Từng là cái tên siêu hot trong giới công nghệ và lên sàn đầy ấn tượng ba năm trước, Twitter nay lại đang đứng trước một quyết định trọng đại: Liệu có nên bán mình?
Từ đội ngũ CEO được thay đổi liên tục và thiếu định hướng rõ ràng; một nền tảng từng được biết đến là tương lai của Internet bắt đầu phải vật lộn với việc định vị hình ảnh cho đến những chiến lược tăng trưởng đáng phải đặt câu hỏi, tất cả đều khiến Twitter trở nên giống với Yahoo một cách đáng kinh ngạc.
Nhà đồng sáng lập Yahoo Jerry Yang (giữa) trong một cuộc bàn luận về thương vụ chào mua từ Microsoft năm 2008
Ở tình thế này, nếu không bán mình sớm, Twitter có thể sẽ lại đi vào vết xe đổ định mệnh của Yahoo: vật lộn cả thập kỷ để rồi chẳng đi đến được một tiến triển nào; tinh thần làm việc của nhân viên cũng dần bị xói mòn bởi những cuộc bàn tán liên miên về sáp nhập và cuối cùng là tự kết liễu mình bằng một thương vụ “bán vội kẻo ế” ở mức định giá chỉ bằng một góc so với thời điểm đỉnh cao.
Yahoo, gã khổng lồ từng đạt giá trị 125 tỷ USD, cuối cùng cũng phải đồng ý bán mình cho Verizon với mức giá vỏn vẹn 4,8 tỷ USD trong năm nay.
Thật khó tin là 8 năm trước, khi Microsoft hỏi mua với giá 42 tỷ USD, đội ngũ lãnh đạo của Yahoo đã nhất mực từ chối. Thế nhưng giờ đây, Twitter có thể được mua lại với giá 30 tỷ USD, gấp đôi mức định giá vào thứ sáu tuần trước.
Tìm kiếm một phép màu
Twitter có lẽ sẽ tự đặt mình vào một canh bạc đầy rủi ro nếu vẫn từ chối bán và cố gắng xoay sở lại các hoạt động kinh doanh. New York Times cũng từng đưa tin rằng công ty có thể chọn con đường tái cơ cấu và sa thải bớt nhân viên thay vì bán lại.
Thế nhưng chúng ta cũng từng chứng kiến công ty làm điều này trước đây, và kết quả là nó vẫn chẳng tạo được chút ảnh hưởng tích cực nào cho vấn đề tăng trưởng lượng người dùng.
Chính Yahoo cũng từng trải qua hàng loạt đợt tái cơ cấu nhưng vẫn không thể giải quyết được bài toán tăng trưởng.
Đồng sáng lập Twitter Jack Dorsey
Tuy nhiên, nói như vậy cũng không có nghĩa là Twitter không phải là miếng bánh ngon cho nhiều ông lớn. Trên thực tế, đây là một công cụ vô giá để thu thập tin tức về các sự kiện đang diễn ra, về người nổi tiếng hay các vị lãnh đạo, nhà hoạt động lớn trên thế giới. Nó cũng là một miền đất đầy cơ hội cho những người làm marketing.
Ngoài những điều có thể thấy rõ kể trên, Twitter còn sở hữu một lượng dữ liệu người dùng khổng lồ chưa được khai thác hết – thứ có thể coi là một kho báu đối với các công ty như Google hay Salesforce.
Không ai có thể phủ nhận quyền lực và tầm ảnh hưởng của Twitter, ngay cả khi chỉ sở hữu một lượng người dùng thường xuyên rất nhỏ.
Thế nhưng văn hóa tại Twitter là luôn tự hào có thể tự đứng một mình. Có thể bạn không nhớ nhưng mạng xã hội này đã từng từ chối một lời mời mua lại Facebook từ những ngày đầu mới nổi lên.
Hơn thế nữa, khi mà nhà sáng lập Twitter Jack Dorsey thực chất lại không nắm quyền sở hữu một phần lớn cổ phần của công ty (như Mark Zuckerberg với Facebook hay Larry Page và Sergey Brin với Google) thì chúng ta cũng cần đặt câu hỏi liệu tiếng nói của ông trong quyết định bán hay giữ lần này sẽ lớn đến đâu.
Và cho dù người mua có là ai thì thực chất thương vụ này cũng sẽ không quá xung đột với sứ mệnh trước nay của Twitter.
Khác với Yahoo – một công ty luôn thiếu khát nguồn lực và sẽ chẳng còn được ai nhớ đến sau khi Verizon mua lại thì Twitter lại có khả năng sẽ phát triển tốt hơn dưới quyền điều hành của một công ty mẹ với đầy đủ vốn liếng và tài nguyên.
Trừ khi Twitter có được một hướng đi dài hạn để phủ sóng rộng được như Facebook, mạng xã hội này có lẽ sẽ có tương lai hơn với một thương vụ béo bở ngay lúc này. Thập kỷ thất bại của Yahoo rất có thể sẽ mở ra tương lai mới cho Twitter.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét