Câu chuyện và những bài học xoay quanh cuộc đời của tỷ phú Carlos Slim Helú luôn khiến mọi người nể phục. Ông cho rằng, sự nhanh nhạy, rèn luyện trực giác, tiết kiệm và trân trọng gia đình... là những yếu tố tạo nên thành công ngày hôm nay.
Carlos Slim Helú sinh năm 1940 và lớn lên trong khu phố của những người nước ngoài tại thành phố Mexico. Cha qua đời khi ông mới chỉ 13 tuổi vì thế Carlos phải làm việc rất chăm chỉ, vất vả để có đủ tiền đi học.
Ngay từ nhỏ, cậu bé Carlos Slim đã bộc lộ những tố chất của một thương nhân tài ba để sau này, trở thành một trong những giàu nhất thế giới. Giờ đây, ông chia sẻ bảy điều quan trọng giúp bản thân có được thành công ấy.
Rèn luyện trực giác
Carlos Slim luôn nhận ra khi nào nên đầu tư và khi nào nên từ bỏ. Ông trở thành tỷ phú nhờ việc mua vào các khoản đầu tư giá thấp để rồi sau đó, chúng trở thành những khoản vô cùng có giá trị.
Tại đất nước mình, ông vẫn vô cùng tự tin sẽ duy trì vị thế mặc cho nhiều doanh nghiệp mải miết chạy theo nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Khi nền kinh tế phục hồi, tài lực của Slim càng lớn hơn và nhanh chóng được đẩy mạnh.
Một lần nữa trong năm 2008, Slim khiến cả thế giới kinh ngạc khi thu về 6,4% cổ phần của tờ Thời báo New York. Năm 2009, khi sự suy thoái kinh tế toàn cầu trở nên tồi tệ hơn, chính ông đã giúp Thời báo New York ổn định tài chính với khoản vay 250 triệu đô la cùng lãi suất 14% trước thời hạn.
Học hỏi nhanh nhạy
Cha của ông, Julian Slim, đã dạy con mình cách để quản lý tài chính. Julian Slim khuyến khích các con ghi chép lại chi tiêu hàng ngày từ khi còn nhỏ. Ở tuổi 12, cậu bé Carlos Slim tiếp thu nhanh chóng và đã mua những cổ phiếu đầu tiên của mình tại ngân hàng Mexico.
Sau này, Slim cũng đã dạy lại cho các con mình chính xác những gì ông được học, rèn cho chúng sự nhanh nhạy và tính tự giác. Ba người con trai của ông sau đó lần lượt nắm giữ những vị trí chủ chốt trong tập đoàn Grupo Carso của ông.
Tiết kiệm
W. Clement Stone từng nói: “Nếu bạn không thể tiết kiệm tiền, những hạt giống của sự vĩ đại không nằm trong con người bạn”. Đây chính là câu nói yêu thích của Carlos Slim.
Ở giai đoạn đầu của sự nghiệp, gia đình ông sống hết sức khiêm tốn. Ông đã tái đầu tư thu nhập từ kinh doanh của chính mình và phát triển từ việc mua lại thay vì lập tức đầu tư vào những thứ viển vông xa vời. Ông cho rằng đây chính là cách đã giúp ông có được thành công và được mọi người nể phục.
Trân trọng gia đình
Tên tập đoàn Grupo Carso của ông được hình thành từ sự kết hợp các chữ cái viết tắt tên người vợ quá cố. Ông rất yêu thương gia đình và luôn cố gắng dành thời gian cho họ. Với vị tỷ phú, những người thân yêu chính là nguồn động lực để giúp ông đi lên từ thất bại. Ông và gia đình luôn duy trì thói quen ăn tối cùng nhau vào mỗi tối thứ hai hàng tuần.
Sáng tạo
Khi công ty của Slim thu mua Telmex - tập đoàn viễn thông lớn nhất châu Mỹ Latinh vào năm 1990, Slim đã có một ý tưởng cho việc xây dựng cơ sở khách hàng đối với dịch vụ điện thoại di động trong nền kinh tế đang gặp khó khăn ở Mexico.
Ông bán điện thoại di động cùng dịch vụ trả trước thay vì gửi cho họ những hóa đơn dài dằng dặc mỗi tháng, đồng thời cho phép người tiêu dùng mua thẻ điện thoại thanh toán cho nhu cầu sử dụng của họ.
Đây là ý tưởng được thông qua bởi các quốc gia trên toàn thế giới lúc bấy giờ. Công ty của ông đến nay vẫn duy trì là một trong những công ty cung cấp dịch vụ mạng không dây lớn nhất ở Mỹ Latinh.
Đa dạng hóa
Carlos Slim đã đầu tư vào rất nhiều lĩnh vực, công ty thiết bị xây dựng, khai mỏ, thuốc lá, các cửa hàng tiện lợi và viễn thông. Những công ty đã thực sự giúp ông trở nên giàu có và nổi tiếng. Điều này nhấn mạnh, chúng ta không nên tập trung tất cả nguồn lực và đầu tư vào một khía cạnh nào đó.
Từ thiện
Slim là một người hào phóng. Ông từng tài trợ cho rất nhiều tổ chức từ thiện. Bản thân ông cũng có một quỹ từ thiện cá nhân, tập trung vào việc phát triển nguồn nhân lực của Mexico thông qua giáo dục và các chương trình đào tạo. Bên cạnh những nỗ lực trong việc cải thiện sức khỏe, cung cấp dinh dưỡng và giảm thiểu các thiên tai, ông cũng cung cấp nhiều học bổng bậc đại học cho hàng trăm ngàn sinh viên.
Ông từng nói: "Tài sản giống như một vườn cây vậy, cái bạn chia sẻ là quả của nó chứ không phải những cái cây. Sự đói nghèo không thể bị đẩy lùi nhờ quyên góp, ủng hộ, cái chúng ta cần để đối phó với nó là sức khỏe, giáo dục và việc làm. Vì thế, thay vì làm một Santa Claus phân phát quà khắp nơi, hãy tập trung vào công việc kinh doanh của chính mình".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét