Một loạt kế hoạch bứt phá và đang dần hiện thực hứa hẹn nhiều ngân hàng tìm lại thời hoàng kim...
Về cơ bản, mùa đại hội đồng cổ đông thường niên các ngân hàng thương mại Việt Nam đã khép lại. Cùng lúc, báo cáo kết quả kinh doanh quý 1/2017 đang hé mở một năm khác biệt.
Cho đến nay, 2011 là năm dấu ấn của khởi đầu quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng Việt Nam. Đây cũng là năm những bất ổn nội tại chính thức bộc lộ. Và đây cũng là năm hoàng kim lợi nhuận của hầu hết các ngân hàng trong lịch sử, tính đến cuối 2016.
Sau 2011, kéo dài cho đến 2015 và vẫn còn phổ biến trong 2016, sự đứt gãy của lợi nhuận kéo dài cho đến những nỗ lực phục hồi.
Một thời lãi “ảo”
Như trên, 2011 vừa là năm đỉnh cao lợi nhuận nhưng cũng chính là năm rủi ro lớn chính thức bộc lộ. Dữ liệu thống kê cho thấy lợi nhuận nhiều nhà băng đều đạt đỉnh vào năm này, song mức độ nợ xấu hai con số cũng chính thức được “phơi” ra.
Ngay trước 2011, hệ thống ngân hàng Việt Nam và công chúng quen với con số nợ xấu công bố chỉ trên dưới 3%, mức cao từng ghi nhận chỉ 3,4%. Khi đó, một số hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế quả quyết nợ xấu thực tế cỡ hai con số.
Tại một cuộc họp báo chuyên đề về nợ xấu khi đó, một lãnh đạo chuyên trách của Ngân hàng Nhà nước cho biết, chính họ cũng không rõ các hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế tính toán thế nào mà lại ra được mức độ đó. Hỏi ra, cách tính rất đơn giản: lấy nợ xấu các ngân hàng báo cáo, cộng thêm nợ nhóm 2 (nợ quá hạn nhưng chưa phải nợ xấu) thì thành ra kết quả.
Không truy xét chuyện kỹ thuật của thông tin chia sẻ bên lề cùng “cách tính đơn giản” nói trên, nhưng không lâu sau, Ngân hàng Nhà nước lần đầu tiên công bố và xác nhận nợ xấu của hệ thống ở mức độ hai con số. Diễn tiến tiếp theo là cách nhìn nhận nợ xấu do các tổ chức tín dụng báo cáo, rồi qua mức độ giám sát từ xa của Ngân hàng Nhà nước.
Dù thế nào thì ngay chính năm đỉnh cao lợi nhuận 2011, nợ xấu thực tế đã “ngầm” rất lớn. Để rồi thống kê và công bố một cách thẳng thắn tại 9/2012 lên tới 17,21%.
Nhắc lại mức độ nợ xấu trên để thấy lợi nhuận ngân hàng đã từng một thời hoàng kim nhưng “ảo”. Vì nợ xấu không được nhận diện sát thực, dẫn tới mức độ trích lập dự phòng rủi ro không tương xứng và dẫn tới lợi nhuận cao mà không vững.
Từ 2012, với diễn tiến nhận diện trên, Ngân hàng Nhà nước từng bước thiết lập khung khổ pháp lý mới quy định phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro chặt chẽ hơn, thậm chí có phần khắc nghiệt (với nhiều lần trì hoãn cơ chế). Lợi nhuận ngân hàng theo đó dần “chất” hơn cho đến nay.
Hứa hẹn một năm ấn tượng
Qua mùa đại hội đồng cổ đông, cùng báo cáo kết quả kinh doanh quý 1 đang cập nhật, 2017 hứa hẹn một năm ấn tượng tại nhiều ngân hàng thương mại.
Điểm đầu tiên vẫn phải nhắc đến Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). Ngân hàng này có lợi nhuận trước thuế hợp nhất quý 1/2017 đạt tới trên 1.900 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên lợi nhuận của một ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân phả hơi nóng sát gáy khối “big 4” (gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank).
Điểm nhấn đó được chú ý, vì VPBank khá điển hình cho quy mô của một ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, tổng tài sản chỉ gần 230 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, thử nhìn sang BIDV, thành viên thường nhấn mạnh về quy mô tổng tài sản dẫn đầu hệ thống thời gian gần đây, trên 1 triệu tỷ đồng, thì mức độ lợi nhuận tạo được có khả năng bị VPBank áp sát. Bởi vì, tổng tài sản rất lớn nhưng chất lượng tài sản và mức độ sinh lời của BIDV vẫn chưa thể được cải thiện.
Cũng trong so sánh trên, thuộc nhóm “big 4”, Vietcombank có quy mô tổng tài sản thấp hơn rất nhiều BIDV, nhưng dự kiến năm nay lợi nhuận Vietcombank tiếp tục tạo kỷ lục với 9.200 tỷ, khả năng đạt 9.500 tỷ như lãnh đạo ngân hàng này dự tính.
Ở khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, qua kết quả quý 1 và kế hoạch xác định tại mùa đại hội đồng cổ đông vừa qua, sự bứt phá và trở lại thời hoàng kim đã thể hiện ở một loạt thành viên như Techcombank, MB, LienVietPostBank, HDBank…
Ở một số trường hợp còn khó khăn nhất định sau sáp nhập như SHB, quý 1 kết quả lợi nhuận vẫn thấp, nhưng với những khoản thu dự kiến đã ký, đã tính, đặc biệt là với đối tác nước ngoài, tín dụng tăng mạnh ngay quý đầu năm, cùng kế hoạch sớm đưa công ty tài chính tiêu dùng nhập cuộc, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận tới 50% so với năm ngoái đã được xác định.
Ngay cả tại Sacombank, khó khăn đang chồng chất sau sáp nhập Southern Bank, nhưng sự bứt phá so với 2016 là có triển vọng. Điểm được chú ý ở đây là cơ chế hỗ trợ tái cơ cấu sẽ giúp Sacombank giảm thiểu áp lực chi phí và sức nặng nợ xấu để tiếp tục phát huy thế mạnh vốn có của ngân hàng từng có vị thế hàng đầu trong khối tư nhân này.
Bên cạnh những kế hoạch đã định hình, những kết quả bước đầu công bố, hệ thống ngân hàng còn có triển vọng mới ở cơ chế chính sách.
Tại kỳ họp Quốc hội sắp tới, nếu nghị quyết hỗ trợ xử lý nợ xấu và tái cơ cấu ngân hàng được thông qua, đòn bẩy lợi nhuận sẽ thêm đà từ đầu quý 3/2017. Còn kỹ thuật giãn áp lực chi phí và giãn thoái lãi dự thu dự kiến trong dự thảo nghị quyết gắn với quan điểm chuẩn mực hoạt động ngân hàng lại là chuyện khác.
Tựu chung, như trên, với khung khổ các chuẩn mực cao hơn trong phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro, sự trở lại thời hoàng kim lợi nhuận của các ngân hàng năm nay đã khác, bớt “ảo” hơn so với trước.
Đồng thuận với kết quả và xu hướng trên, ngày 3/5 vừa qua, hãng định mức tín nhiệm quốc tế Moody’s đã đồng loạt nâng hạng tín nhiệm cho 8 ngân hàng Việt Nam.
Đó không chỉ là ghi nhận, là tín nhiệm, mà còn là tiền. Vì với hạng mức mới, tốt hơn, các ngân hàng đó sẽ có cơ hội để các đối tác nước ngoài nâng hạn mức tài trợ, thanh toán…, cũng như nếu đi vay vốn quốc tế đã có thêm một cơ sở để có thể được chi phí dễ chịu hơn những năm gần đây.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét