Dru Riess và Ray Salinas đã vực dậy một xưởng in bên bờ phá sản và biến nó trở thành một doanh nghiệp trị giá 25 triệu USD.
Sau khi tốt nghiệp đại học Cincinnati (Mỹ) vào năm 2005, Dru Riess làm bồi bàn trong một nhà hàng. Nhưng anh vẫn nung nấu khát khao mở công ty của riêng mình. Vào năm 2007, khi người bạn thân Ray Salinas chuyển đến Texas để sống gần bạn gái, Riess cũng chuyển theo. Và anh phát hiện thấy, cha dượng của bạn gái Salinas có một xưởng in sắp phá sản.
“Xưởng in đó giống như một khu ổ chuột theo đúng nghĩa đen. Nó trông thật là gớm. Rắn, chuột bò lổm ngổm khắp nơi”, Riess nhớ lại.
Nếu nhìn vào chiếc máy in cũ ở đó, người ngoài sẽ chỉ thấy một đống phế liệu. Nhưng Riess thì khác, anh nhìn ra cơ hội. Chiếc máy in trông không có giá trị gì, nhưng Riess tìm một số thông tin trên Google và nhận ra nó vẫn có tiềm năng. Tại thời điểm đó, doanh số của ngành in bao bì ở Mỹ là gần 30 tỷ USD.
Riess, khi ấy mới 24 tuổi, quyết tâm gây dựng lại xưởng in này. Anh gần như sống luôn tại xưởng in, gọi điện cho các khách hàng cũ và vay hết hạn mức có thể trong thẻ tín dụng. “Công ty gần như đã chết. Tôi chính là ngọn lửa thắp nó sáng trở lại”, anh nói. Cuối cùng, Riess cũng tìm được khách hàng đầu tiên, tập đoàn y tế Abbott Laboratories.
Để học về ngành in nhanh nhất có thể, Riess đến Trung Quốc và giả làm khách hàng. “Tôi đến đó học lỏm mọi thứ và biết được mình cần làm những gì”, anh nói. “Tôi học được bí quyết của nghề in. Tôi học được cách vận hành nhà máy. Tôi học được cấu trúc film, loại nhựa cần sử dụng và cách chế tạo ra chúng”.
Riess biết được, các công ty Trung Quốc cần từ 8 đến 9 tuần để giao thành phẩm tới Mỹ. Nhưng vì xưởng in hoạt động ở Texas nên anh có thể giao hàng trong 2 tuần.
Vào tháng 5/2008, Riess mời Ray Salinas cùng điều hành công ty với anh. Khi đó Salinas 25 tuổi. Họ bổ trợ cho nhau rất tốt. “Tôi thì giỏi giao tiếp. Còn Ray thì giỏi nghiên cứu. Vì thế bất cứ khi nào chúng tôi gặp khó khăn, một trong hai chúng tôi có thể nghĩ ra cách giải quyết”, Riess nói.
Để tìm khách hàng, Riess và Salinas đã thực hiện một chuyến đi dài 3.500 dặm trong 5 ngày, trên một chiếc xe đi thuê vào năm 2008. “Chúng tôi phải ngủ trên sàn nhà bạn vì không có tiền thuê trọ”, Reiss nói.
Họ chào hàng với mọi giám đốc mua hàng và chủ doanh nghiệp có thể tìm gặp được. Cách quảng cáo của họ cũng rất thẳng thắn: “Chúng tôi là như thế đó, làm ơn hãy cho chúng tôi một cơ hội”, Salinas nhớ lại.
Cơ hội đến và họ không để nó tuột mất. “Công ty in đang hấp hối này bỗng dưng hồi sinh. Nó đang hoạt động tốt và có lãi”, Salinas nói. Công ty tăng trưởng rất nhanh. “Chúng tôi đi từ 1 triệu lên 1,2 triệu, 2,2 triệu, 3,7 triệu, 5,7 triệu, 8,1 triệu rồi 12,1 triệu USD … Dường như công ty đang liên tục tăng trưởng gấp đôi”, Riess nói.
Vào năm 2011, Riess và Salinas mua lại công ty từ người chủ cũ. Họ đổi tên công ty thành Popular Ink và chuyển sang một khu đất mới rộng 6.500 m2, với số máy in được tăng lên 9. Đến năm 2016, Popular Ink đã đạt được doanh số 25 triệu USD. Trong 4 năm tới, họ kỳ vọng thu về 100 triệu USD mỗi năm. Hiện nay, công ty có 51 nhân viên toàn thời gian.
“Nếu bạn có niềm tin vào bản thân, bạn sẽ có cơ hội trở thành triệu phú”, Riess kết luận.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét