Luôn đi theo tiếng gọi của sự rồ dại hay hành động như không có gì để mất, “ông khùng” Rosso đã xây dựng thành công đế chế thời trang cho riêng mình trước con mắt ngưỡng mộ và ngạc nhiên của biết bao người.
Từ một nhãn hàng nhỏ cách đây 38 năm, Renzo Rosso đã đưa Diesel trở thành một thương hiệu thời trang hàng đầu của Italia. Mài quần Jeans bán với giá cao ngất ngưởng, quảng cáo mà không có sản phẩm, chi hàng triệu cho những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ - đó là những việc làm dường như ngược đời nhưng lại mang về thành công không tưởng cho Renzo Rosso, ông chủ đế chế thời trang lừng danh Diesel.
W Magazine từng “lột tả” Renzo Rosso là một “cạ cứng của các buổi tiệc tùng, một tỷ phú bad boy chính hiệu”. Ông tự nhận là kẻ “điên rồ” cho sự sáng tạo và tầm nhìn ngoại cỡ của mình - theo Women's Wear Daily.
Lần đầu tiên được vinh danh trong danh sách tỷ phú của Forbes vào năm 2012, ông hiện sở hữu khối tài sản khoảng 3,4 tỷ đô, thu được thông qua các quảng cáo khiêu khích, hiểu biết, nhạy bén trong mặt hàng bán lẻ và tinh thần kinh doanh thông minh. Mặc dù đã “bàn giao” nhiều chi nhánh công ty, 60 tuổi, Rosso vẫn là chủ tịch của công ty mẹ - OTB (viết tắt của Only The Brave - phương châm của công ty) và có vẻ như, tốc độ của “ông khùng” Rosso sẽ không bao giờ chậm lại.
Denim cho tôi thấy thế nào là một kẻ nổi loạn
Sinh ra trong một ngôi làng nhỏ tại Bắc Ý, bố là nông dân, cậu bé Rosso có xuất phát điểm “thua kém” nhiều người. Theo một giai thoại Rosso kể lại trên tạp chí W, ông từng cho bánh gạo một nhóm binh lính Mỹ từ một căn cứ quân sự gần đó. “Đối với tôi, đó chính là giấc mơ Mỹ”, Rosso nói.
Giấc mơ đó ngày càng lớn dần, thôi thúc ông “chế tạo” ra chiếc quần jean đầu tiên của cuộc đời. Đó là những năm 70, cậu bé Rosso mới 15 tuổi đã làm thành công chiếc quần jean ống loe dài 42cm. Đó cũng là động lực để sau này, Rosso mua lại 40% cổ phần trong công ty Moltex năm 1978, nơi ông làm việc với số tiền vay mượn từ cha. Công ty này sau đó đã trở thành “huyền thoại” Diesel ngày nay.
Đến năm 1985, Rosso tiếp tục mở rộng “lãnh thổ”, mua lại đối tác kinh doanh – một trong những thương hiệu quần jeans hàng đầu Adriano Goldschmied. Kiểm soát toàn bộ các công ty, Rosso đưa ra ý tưởng chất lượng cao; đặc biệt, những chiếc denim sang trọng cao cấp với điểm nhấn “xước và mòn” đã làm mưa làm gió trong thập niên 80 và 90.
“Denim cho tôi thấy thế nào là một kẻ nổi loạn. Tôi mặc denim mỗi ngày” - ông trùm quần jean bộc bạch.
Năm 1995, Diesel nổi tiếng toàn cầu qua quảng cáo khiêu khích, tập trung vào chủ đề cực nhạy cảm lúc bấy giờ: tình yêu đồng tính. Một bức ảnh của David LaChapelle cho thấy, hai người đàn ông ăn mặc như thủy thủ và đang hôn nhau đắm đuối. Tại thời điểm đó, đây thực sự là một quảng cáo gây “sốc toàn tập”. Năm 2011, trong bài đăng Facebook, tỷ phú quần jean chia sẻ: “16 năm trước, người dân không ngừng phàn nàn về quảng cáo này. Bây giờ, nó cuối cùng đã được chấp nhận về mặt pháp lý”.
Năm 2002, Rosso “lùi lại một bước đển tiến trăm bước”, ông lên kế hoạch “thâu tóm” nhiều công ty con và gộp thành OTB Group, thống nhất tất cả các nhãn hiệu ông tạo ra và mua lại, như thương hiệu thời trang Pháp Maison Margiela năm 2002, thương hiệu Ý Marni năm 2012… Rosso đã xây dựng trụ sở mới vô cùng hoành tráng trong Breganze, Ý, vùng nông thôn phía bắc của Venice.
OTB Group khiến nhiều người choáng ngợp với phòng ăn và phòng tập thể dục đầy đủ cho nhân viên. Đặc biệt, “ông khùng” Rosso sở hữu riêng một ngôi làng phía bắc nước Ý: Bassano del Grappa, khoảng 30 phút lái xe từ Venice. Ngôi làng gồm khoảng 50.000 cư dân, được cung cấp miễn phí Wi-Fi, đặt theo tên công ty mà ông từng “khởi nghiệp”.
Cuộc sống trên cả tuyệt vời của “ông khùng” Rosso
Rosso còn sở hữu một biệt thự từ thế kỷ 18 có tên Ca 'Priuli, được trang trí theo phong cách đặc trưng. Gối chữ lồng với chữ cái đầu với phương châm sặc mùi Rosso: “Hãy thật ngốc nghếch”. Ông ưu ái gọi đó là “ngôi nhà đẹp nhất ở Bassano”.
“Những người ngốc ngếch thấy được họ có thể có được điều gì, không phải cách họ đang có”, Renzo khẳng định thêm, đây chính là mẫu người lý tưởng ông thích hợp tác và “gửi gắm” một phần công ty. Thậm chí, ông đã viết một cuốn sách có tựa đề “Hãy ngốc nghếch: Đối với cuộc sống thành công” để mô tả triết lý của mình, được xuất bản bởi Rizzoli năm 2011.
Tỷ phú Rosso còn là một nhà sưu tập nghệ thuật hội họa, ông đã mua bức tranh của Andy Warhol, Jean-Michel Basquiat và nghệ sĩ người Ý Francesco Bartoli.Ông thường “cho mượn” chúng ngoài bảo tàng.
Kể từ khi nhà ông chuyển đến gần Venice, Rosso dành rất nhiều thời gian ở đó. Năm 2012, ông đã dành tặng 6 triệu đô để sửa chữa cây cầu Rialto lịch sử, một trong bốn cây cầu trên Grand Canal thuộc Venice.
Nhắc đến cuộc sống tỷ phú, không thể thiếu những món đồ đắt đỏ, ông trùm quần jean cũng không ngoại lệ. Một trong những món “đồ chơi” yêu thích Rosso là chiếc DB9 Aston Martin. Ông cẩn thận cân nhắc mua chiếc xe hào nhoáng này trong 7 năm, DB9 Aston Martin được bán lẻ với giá khoảng 200.000 đô.
Ngoài ra, Rosso còn sở hữu 2 “em xe” Cadillac Escalade và Mercedes-Benz S-Class. Chia sẻ về thú “chơi xe” của mình, ông trùm Diesel cho hay: “Tôi thích lái một chiếc xe đơn giản”.
Chiếc DB9 Aston Marin.
Rosso thường xuyên bay “vòng quanh trái đất” trên một máy bay phản lực tư nhân cung cấp bởi công ty riêng, giúp ông tiết kiệm thời gian để hoàn thành công việc.
Điểm đến yêu thích của tỷ phú Rosso là những hòn đảo của Hy Lạp, nơi có ít tay săn ảnh và phiền nhiễu. Khi không làm việc, ông thích trượt tuyết, lướt sóng và lướt ván. Rosso cũng yêu bóng đá và sở hữu đội bóng riêng mang tên Bassano Virtus 55 S.T. Ngoài ra, ngài tỷ phú còn là một tay đua xe đạp cuồng nhiệt và thường xuyên đăng tải thú vui này lên Instagram.
Phục vụ cho nhu cầu gia đình và các nhà hàng vip, Rosso thành lập nhà máy rượu Diesel Farm. Ông cũng tạo ra quỹ từ thiện OTB Foundation, đầu tư 134.748 đô để “chiến đấu chống bất bình đẳng xã hội, góp phần cho sự phát triển bền vững ở vùng kém thuận lợi và người dân trên toàn thế giới”. Khoảng 90% nỗ lực của tổ chức này đang tập trung vào châu Phi, vùng cận Sahara, 10% còn lại tập trung vào nước Ý.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét