Ba bài học lớn đó là: Rõ ràng trong suy nghĩ và giao tiếp, dành nhiều thời gian để đánh giá về con người và sự toàn tâm toàn ý cũng như sự gắn bó lâu dài.
Ông Steve Jobs
Ali Rowghani đã từng dành nhiều năm làm việc và quan sát vị những CEO vĩ đại của Apple, Pixal và Disney. Giờ đây, Rowghani là CEO của Y Combinator Contuity, một mảng chuyên về đầu tư của Y Combinator, vườn ươm và là nhà đầu tư cho startup, đứng sau sự thành công của các công ty tỷ đô như Airbnb, Dropbox và Stripe. Trước khi gia nhập Y Combinator, Rowghani đã giữ nhiều vị trí cấp cao tại Twitter và Pixar.
Trong một bài viết gần đây đăng trên blog của Y Combinator, Rowghani đã phân tích bức chân dung lãnh đạo của bốn CEO ông có thời gian làm việc thân thiết, những nhà lãnh đạo được ông coi là “kiệt xuất”: Steve Jobs (cựu CEO của Apple và Pixar), Ed Catmull (nhà sáng lập Pixar), John Lasseter (Giám đốc sáng tạo của Pixar) và Bob Iger (CEO Disney).
Mặc dù có sự khác nhau về phong cách lãnh đạo, điểm chung của bốn vị lãnh đạo này là khả năng xây dựng lòng tin. “Mỗi người đều rất khác nhau về cách thức, thái độ và phong cách… Thế nhưng, dù có nhiều khác biệt, những vị lãnh đạo này đều xây dựng lòng tin bằng cách thực hiện một cách xuất sắc ba điều dưới đây, dù mỗi người làm theo một cách riêng”.
Rõ ràng trong suy nghĩ và giao tiếp
CEO Walt Disney, Bob Iger
Đặc điểm tính cách đầu tiên của một nhà lãnh đạo vĩ đại được Rowghani nhận ra đó là khả năng suy nghĩ và giao tiếp rất mạch lạc: “Nếu nhân viên cảm thấy bối rối về nhiệm vụ và chiến lược của bạn, hoặc không thể tìm ra động cơ hay lòng tin, họ sẽ không đi theo bạn với sự tập trung và kiên định cần thiết để thành công”.
"Sự rõ ràng trong suy nghĩ sẽ luôn là tiền đề cho sự rõ ràng trong ngôn ngữ. Để cải thiện khả năng giao tiếp, điều tốt nhất bạn nên làm là dành nhiều thời gian nghĩ về thứ bạn tin rằng thực sự quan trọng cho công ty. Một khi bạn đã hiểu thấu điều gì là quan trọng mà mọi người cần hiểu hãy thử tập diễn đạt nó bằng những thuật ngữ thật đơn giản. Sự đơn giản là yếu tố quan trọng sống còn".
“Những vị lãnh đạo vĩ đại dành nhiều giờ để chuẩn bị cho những buổi truyền thông nội bộ. Họ không xuề xòa dù bẩm sinh họ có là một người giỏi giao tiếp đến thế nào”, Rowghani cho biết. Ông dẫn ra một ví dụ về việc CEO Shopify Tobi Lütke và đội của ông đã dành hàng trăm giờ chuẩn bị cho những buổi hội nghị thường niên với nhân viên như thế nào. “Nếu chúng ta giao tiếp tốt tại Hội nghị, cuối cùng chúng ta sẽ có được sự liên kết tuyệt vời”, Lütke chia sẻ.
Đánh giá về con người
Ông Thuan Pham, CTO Uber
Những vị CEO này đều dành rất nhiều thời gian để tuyển và sa thải nhân viên, và những CEO tốt nhất thì cực giỏi chuyện này, theo Rowghani: “Họ có thể nhìn thấy những tiềm năng giấu kín trong con người và phát hiện ra những trường hợp mà tham vọng vượt quá khả năng. Và khi họ mắc sai lầm trong tuyển dụng hoặc thăng cấp, chuyện không thể tránh được, họ dũng cảm để khắc phục tình trạng này nếu nhân viên đó không thể đào tạo để tiến bộ được. Không gì làm tổn hại đến một tổ chức hơn hay tới vị trí của một người lãnh đạo hơn là chọn sai người điều hành hoặc không thể khắc phục sai lầm khi chúng xảy ra”.
Lời khuyên của Rowghani về việc tuyển dụng nhân sự đó là: “Dành nhiều thời gian nhất có thể để hiểu những lãnh đạo cấp cao mà bạn dự định tuyển”. Ông trích dẫn một bài phỏng vấn năm 2016 với Giám đốc công nghệ Uber Thuan Pham, người đã mô tả cuộc phỏng vấn với CEO Travis Kalanick là “30 giờ liên tục, một đối một, trong vòng nhiều tuần” bao gồm cả những cuộc trò chuyện qua Skype khi Travis đang di chuyển.
Điều này cũng sẽ giúp bạn có được một kiểm tra mang tính tham khảo sâu rộng hơn khi tuyển dụng và hãy yêu cầu ứng viên nêu ra những ví dụ về sự đánh giá và sự toàn tâm toàn ý bởi những điều này sẽ khó có thể kiểm tra được trong một buổi phỏng vấn. Đồng thời, hãy cố gắng rút ra bài học từ những trường hợp khi bạn đã tuyển mộ hoặc thăng cấp nhầm người và không thể đào tạo để cải thiện họ.
Sự toàn tâm toàn ý và gắn bó lâu dài
Ông Ali Rowghani, tác giả bài viết
Đối với Rowghani, tố chất thứ ba của một nhà lãnh đạo tuyệt vời, một người biết gây dựng lòng tin đó là sự toàn tâm toàn ý và gắn bó lâu dài. “Sự toàn tâm toàn ý có nghĩa là đứng về phía một điều gì đó có ý nghĩa hơn cả bản thân chứ không đơn thuần là có được động lực nhờ những sở thích cá nhân hẹp hòi. Điều đó có nghĩa là có khả năng thừa nhận khi mắc sai lầm hơn là hành động như thể mình luôn luôn đúng và khiêm nhường để nhận những chỉ trích một cách cởi mở và tìm cách cải thiện. Điều đó có nghĩa là tránh hành động như một kẻ thiên vị, xung đột lợi ích, sử dụng lời nói không thích hợp, có những mối quan hệ công việc không phù hợp… vì nó sẽ làm xói mòn lòng tin”.
Những nhà lãnh đạo tài năng còn biến công việc trở thành nhiệm vụ cốt lõi của cuộc đời họ theo cái cách mà họ có thể truyền cảm hứng cho những người khác. Họ vận dụng khả năng nằm sâu bên trong các cá nhân, cái tài của những người lãnh đạo để hoàn thành nhiệm vụ. Sự toàn tâm toàn ý của họ tạo nên năng suất lao động và hoàn thành nhiệm vụ ở mức cao, và sau đó những điều này trở thành nền tảng để thúc đẩy cả tổ chức cùng thành công.
Rowghani tổng kết ba bài học lãnh đạo trong một lời khuyên: “Khi gặp khó khăn, khi bạn đánh giá một quá trình hành động với một quá trình khác, hãy hỏi bản thân cách nào sẽ tạo thêm nhiều lòng tin ở bạn với tư cách một con người và với tư cách một người lãnh đạo. Luôn chọn con đường đó”.
Bạn có thể đọc toàn bộ bài phân tích của Rowghani trên blog của Y Combinator.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét