Theo các chuyên gia, khi mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tăng lên thì các doanh nghiệp (DN) có thể giảm cầu lao động khu vực chính thức. Tỉ lệ lao động có tham gia BHXH ở DN sẽ giảm khoảng 1,76% trong ngắn hạn và 5,23% trong dài hạn. Số lượng lao động giảm sút tương ứng dự báo có thể là 131.000 và 371.000 người, đặc biệt là trong các ngành dệt may và chế tạo sản xuất...
Thông tin được đưa ra tại tọa đàm “Dự báo tác động của việc điều chỉnh mức đóng BHXH lên người lao động và doanh nghiệp” do Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong (MDRI) tổ chức tại Hà Nội sáng 27.9.
Theo TS.Nguyễn Việt Cường – Phó Viện trưởng MDRI, việc tăng BHXH quá cao sẽ có thể dẫn đến giảm việc làm, tăng giá sản phẩm và giảm mức tăng trưởng của nền kinh tế. Bên cạnh đó, có thể làm giảm khả năng thu của quỹ BHXH do DN có thể đưa ra các giải pháp “đối phó” như chuyển lao động từ chính thức sang hợp đồng thời vụ…
Cụ thể, tăng mức đóng BHXH làm gia tăng chi phí lao động. Nếu chi phí này tăng lên 10% thì cầu lao động trong ngắn hạn giảm đi 1,75% và dài hạn là 5,19%. Hiện nay, tỉ lệ đóng cho BHXH và các quỹ liên quan của DN trên tổng quỹ lương là 13,9%. Nếu như tỉ lệ đóng tăng lên 24% thì DN chịu mức tăng chi phí là 10,1%. Mức tăng này tương ứng với mức giảm cầu lao động 1,76% trong ngắn hạn và 5,23% trong dài hạn.
Dựa trên tổng điều tra DN được Tổng cục Thống kê thực hiện, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, trong ngắn hạn sẽ có khoảng 132.000 NLĐ sẽ bị mất việc và trong dài hạn sẽ là 371.000 người, đặc biệt là NLĐ làm việc tại các DN nước ngoài, liên doanh; kế đến là Công ty Cổ phần, Cty TNHH. Trong đó, số lượng NLĐ trong ngành dệt may bị cắt giảm dự báo là 110.000 người; ngành chế tạo sản xuất là 105.000 người, ngành dịch vụ là 59.000 người…
Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng thông qua hàng loạt các FTAs, ông Cường cho rằng, để cạnh tranh, trong ngắn hạn DN sẽ không thể tăng giá sản phẩm tức là không thể chuyển chi phí từ việc tăng BHXH cho người tiêu dùng. Lợi nhuận của DN sẽ giảm sút do phải chịu chi phí đóng BHXH tăng lên. Ngay cả khi DN phải cắt giảm doanh thu và lao động thì lợi nhuận vẫn giảm.
Cụ thể, nghiên cứu chỉ ra rằng, các DN vừa và nhỏ, DN sử dụng nhiều lao động trong ngành chế tạo, gỗ giấy, xây dựng và dệt may bị ảnh hưởng nhiều nhất. Dự báo có tới 11,8% DN tư nhân lợi nhuận sẽ bị giảm sút trong ngắn hạn và 26,1% DN trong dài hạn. Trong ngắn hạn, trong điều kiện các yếu tố khác không thay đổi thì dự báo mức lợi nhuận của toàn bộ DN sẽ giảm 7,6%. Từ đó, DN sẽ tìm “hình thức” để chuyển lao động chính thức (có tham gia BHXH) thành lao động phi chính thức (không tham gia BHXH).
Ông Cường cũng cho biết, phần lớn các nghiên cứu ở các nước khác cũng cho thấy việc tăng BHXH sẽ làm giảm lao động. Theo Heckman và Pages, nếu như mức đóng BHXH tăng lên 10% thì tỉ lệ việc làm sẽ giảm 10% ở các nước OECD và giảm 4,5% ở các nước châu Mỹ Latin. Kugler và Kugler cũng kết luận, tăng mức đóng BHXH ở Colombia làm giảm đáng kể tỉ lệ lao động khu vực chính thức. Anton mới đây cũng chỉ ra rằng, việc cải cách BHXH bằng giảm mức đóng BHXH ở Colombia làm tăng đáng kể lao động ở khu vực chính thức.
Để hạn chế tác động lên DN và NLĐ, tránh việc lẩn tránh đóng BHXH, Viện MDRI khuyến nghị, tỉ lệ đóng nên được điều chỉnh cho phù hợp với thực tế là khoảng 20 – 25% quỹ lương. Bên cạnh đó, cần có những nghiên cứu để kiểm định các giả thuyết về phản ứng của DN với mức tăng BHXH lên tổng cung và cầu, ảnh hưởng lên sức cạnh tranh của nền kinh tế, doanh thu BHXH.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét