Ngân hàng sẵn sàng giảm giá dịch vụ, tăng lãi suất, thậm chí là "chi ngoài" để có được những khách hàng lắm tiền.
Gần đây câu chuyện các doanh nghiệp mang nghìn tỷ đi gửi ngân hàng đã thu hút sự chú ý của dư luận. Không chú ý sao được khi nền kinh tế cần lắm những khoản đầu tư, phát triển của doanh nghiệp, phải đi vay vốn khắp nơi nhưng lại có những doanh nghiệp để hàng núi tiền nhàn rỗi ở ngân hàng lấy lãi.
Tất nhiên các doanh nghiệp này đều có lý do của riêng họ.
Hàng loạt doanh nghiệp mang nghìn tỷ trăm tỷ đi gửi
Có thể kể đến vài cái tên “ông lớn” như Sabeco gửi gần 8.200 tỷ ở ngân hàng tại thời điểm cuối quý 2 năm nay với lãi suất dao động từ 5,5-6,2%; Đạm Phú Mỹ gửi hơn 4.500 tỷ đồng; Tập đoàn Kido gửi gần 2.000 tỷ…
Nhưng chú ý hơn cả là các doanh nghiệp họ nhà dầu khí. Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2015 vừa được công bố cách đây không lâu, tính đến 31/12/2015, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam - PVN và các công ty con đang nắm giữ lượng tiền mặt và tiền gửi lên đến hơn 166.000 tỷ đồng. Lượng tiền này chiếm gần 22% tổng tài sản của Tập đoàn và nhiều hơn cả tổng tài sản của nhiều ngân hàng cổ phần trong G10 (nhóm 10 ngân hàng lớn nhất).
Các khoản tiền gửi ngân hàng của các doanh nghiệp này chỉ là ngắn hạn, phổ biến dưới 3 tháng và hưởng lãi suất quanh mức 5 – 6%/năm. Mức lãi không cao nhưng tính ra cũng đem về khoản lãi ít thì vài trăm tỷ, nhiều có thể đến cả nghìn tỷ. Chẳng hạn trường hợp như của Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vẫn đều đặn thu về nghìn tỷ từ tiền lãi mỗi năm, trong đó năm 2015 là 1.025 tỷ và dự kiến năm nay có nguồn thu từ lãi khoảng 1.050 tỷ đồng.
Có nhiều lý do cho việc doanh nghiệp mang nghìn tỷ đi gửi ngân hàng. Một số ý kiến cho rằng vì họ sợ rủi ro khi đầu tư nên để tiền mặt cho an toàn, vừa có lãi lại không phải lo đến cạnh tranh. Một số khác lại nói đây là một kiểu kinh doanh của doanh nghiệp, thậm chí nhiều khi họ cố tình “lách” bằng các kỳ hạn ngắn…
TS. Phan Minh Ngọc thì cho rằng, việc các doanh nghiệp đi gửi tiền ngân hàng không có gì lạ vì nguồn tiền đó có thể tạm thời nhàn rỗi, có thể họ đang chuẩn bị cho đầu tư trong thời điểm tương lai, để chia thưởng, trả cổ tức hoặc đa dạng hóa danh mục đầu tư, danh mục tài sản. Có nhiều lý do để doanh nghiệp đem tiền gửi ngân hàng và điều này không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới họ cũng làm như vậy.
TS. Nguyễn Trí Hiếu trong khi đó cũng nêu quan điểm trên một tờ báo rằng, về nguyên tắc doanh nghiệp có thể kinh doanh tiền, gửi tiền tại ngân hàng cũng là một kiểu đầu tư tài chính. Nhưng nếu doanh nghiệp chỉ nhăm nhăm mang tiền đi gửi ngân hàng lấy lãi thì về lâu dài hoạt động kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng, thị phần của doanh nghiệp sẽ bị thu hẹp lại…
Đây mới là các khách hàng siêu VIP của ngân hàng
Xét ở góc độ doanh nghiệp thì nhiều người không đồng tình với việc họ mang tiền nghìn tỷ đi gửi ngân hàng. Tuy nhiên ở góc độ ngân hàng thì các nhà băng lại “mừng rơi nước mắt” khi có được cho mình những vị khách VIP này.
Có được các khách hàng có nguồn tiền lớn là doanh nghiệp, ngân hàng không những có thể dùng vốn đó để kinh doanh với biên lợi nhuận rẻ nhất cũng được 2%. Ngoài ra, ngân hàng còn có thể cung cấp các dịch vụ ngược trở lại cho doanh nghiệp, chẳng hạn trả lương qua thẻ, thẻ tín dụng, các chương trình tài trợ và cho vay, mua bán ngoại hối, các sản phẩm thanh toán quốc tế, các giải pháp về rủi ro tài chính…Chính các dịch vụ bán cho doanh nghiệp này là nguồn thu chủ yếu và mang đến lợi nhuận cho ngân hàng (khoảng 70%).
Theo giám đốc của một ngân hàng top đầu trong hệ thống, những doanh nghiệp nhiều tiền mặt cũng có nghĩa là họ có hoạt động khá rộng, nhân sự đông, và có nhu cầu nhiều về dịch vụ tài chính, đây chính là các “thượng đế” đích thực của ngân hàng. Chẳng thế mà các nhà băng cạnh tranh nhau rất khốc liệt. Khi có được khách hàng, họ sẽ “giữ chân” doanh nghiệp ở lại với mình bằng các thỏa thuận hợp tác toàn diện với hàng loạt ưu đãi.
TS. Bùi Quang Tín cũng nhận xét rằng, nhóm các khách hàng doanh nghiệp lớn là “siêu VIP” của ngân hàng. Có không ít nhà băng sẵn sàng cạnh tranh bằng cách “đi đêm” với các hợp đồng chi ngoài để có được khách hàng này, họ cũng sẵn sàng nâng lãi suất huy động, giảm lãi suất cho vay, miễn phí hoặc bán rẻ hơn các dịch vụ. Ngoài những thứ “được” dễ nhìn thấy từ các dịch vụ cung cấp, ngân hàng còn có thể trông chờ ở doanh nghiệp hỗ trợ mỗi khi cần tiền bù đắp thiếu hụt thanh khoản.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét