Với giá bán tính ra tiền Việt khoảng 100 nghìn 1 chiếc bánh mì, trung bình mỗi ngày quán Xin chào bán được tư 100 – 200 suất bánh mì chưa kể đồ uống.
Bùi Thanh Duy (1991) và Bùi Thành Tâm (1986) là 2 du học sinh trên đất Nhật. Sau hơn 10 năm học tập và làm việc, do nhận thấy thành công rực rỡ của loại bánh mì doner kebab Thổ Nhĩ Kỳ, 2 anh em đã nảy ra ý định tại sao không thử đưa món bánh mì Việt Nam giới thiệu với người Nhật, bán trên đất Nhật?
Từ ý tưởng đó, họ đã cùng nhau khởi nghiệp với quán bánh mì "Xin chào" vào khoảng 5 tháng trước trong sự ngạc nhiên xen lẫn hào hứng của người dân cũng như báo chí địa phương.
Nguồn vốn ban đầu khởi nghiệp của 2 anh em xuất phát từ tiền vay gia đình và đóng góp từ cộng đồng người Việt tại Nhật Bản. Ngoài những khó khăn về vốn, hoàn thiện thủ tục pháp lý, việc vượt qua các đợt kiểm tra và có được chứng nhận của Hiệp hội An toàn vệ sinh thực phẩm Nhật Bản cũng là một thách thức.
Theo chia sẻ của Duy, 2 anh em đã phải mất nửa năm để tìm mặt bằng cho quán. Ngoài khó khăn của một người nước ngoài khởi nghiệp nơi đất khách quê người, với đặc thù loại sản phẩm được bán là bánh mì chủ yếu là khách hàng mang đi, 2 anh em buộc phải tìm được một vị trí vừa phải là ở tầng trệt và ngay mặt phố đông người qua lại. Cuối cùng, 2 anh em đã quyết định chọn con phố đông đúc, sầm uất Waseda Dori ở khu Takadanobaba ngay trung tâm thủ đô Tokyo để mở quán Xin chào.
Điều đáng nói là trên tuyến phố này vốn đã có rất nhiều thương hiệu đồ ăn nhanh nổi tiếng có tiềm năng là đối thủ cạnh tranh đối với quán bánh mì của Việt Nam. Tuy nhiên, 2 anh em vẫn quyết định “liều” khởi nghiệp và bước đầu cho thấy họ đã thành công.
Với giá bán tính ra tiền Việt khoảng 100 nghìn 1 chiếc bánh mì, trung bình mỗi ngày quán Xin chào bán được tư 100 – 200 suất bánh mì chưa kể đồ uống.
Anh Aisue – một khách hàng của quán chia sẻ: “Ngay từ ngày đầu tiên chuyển nhà tới khu này, tôi đã được mời vào quán Xin chào ăn bánh mì. Kể từ một lần ăn sáng đó, tôi đã thấy thật sự rất ngon và từ đó thì ăn suốt”.
Đáng tự hào hơn nữa là ở một đất nước có tư tưởng "sợ khởi nghiệp" như Nhật Bản, câu chuyện vượt khó, không sợ rủi ro startup của 2 anh em Duy và Tâm khiến người Nhật thực sự nể phục. Nhiều tờ báo lớn của Nhật Bản đã đăng tải câu chuyện khởi nghiệp của 2 chàng trai Việt như một tấm gương cho giới trẻ Nhật Bản noi theo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét