Nhiều sản phẩm tiêu dùng nhanh của các doanh nghiệp Việt Nam xuất hiện trong phiên chợ còn ít thấy hay chưa từng có ở các quầy tạp hoá, nên đa số người tiêu dùng thấy rất lạ và háo hức dùng thử. Họ chen nhau ở quầy hàng nước chấm Cholimex, trà Tâm Lan và vui vẻ dùng thử, gật gù khen.
Đó là cảm nhận của ông Minh Quân, trưởng dự án "Hàng Việt về nông thôn" của Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp BSA, về phiên chợ đêm vùng cao từ ở huyện biên giới miền núi Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh với niềm vui và hy vọng. Phiên chợ diễn ra từ 23 đến 25/9.
Chúng tôi xin ghi lại hình ảnh phiên chợ này qua miêu tả của ông Quân. Những miêu tả và hình ảnh dưới đây hi vọng sẽ là lời giải cho bất cứ doanh nghiệp Việt nào đang loay hoay ở thành phố đang tìm lối ra cho sản phẩm của mình.
Phiên chợ diễn ra rất đông, mua bán tấp nập suốt cả ban ngày và đêm. Người dân kéo tới chợ mua sắm, nhận quà, vui chơi rôm rả vì quá hiếm khi có hàng Việt chính hiệu về nhiều như vậy. Trung tâm BSA tổ chức với sự phối hợp rất nhiệt tình, tích cực của Trung tâm xúc tiến thương mại tỉnh. Chủ tịch huyện và các phó bí thư đều có mặt.
Tuần trước đó, ban tổ chức cho phát tờ rơi đến tận thôn xã để bà con ở xa thị trấn, nhất là người dân tộc thiểu số biết đến.
Cảnh đông đúc tại phiên chợ đêm trong khuôn khổ Hàng Việt về nông thôn. Ảnh: Minh Quân
Người dân ở đây có ít tiền. Nhiều người mua lẻ từng chai, gói, họ mua nhiều lần và hỏi cặn kẻ cách sử dụng. Riêng ngày chủ nhật, người dân thiểu số từ các bản và làng xuống mua hàng rất đông..
Các doanh nghiệp rất vui, vì đây mới đúng là quảng bá sản phẩm hiệu quả: bản lẻ số lượng ít nhưng bán cho rất nhiều hộ gia đình của các hộ dân từ thị trấn đến các vùng sâu vùng xa của người thiểu số. Một số doanh nghiệp chia thêm người tranh thủ sáng sớm đem hàng ra chợ huyện và các chợ xã ở xa để biếu tặng, mời dùng thử và nắm thông tin thị trường. Xông xáo nhất trong việc đi phục vụ và mở đại lý vùng sâu là sữa Nutifood, nước chấm Cholimex, cà phê Trung Nguyên, nước mắm Phú Thái, trà Tâm Lan...
Người tiêu dùng thường trao đổi gà vịt và họ chưa từng nhìn thấy nhiều sản phẩm phổ biến ở thành phố.
Bình Liêu là huyện miền núi giáp biên giới Việt - Trung, cách cửa khẩu Hoành Mô khoảng 20km, nơi chuyên xuất hàng nông sản qua đường tiểu ngạch. Các cửa hàng tạp hoá rất ít. Và hầu hết chỉ tập trung ở các thị trấn và các chợ xã được hình thành theo cụm dân cư để bán cho người dân, chứ không có cửa hàng nằm rải rác và bán hàng phong phú như các huyện vùng xa ở Miền Nam. Vì vậy, để tìm mua được một gói mì, hay chai nước tương thì phải đi rất xa.
Nhiều sản phẩm tiêu dùng nhanh của các DN Việt Nam xuất hiện trong phiên chợ còn ít thấy hay chưa từng có ở các quầy tạp hoá, nên đa số người tiêu dùng thấy rất lạ và háo hức dùng thử.
Họ chen nhau ở quầy hàng nước chấm Cholimex, trà Tâm Lan và vui vẻ dùng thử, gật gù khen. Bếp ga Namilux thì càng lạ. Hàng của Mỹ Hảo, Lix cũng ít thấy và được mua thử rất nhiều. Các doanh nghiệp đã râm ran bàn tán việc tăng độ bao phủ ở vùng này và kết hợp cùng nhau để trụ lại lâu dài.
Vui nhất, lý thú nhất của mỗi phiên chợ xa xôi mịt mùng chính là được biết thêm nhiều câu chuyện thị trường mới lạ.
Đội ngũ marketing các công ty chia sẻ nhièu thông tin lý thú về thói quen, hành vi người tiêu dùng ở đây rất đặc biệt, rất khác.
Ví dụ ở vùng này không có quán cà phê mà chỉ có quán chè (trà) ở vỉa hè. Cũng chẳng có quán ăn vì người dân làm rẫy, không có thói quen ăn sáng. Cơm trưa hay chiều thì cũng chỉ bán cho khách vãng lai (thường vắng).
Họ không đi chợ hàng ngày. Đông vui nhất là thứ bảy chủ nhật. Sáng sớm thì người dân họp chợ rất đông và người dân tộc thiểu số về nhiều, đem hàng đổi hàng (gà, vịt, chim... đổi hàng tiêu dùng).
Các hoạt động thể thao (đá bóng, các môn thể thao khác), văn nghệ (karaoke, múa hát ) luôn rộn rịp cho đến tối khuya, đèn phố đều thắp sáng để người dân đi chơi... càng thuận lợi cho phiên chợ hàng Việt.
Rõ ràng người dân quá thiếu hàng và nếu hàng Việt chất lượng cao được bán về tận nơi thì họ đâu phải xài hàng Trung Quốc thấp cấp nhiều “khả nghi” độc hại?
(*) Tựa bài do tòa soạn đặt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét