thế khác từ các nhãn hàng nhỏ hơn. Lí do vì chính những công ty nhỏ lại biết cách quan tâm đến sức khỏe của người tiêu dùng, với những dòng sản phẩm “lành mạnh” hoặc dán nhãn “hữu cơ”.
Tuy nhiên, sự có mặt của những tập đoàn khổng lồ làm cho các doanh nghiệp nhỏ và start-up rất khó cạnh tranh. Hệ quả là các thương vụ M&A (sáp nhập và mua lại), từ lâu, đã trở thành chuyện như cơm bữa trong ngành kinh doanh này.
Điển hình trước năm 2006, bạn có thể yên tâm mua một sản phẩm với nhãn “hữu cơ” và “100% từ nhiên nhiên” của Nake Juice. Tuy nhiên một ngày tỉnh dậy, bạn sẽ tự hỏi rằng chúng đã trở thành sản phẩm của Pepsi từ khi nào và chứa đầy đường. Năm 2013, Pepsi ngừng in nhãn “hoàn toàn tự nhiên” trên các sản phẩm của Naked Juice.
Sau khi sáp nhập vào PepsiCo, Naked Juice đã phải bỏ đi nhãn "hoàn toàn tự nhiên" của họ
Đáng lo ngại không kém là các tác động môi trường gây ra bởi những tập đoàn khổng lồ. Một nghiên cứu gần gây của Tổ chức Y tế thế giới nói rằng 92% dân số toàn cầu đang phải hít thở không khí kém chất lượng.
Và nếu bạn hỏi top 10 công ty chúng ta đang nói đến có bao nhiêu phần trách nhiệm, một báo cáo của Business Insider chỉ ra rằng mỗi năm họ thải vào khí quyển 263.700.000 tấn khí nhà kính. Nếu 10 công ty thực phẩm lớn này gộp lại thành một quốc gia, đó sẽ là một quốc gia ô nhiễm thuộc top đầu của thể giới.
Không giống như những “người khổng lồ” đang kiến tạo thế giới như Microsoft, Google hoặc Facebook, 10 công ty lớn nhất trong lĩnh vực thực phẩm ,dường như, chỉ là những bóng đen khổng lồ bao trùm lên nhân loại. Nếu là một người tiêu dùng thông minh, có lẽ chúng ta nên cảnh giác với sự lớn mạnh của họ.
Hãy ưu tiên việc mua sắm tại các cơ sở sản xuất sạch ở địa phương, hơn là tin tưởng vào dây chuyền “bí mật” của các công ty siêu lớn ở một nơi xa xôi nào đó. Tuy nhiên, rồi bạn cũng sẽ phải tiếp tục cảnh giác với những thương hiệu nhỏ ưa thích của mình, biết đâu một ngày nào đó chúng cũng bị mua lại.
Theo GenK/Trí thức trẻ/CollectiveEvolution
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét