Bộ trưởng dầu mỏ mới của Ả Rập Xê Út, ông Khalid Al-Falih chỉ mất 6 tháng để thay đổi chính sách bơm thêm dầu giữ thị phần đã tồn tại trong 2 năm qua của nước này.
Quyết định trên của Ả Rập Xê Út cũng như Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tại cuộc họp vừa qua là điều cần thiết khi tài chính và ngân sách của nước này đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ giá dầu thấp.
Thâm hụt ngân sách của Ả Rập Xê Út thuộc hàng cao nhất trong số 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới. Trong khi kế hoạch phát hành trái phiếu của nước này đang bị chậm trễ thì Nghị viện Mỹ có khả năng thông qua dự luật cho phép các nạn nhân của vụ khủng bố 11/9 kiện những quốc gia có liên quan, bao gồm Ả Rập Xê Út.
Hãng Energy Aspects nhận định: “Ả Rập Xê Út muốn giá dầu ở mức cao hơn”.
Hệ quả của quyết định trên có thể sẽ rất lớn khi những tập đoàn dầu mỏ khổng lồ như Exxon Mobil có thể khởi động lại những mỏ khai thác bị bỏ dở do giá dầu hồi phục. Những công ty sản xuất dầu đá phiến của Mỹ có thể hoạt động trở lại, còn người tiêu dùng có thể sẽ không còn được hưởng mức giá xăng thấp như trước đây.
Trong khi đó, những quốc gia đang chịu thiệt hại nặng nề từ dầu mỏ như Venezuela có thể khôi phục lại hệ thống tài chính và kinh tế nhờ giá dầu tăng.
Ngoài ra, những nước xuất khẩu dầu lớn như Nga cũng có thể sẽ xem xét liệu họ có giảm sản lượng theo OPEC hay không để nâng giá dầu.
Mọi chuyện đã khác
Cách đây 6 tháng, người tiền nhiệm của ông Al Falih là ông Ali Al Naimi tuyên bố việcgiá dầu đi xuống 50 USD, 40 USD hay thậm chí 20 USD/thùng cũng không quan trọng. Tuy nhiên, ông Falih hiện nay phải thú nhận giá dầu cần được tăng lên khoảng 50 USD/thùng để thúc đẩy đầu tư dài hạn.
ông Ali Al Naimi
Năm 2014, khi Ả Rập Xê Út dẫn đầu OPEC thực hiện chính sách giữ sản lượng khai thác, nước này nhận định việc giảm sản lượng sẽ không làm giá tăng nhiều để bù đắp thiệt hại. Tuy nhiên, mọi chuyện giờ đây đã khác.
Trung tâm chính sách năng lượng quốc tế (CGEP) nhận định Ả Rập Xê Út đang kỳ vọng việc giảm nhẹ sản lượng sẽ nâng giá dầu lên mức đủ để tăng doanh thu cao hơn cho quốc gia này.
Không theo kế hoạch
Chính sách tăng sản lượng khai thác nhằm giữ thị phần của Ả Rập Xê Út đã đem lại thành công nhất định khi làm xói mòn sự bùng nổ khai thác dầu đá phiến tại Mỹ cũng như khiến ngành năng lượng cắt giảm khoảng 1 nghìn tỷ USD cho các dự án mới.
Động thái tăng sản lượng của Ả Rập Xê Út cũng khiến nhiều nhà đầu tư phải dè chừng khi muốn đổ tiền vào ngành khai thác dầu. Trong khi đó, giá dầu thấp kích thích nhu cầu tại nhiều thị trường và làm gia tăng thị phần cho Ả Rập Xê Út.
Dẫu vậy, chiến lược trên của nước này cũng có cái giá của nó. Hơn 150 tỷ USD trong kho dự trữ ngoại hối của nước này đã bốc hơi đẻ bù đắp thâm hụt ngân sách. Thậm chí, nước này đã phải cắt giảm lương cho các công chức nhà nước để tiết kiệm chi tiêu.
Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), thâm hụt tài khóa của Ả Rập Xê Út sẽ đạt 13,5% GDP trong năm nay. Tăng trưởng kinh tế của nước này được dự đoán sẽ giảm mạnh xuống chỉ còn khoảng 1% trong năm nay, trong khi đối thủ của Ả Rập Xê Út là Iran, một nước xuất khẩu dầu lớn khác, lại có khả năng tăng trưởng tới 4%.
ông Khalid Al-Falih
Vẫn sẽ thừa dầu?
Chính sách tăng sản lượng khai thác của Ả Rập Xê Út đã tạo nên cơn địa chấn trong ngành dầu mỏ khi giá dầu giảm từ hơn 100 USD/thùng xuống mức thấp nhất là hơn 30 USD/thùng trong năm vừa qua. Hàng loạt các công ty năng lượng đã phải cắt giảm chi tiêu, hủy bỏ các dự án khai thác mới và bán bớt tài sản. Mặc dù vậy, dầu vẫn được khai thác ồ ạt trên toàn thế giới.
Theo nhiều chuyên gia, thậm chí động thái hạ sản lượng của OPEC cũng khó thay đổi ngay được tình hình khi các nhà khai thác đã bị thu hút mạnh mẽ bởi lợi nhuận cao trong ngành dầu. Khi giá bắt đầu tăng, họ sẽ lại khai thác nhiều hơn để lấy lợi nhuận và làm ảnh hưởng đến kế hoạch của Ả Rập Xê Út.
Hiện nước từng có sản lượng khai thác lớn thứ 2 trong OPEC là Iran đã được dỡ bỏ lệnh cấm vận và quốc gia này dự kiến sẽ bơm thêm rất nhiều dầu.
Trong khi đó, Nga cũng đang khai thác dầu mỏ ở mức kỷ lục với 11,1 triệu thùng/ngày, tăng 400.000 thùng so với tháng 8/2016.
Hàng loạt những quốc gia khác như Mexico, Na Uy cũng đang khai thác thêm dầu. Đặc biệt khả năng ngành khai thác dầu đá phiến tại Mỹ bùng nổ trở lại sau quyết định này là khá cao.
Chủ tịch Stephen Schork của hãng tư vấn Shorl tỏ ra khá bất ngờ với quyết định mới đây của OPEC và tỏ ra bi quan về khả năng tổ chức này hợp tác với các nước khác để cùng giảm nguồn cung dầu.
“(Dù OPEC cắt giảm sản lượng) thì thị trường vẫn dư thừa quá nhiều dầu”, ông Schork nói.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét