"Ít nhất anh phải có gì thì người ta mới bóc lột được chứ. Người anh trần như nhộng, bóc hết, lột hết quần áo ra rồi, lấy cái gì ra mà lột nữa".
Nhiều người tin rằng, khi sếp vỗ vai và nói: "Cứ đam mê làm việc đi, rồi tiền bạc, danh vọng sẽ tự đến", thực chất chỉ là một chiêu bóc lột sức lao động!
Rằng "làm vì đam mê" chỉ là một công cụ được ngụy trang cho việc bóc lột sức lao động của các doanh nghiệp, là cái cớ để trả lương thấp cho nhân viên, bắt họ làm thêm giờ không lương và thậm chí là vắt kiệt cho tới giọt mồ hôi cuối cùng.
Tuy nhiên, theo quan điểm của anh H. - một founder điều hành startup hoạt động trong lĩnh vực phần mềm, nếu đặt trong bối cảnh là các công ty khởi nghiệp tại Việt Nam, nơi mà người trẻ tuổi chiếm tới 90% thì cái vỗ vai nói trên hoàn toàn có lý.
Anh H. cho rằng, mọi quan điểm đều có 2 mặt, "bị bóc lột hay không bị bóc lột" đều có điểm được và mất. "Riêng với người trẻ, dù muốn hay không, bạn cần phải cống hiến cái đã. Tất nhiên, cống hiến cũng cần tỉnh táo, đừng để người ta lợi dụng mình", founder này nhận định.
Theo vị founder này, dù làm bất kì công việc gì, người trẻ cần biết mình đánh đổi thì mình sẽ được cái gì? Mục đích của việc cống hiến đấy? Ví dụ, khi sếp bảo em cần phải làm việc chăm chỉ hơn, cái dễ thấy là các bạn trẻ sẽ có thêm kinh nghiệm, kiến thức và tiền.
Làm một thời gian có kinh nghiệm ròi, mà vẫn chưa thấy "tiền", hãy quay sang hỏi sếp!
"Chẳng có thứ gì là "tự đến" ở đây. Lạc quan là tốt, nghe lời sếp cũng tốt. Nhưng quan trọng, các bạn trẻ phải tự đặt ra được mục tiêu cho mình. Nếu không làm được, hãy hỏi ngay sếp, bởi họ chính là người bóc lột bạn đấy", anh H. chia sẻ.
Nhiều bạn trẻ luôn than vãn mình bị bóc lột, bị đè nén, bị dùng chiêu "mật ngọt chết ruồi", khơi gợi sự đam mê, nhưng tới khi có được quyền đòi hỏi thì như ngậm hột thị.
Cuối mỗi buổi họp, anh H. luôn hỏi các nhân viên: "Các bạn có yêu cầu gì thêm không, có ý kiến gì cứ nêu ra". Nhưng thực tế, không ai lên tiếng, hoặc không dám lên tiếng.
Anh cho rằng, đây có thể là sự thiếu chuyên nghiệp của các bạn trẻ Việt Nam nói chung. Sự thiếu chuyên nghiệp này không nằm ở kiến thức, ở trình độ, mà chính là kỹ năng mềm.
Và một khi các bạn trẻ còn thiếu chuyên nghiệp, chắc chắn sẽ còn phải học nữa, học mãi, và quyền lợi tất nhiên sẽ không đến ngay.
"Nếu chưa định hướng được cho bản thân, chưa có ý thức để chuyên nghiệp hơn, các bạn trẻ tự coi mình là bị bóc lột cũng đúng. Nói theo ngôn ngữ của các bạn trẻ, tốt nhất là hãy cứ đam mê để bị bóc lột đi, vì ít nhất bản thân bạn vẫn có giá trị để bị người ta bóc lột".
Còn một khi bạn đã chuyên nghiệp rồi, hãy sòng phẳng với sếp, anh em mình cùng xây dựng một lộ trình, em sẽ cống hiến 200% sức lực trong năm nay, em sẽ mang lại hiệu quả cho nhóm, cho công ty.
Đừng bao giờ tỏ ra ngại ngùng, càng ngại, càng bị bóc lột, vì người ta sẽ cho rằng, mình là kẻ chẳng biết gì. Hãy can đảm xin sếp một lộ trình thăng tiến và phát triển cá nhân.
Còn người trẻ mới đi làm đã lo bị vắt kiệt sức thì chẳng khác nào "tướng chưa ra trận đã đại bại". Vị founder này lấy ra một ví dụ:
"Tôi phỏng vấn một ứng viên, thấy bạn rất nhiệt huyết nhưng không có kinh nghiệm, tôi sẽ offer bạn vào vị trí học việc. Lúc này tôi sẽ nói rõ luôn, vị trí này của em không có lương, em có làm không? Nếu em làm thì phải cam kết học ít nhất trong 6 tháng.
Nghe tới đây, nhiều người sẽ cho rằng mình đang bị bóc lột. Nhưng không, tôi sẽ nói luôn, sau 6 tháng em làm tốt, tôi nhận vào chính thức, trả em ít nhất 10 triệu/tháng. Đảm bảo sau 6 tháng này, em không làm ở đây thì nơi khác cũng nhận em về".
Như vậy, nếu bạn ứng viên đó thấy mục tiêu là phù hợp với mình, thì có thể tham gia. Và một khi đã tham gia thì phải chuyên nghiệp, phải chịu khó học hỏi để làm được việc.
Bằng không, dù đi đâu, dù làm gì, cũng chẳng công ty nào dám nhận các bạn trẻ thiếu chuyên nghiệp, thiếu trách nhiệm.
"Ít nhất anh phải có gì thì người ta mới bóc lột được chứ. Người anh trần như nhộng, bóc hết, lột hết quần áo ra rồi, lấy cái gì ra mà lột nữa".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét