Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đã trần tình như vậy trước bức xúc của nhiều doanh nghiệp liên quan những quy định về đầu tư, kinh doanh do Bộ này quản lý.
Hội nghị Bộ Công Thương tổ chức đối thoại với doanh nghiệp sáng ngày 27/9 trở nên nóng hơn khi các doanh nghiệp trực tiếp đứng lên trao đổi, phát biểu những ý kiến thẳng thắn liên quan đến những bất cập trong quy định do Bộ này quản lý.
Người chủ trì là Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, đã rất kiên trì lắng nghe, chăm chú ghi chép từng ý kiến, phản biện và đề xuất của các doanh nghiệp. Suốt hơn 4 tiếng đồng hồ, thời gian cuộc họp kéo dài hơn khi Thứ trưởng xin phép cho các doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực ngành nghề trực thuộc Bộ Công Thương quản lý được phát biểu nhiều hơn.
Nhiều doanh nghiệp kêu sắp chết
Bức xúc nhất phải kể đến là các doanh nghiệp kinh doanh khí hóa lỏng (LGC) khi có một đoàn gần 50 doanh nghiệp từ nhiều tỉnh thành về Hà Nội tham dự. Đại diện cho nhóm DN này, bà Nguyễn Thị Thùy Trang, DN kinh doanh khí gas tỉnh Khánh Hòa cho biết Nghị định 19 về quản lý kinh doanh gas đặt ra yêu cầu hết sức phi lý và vượt khả năng của doanh nghiệp.
Cụ thể, nghị định yêu cầu doanh nghiệp phải có 100.000 vỏ bình gas và có kho chứa tới 300m3, có 20 tổng đại lý, khiến cho những doanh nghiệp đang kinh doanh phải đầu tư lên tới gần 50 tỷ đồng. Đáng nói là nhu cầu thị trường lại có quy mô nhỏ hơn so với số lượng cung ứng của doanh nghiệp, do đó bà Trang cho rằng quy định này vừa quá sức, vừa bất hợp lý và lãng phí.
Cho rằng những quy định trên của Bộ Công Thương là can thiệp quá sâu vào vào công việc kinh doanh của từng DN và đại lý gas, ông Trần Trung Nhật, doanh nghiệp kinh doanh gas ở Tây Ninh bức xúc đặt câu hỏi: “không biết DN đi kinh doanh gas hay cơ quan soạn thảo đi kinh doanh?” và chỉ ra thực tế là mặc dù là người bị tác động nhưng lại không bao giờ được hỏi, tham vấn liên quan đến quy định này.
Một lĩnh vực gây nhiều bức xúc cho doanh nghiệp thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Công Thương là nhập khẩu ô tô cũng nhận được nhiều ý kiến phản ánh. Ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc Công ty Thiên An Phúc đại diện cho 50 doanh nghiệp nhập khẩu ô tô, đã trực tiếp đặt câu hỏi với Thứ trưởng Khánh: “Thông tư 20 về nhập khẩu ô tô, theo quy định là từ 1/7 đã hết hiệu lực, nhưng đến hôm nay gần 3 tháng các doanh nghiệp chúng tôi nhập vẫn không được?”.
Một doanh nghiệp khác trong lĩnh vực này thì hỏi, quy định được Bộ Công Thương thực chất là thủ tục hành chính hay là điều kiện kinh doanh. Bởi với những yêu cầu mà Bộ Công Thương đưa ra như trong Thông tư 20, thì các doanh nghiệp đều không thể nào tham gia được thị trường nếu không có giấy ủy quyền chính hãng.
“Tôi rất muốn khi ban hành văn bản thì Bộ Công Thương cần rõ ràng để DN dễ áp dụng. Tôi được biết có mỗi Bộ Công Thương có ý kiến cho rằng đây là thủ tục hành chính, còn các ý kiến khác nói đây là điều kiện kinh doanh. Vì nó liên quan tới sống còn của doanh nghiệp, nếu thực sự là thủ tục hành chính tại sao Bộ Công Thương không đưa lên thành nghị định để quản lý, cạnh tranh bình đẳng và các doanh nghiệp lớn nhỏ cùng tham gia?” – vị này đặt câu hỏi.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Thành viên Tổ công tác thi hành Luật DN & Luật Đầu tư, Trưởng Ban Tư vấn & Phản biện chính sách Hội các nhà quản trị Doanh nghiệp Việt Nam, Bộ Công Thương đang đặt ra những quy định về quy mô, số lượng ở nhiều ngành nghề khiến cho không ít doanh nghiệp nhỏ không thể tham gia được thị trường. Không chỉ ngành ô tô hay khí gas, lĩnh vực khác như gạo, phân bón, xăng dầu… cũng đặt ra những yêu cầu tương tự, khiến không ít doanh nghiệp nhỏ không thể tham gia.
Sẽ sửa đổi tạo thuận lợi cho doanh nghiệp
Theo ông Đức, những quy định trên vi phạm quy định về quyền của doanh nghiệp tại Luật doanh nghiệp; vi phạm quy định về phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp và đi ngược lại những nguyên tắc về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp theo Nghị quyết 35 của Chính phủ. Việc hạn chế quyền kinh doanh đã khiến cho các doanh nghiệp, luật sư và chuyên gia đặt ra câu hỏi và nghi ngờ chính sách liệu có đang loại bỏ doanh nghiệp nhỏ qua chính sách.
Trước những câu hỏi được giới doanh nghiệp và chuyên gia đặt ra, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đã yêu cầu từng cán bộ liên quan giải đáp cụ thể cho doanh nghiệp. Khi kết thúc Hội nghị, Thứ trưởng cho biết việc mở ra hội nghị này không phải để nói suông, mà để tiếp thu góp ý của người dân và doanh nghiệp.
“Chúng tôi không nói suông vì trước khi có hội nghị này Bộ trưởng đã họp và chỉ đạo nhiều vấn đề, liên quan đến đề xuất của doanh nghiệp về kinh doanh khí gas, nhập khẩu ô tô, kiểm tra hàm lượng trong nhập khẩu vải.. Chúng tôi vững tin để đề xuất sửa đổi các quy định bất cập liên quan” – Thứ trưởng khẳng định.
Cho rằng đây là bài học rút ra đó trong xây dựng chính sách đối với nhà quản lý, song Thứ trưởng khẳng định không một ai xây dựng chính sách để giết DN nhỏ và vừa. Đơn cử như kinh doanh khí gas, đã có nhiều vụ tai nạn về gas, khiến nhà quản lý lúng túng và phải đặt ra vấn đề quản lý, thiết lập lại thị trường bằng cách can thiệp vào quy mô.
“Xin đừng buộc tội các nhà làm chính sách đang cố tình giết chết doanh nghiệp nhỏ và vừa và tạo ra lợi ích nhóm cho DN lớn. Song tôi đồng tình tư duy can thiệp vào quy mô để thiết lập lại trật tự thị trường là không còn phù hợp, nên sẽ tính tới việc rà soát để bãi bỏ những quy định không cần thiết, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp” – Thứ trưởng khẳng định.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét