Chủ Nhật, 7 tháng 5, 2017

Đừng than thở cuộc đời bất công: Được trao 1 đồng tiền, việc biến nó thành bao nhiêu phụ thuộc vào năng lực của bạn

Cuộc sống không trao phần thưởng theo nhu cầu của chúng ta mà dựa vào mức độ xứng đáng của từng người. Dù được số phận trao cho 1 hay 5 đồng tiền, chúng ta đều có trách nhiệm phải làm điều gì đó tốt hơn với thứ đã nhận từ cuộc sống.

    Đừng than thở cuộc đời bất công: Được trao 1 đồng tiền, việc biến nó thành bao nhiêu phụ thuộc vào năng lực của bạn
    Một ông chủ nọ gọi 3 người đầy tớ đến để thông báo rằng ông ta sắp vắng nhà lâu ngày. Trước khi rời đi, ông giao cho mỗi người đầy tớ một số đồng ta-lăng - đơn vị tiền tệ thời cổ, mỗi đồng ta-lăng tương đương với số tiền công lao động của một người bình thường trong vài năm. Người thứ nhất 5 đồng, người thứ hai 2 đồng và người thứ ba 1 đồng. Ông căn dặn ba người đầy tớ phải gìn giữ tốt số tiền này trong thời gian ông vắng mặt rồi lên đường.
    Trong thời gian người chủ vắng nhà, người đầy tớ thứ nhất mang 5 ta-lăng được giao ra chợ tìm cách buôn bán, trao đổi. Chẳng bao lâu sau, anh ta đã kiếm được số tiền gấp đôi 5 ta-lăng. Người đầy tớ thứ hai cũng làm tương tự và nhân số tiền mình được nhận lên thành 4 ta-lăng. Người thứ ba, do tính cẩn thận nên đã mang đồng ta-lăng duy nhất được chủ giao phó chôn dưới đất để giữ gìn.
    Một thời gian sau, người chủ quay về và gọi ba người đầy tớ lại để hỏi xem họ đã làm gì với số tiền mà ông giao phó. Người thứ nhất kể lại anh ta đã khôn khéo dùng 5 đồng ta-lăng để buôn bán, kiếm lãi ra sao và dâng nên ông chủ cả 10 đồng ta-lăng. Ông chủ khen: "Tốt lắm".
    Người thứ hai bước lên, thuật lại việc anh ta buôn bán và dâng lên ông chủ 2 ta-lăng ban đầu cùng 2 ta-lăng anh ta kiếm được. Ông chủ lại khen: "Tốt lắm".
    Tới lượt người thứ ba kể lại câu chuyện của mình: "Vì sợ làm mất tiền của ông chủ nên tôi đã rất thận trọng chôn tiền xuống đất". Nói rồi anh ta tự hào dâng lên ông chủ đồng ta-lăng nguyên vẹn như lúc nhận được. Ông chủ nhìn số tiền không được sử dụng đến và ra lệnh: "Hãy giao nó cho người đang sở hữu 10 ta-lăng".
    Với một số người, cái kết của câu chuyện thật không công bằng. Người đầy tớ thứ ba cẩn trọng và trung thành lại phải trao số tiền ít ỏi của anh ta cho người giàu hơn (có 10 ta-lăng). Nhưng bạn hãy nhớ, cuộc sống không trao phần thưởng theo nhu cầu của chúng ta mà dựa vào mức độ xứng đáng của từng người. Dù chúng ta nhận được 1 hay 5 ta-lăng từ cuộc đời, trách nhiệm của chúng ta là phải làm điều gì đó với mà số phận đã trao tặng. Đó là cách để chúng ta biến nghèo khó thành giàu sang, khó khăn thành cơ hội.
    1. Cuộc đời cho chúng ta những "nguyên liệu" cần có để thành công
    Người chủ giao phó cho đầy tớ những đồng ta-lăng, đó là phương tiện để những người này làm việc. Người muốn thành công thì phải tìm cách dùng những đồng tiền đó hiệu quả.
    2. Khả năng của mọi người không đồng đều
    Mỗi người đầy tớ được giao phó một số lượng tiền khác nhau bởi ông chủ biết rằng họ có năng lực khác nhau. Cũng tương tự, mỗi người trong cuộc sống có đặc điểm và thế mạnh khác nhau. Chúng ta sẽ được giao phó trách nhiệm phù hợp với năng lực của mình. Giám đốc điều hành, quản lý hay nhân viên, mỗi vị trí yêu cầu tài năng và mức độ trách nhiệm khác nhau. Đừng nên so sánh với người khác mà tự chuốc lấy đau khổ.
    3. Ai cũng phải chịu trách nhiệm cho cuộc đời mình
    Trong câu chuyện ngụ ngôn này, người đầy tớ thứ ba đã lãng phí cơ hội được ông chủ trao cho. Cuối cùng ông ta bị coi là lười biếng và bị lấy đi cả số tiền ít ỏi. Giống như người đầy tớ này, chúng ta cũng phải chịu trách nhiệm về những gì cuộc đời đã trao. Nhiều người không tận dụng tối đa những gì họ nhận được từ cuộc đời và họ sẽ phải chịu trách nhiệm về điều đó.
    4. Càng có năng lực, càng nhận được nhiều hơn
    Đối với những người tận dụng tốt những tài nguyên họ được trao, họ có thể sẽ kiếm được nhiều hơn, nhiều hơn nữa. Khi sử dụng những thứ cuộc đời trao cho bạn một cách khôn ngoan, bạn sẽ nhận được phần thưởng xứng đáng. Đó chính là giá trị của việc sáng tạo và dũng cảm dấn thân, trái ngược với sự sợ hãi và chấp nhận một cuộc sống vô ích.

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét