Thứ Năm, 22 tháng 9, 2016

Người Myanmar bắt đầu thay ví tiền bằng điện thoại di động

Mang túi tiền đi khắp Myanmar từng là việc rất nguy hiểm, nhưng bắt buộc với bà Khin Myint Oo. Nhưng giờ bà chỉ cần gửi một tin nhắn là có thể chuyển tiền về nhà.


Dịch vụ ngân hàng trên điện thoại di động đang càn quét khắp Myanmar - đất nước hàng thập kỷ nay không được tiếp cận các dịch vụ tài chính căn bản. Myanmar đang trong quá trình hồi sinh kinh tế. Tuy nhiên, với hệ thống ngân hàng còn sơ khai và 90% người dân không có tài khoản, các lãnh đạo mới của nước này đang tìm đến đường tắt - ngân hàng di động.
"Mọi người thường cất tiền trong hộp rồi để nhà", Khin Myint Oo cho biết. Bà đã chuyển từ quê lên thành phố lớn nhất Myanmar - Yangon để làm giúp việc. Vì chẳng có chi nhánh ngân hàng nào ở gần, gia đình bà chỉ có 2 lựa chọn - đi một đoạn đường xa đến ngân hàng gần nhất, hoặc gửi tiền theo ôtô.
Với chỉ 1.500 chi nhánh ngân hàng, giới phân tích cho rằng Myanmar sẽ phải mất hàng năm để xây dựng đủ hệ thống cho 51 triệu dân. Bên cạnh đó, rất nhiều người vẫn còn ký ức tồi tệ về 50 năm dưới chế độ quân sự. Khi ấy, việc ngân hàng bị rút tiền ồ ạt và nội tệ lao dốc xảy ra thường xuyên.
nguoi-myanmar-bat-dau-thay-vi-tien-bang-dien-thoai-di-dong
Dịch vụ tiền di động - Wave Money đang phổ biến tại Myanmar. Ảnh: AFP
Tuy nhiên, tình hình này đang dần thay đổi. Bà Khin Myint Oo dùng Wave Money - một trong những công ty cung cấp dịch vụ ngân hàng di động đầu tiên tại Myanmar. Nhờ nó, bà có thể chuyển tiền cho các con chỉ trong vài phút.
Công ty này là sự hợp tác giữa một nhà mạng và một ngân hàng tư nhân. Họ đã gây dựng 4.000 chi nhánh trên cả nước, để khách hàng có thể gửi và rút tiền bằng điện thoại. Những chi nhánh này dễ tiếp cận và số lượng đông đảo hơn nhiều so với ngân hàng. Wave cũng thường xuyên theo dõi tính thanh khoản và cử nhân viên đến bổ sung tiền cho các cửa hàng thiếu tiền mặt.
"Cái lợi bây giờ là chúng tôi chẳng mất mấy thời gian khi chuyển tiền", bà Khin Myint Oo cho biết.
Một trong những động thái đầu tiên của Chính phủ mới sau khi tiếp quản hồi tháng 4 là thông qua nhiều quy định cho phép các tổ chức phi ngân hàng tham gia thị trường tiền điện tử và cung cấp dịch vụ cho người dân.
Tiền di động đã phổ biến tại Kenya từ một thập kỷ trước và hiện được sử dụng bởi nửa dân số tại đây. Các hệ thống tương tự cũng đang xuất hiện tại khu vực châu Phi cận Sahara và nhiều quốc gia đang phát triển khác, cung cấp dịch vụ quản lý và chuyển tiền an toàn cho hàng triệu người dân.
Tại Myanmar, người ta cũng đang lắp đặt rất nhiều trạm BTS. 4 năm trước, chỉ 10% người dân có điện thoại di động. Nhưng giờ, tỷ lệ này đã là 60%, và hầu hết dùng smartphone. "Myanmar từng là thị trường ai cũng nói đến trong các hội thảo về tiền di động, vì ở đây quá sơ khai", CEO Wave Money - Brad Jones cho biết.
nguoi-myanmar-bat-dau-thay-vi-tien-bang-dien-thoai-di-dong-1
Núi tiền mặt thường thấy tại các ngân hàng Myanmar. Ảnh: AFP
Tuy nhiên, việc triển khai công nghệ này đang vấp phải một rào cản muôn thủa - niềm tin. Khi còn là thuộc địa của Anh, Myanmar có tỷ lệ ngân hàng nước ngoài do nước ngoài sở hữu cao nhất Đông Nam Á. Nhưng sau đó, quân đội tiếp quản chính quyền và quốc hữu hóa tất cả nhà băng, mở đầu cho hàng loạt chính sách đã đẩy Myanmar vào nghèo đói.
Niềm tin vào hệ thống ngân hàng đã sụp đổ sau một loạt quyết định về tiền tệ hồi thập niên 80. Nó đã quét sạch gần hai phần ba tiền mặt trong lưu thông, châm ngòi cho các vụ rút tiền ồ ạt khỏi ngân hàng và khiến nhiều người chuyển sang tiết kiệm bằng vàng.
"Thách thức đầu tiên là khiến mọi người tin tưởng vào giá trị của tiền. Vì cứ dư ra đồng nào, họ lại mua vàng và đá quý ngay", Sean Turnell - cố vấn kinh tế của Chính phru Myanmar cho biết.
Thay đổi thói quen này là bước quan trọng để thoát nghèo. Vì các tài sản vật chất như vàng không thể chuyển thành tiền mặt ngay. Vì thế, nhiều người nghèo lúc cấp bách phải tìm đến các khoản vay nặng lãi.
Paul Luchtenburg - chuyên gia của Liên Hợp quốc tại Yangon cũng cho biết tiền di động là dịch vụ tài chính phù hợp nhất với Myanmar bây giờ. "Nếu chỉ có ngân hàng, Myanmar sẽ mất rất nhiều thời gian giúp người dân tiếp cận dịch vụ này", ông cho biết.
Ở Dala - vùng ngoại ô Yangon, những người muốn tiết kiệm tiền chỉ có 2 lựa chọn - đi thuyền vào thành phố, hoặc chôn sau nhà. Cũng như phần lớn các khu vực trong cả nước, ở đây chẳng có ATM hay ngân hàng nào cả.
Dù vậy, nhiều cửa hàng cung cấp dịch vụ tiền di động đã xuất hiện. "Khi dịch vụ này trở nên phổ biến, nó sẽ có ích với người dân hơn là ngân hàng", Zaw Zaw Oo – chủ một cửa hàng tiện lợi nhỏ - thuộc hệ thống của Wave tại đây cho biết. Nhưng cho đến lúc đó, họ vẫn phải đợi chuyến phà tiếp để vào thành phố đã.
Hà Thu (theo AFP)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét