Đây là giờ phút để họ chứng minh cho câu nói “không ai giàu 3 họ, không ai khó 3 đời” liệu đúng hay sai! Tất cả phụ thuộc vào vị thái tử 47 tuổi, người thừa kế thứ 3 của gia tộc.
Gần 8 thập kỷ trước, không có nhiều dấu hiệu cho thấy một cửa hàng bán buôn hoa quả ở tỉnh Daegu – một thành phố công nghiệp miền Đông Nam Hàn Quốc một ngày nào đó có thể trở thành đế chế kinh doanh toàn cầu với hoạt động rộng khắp từ điện tử, xây dựng, bảo hiểm, thuốc...
Lee Byung-chull đã tạo dựng nên Samsung Commercial – tiền thân của Samsung C&T ngày nay vào năm 1938 khi mới 28 tuổi. Công ty khởi nghiệp bằng hoạt động xuất khẩu hoa quả và cá khô tới Manchuria, Trung Quốc.
Sau chiến tranh, ông Lee đã mở rộng sang mảng sản xuất đường, ra mắt CheilJedang vào năm 1953 sử dụng máy móc được nhập khẩu từ công ty Nhật Bản là Tanaka. Công ty của ông sau này được đặt lại tên là CJ CheilJedang sau khi tách khỏi Samsung vào những năm 1990.
Gia phả gia tộc sáng lập Samsung
Trong tiểu sử của gia tộc, nhà sáng lập Lee được nhắc tới là một doanh nhân rất thận trọng. “Lee kiểm tra mọi thứ trước khi làm bất cứ điều gì. Ông ấy sẽ chỉ tiến hành việc gì đó khi đã thấy những người khác làm và an toàn”, theo Chung Kyu – woong, một phóng viên đã nghỉ hưu – cũng là tác giả cuốn “Những sự thật khó tin về gia tộc Samsung”.
Bước ngoặt của tập đoàn Samsung đến vào đầu những năm 1960 khi tướng quân Park Chung-hee nắm giữ quyền lực quân đội trong tay. Vị tướng trẻ lúc đó cần tiền để duy trì quyền lực và Samsung được chọn lựa là công ty nhận những khoản ưu đãi đặc biệt từ chính quyền. Chính điểm này đã khởi đầu mối quan hệ lâu dài giữa Samsung và giới chính trị cấp cao của Hàn Quốc.
Tuy vậy, mối quan hệ đó không phải lúc nào cũng “cơm lành, canh ngọt”. Trong tiểu sử của mình, ông Lee viết rằng ông bắt đầu trở nên khó chịu vì sự kìm kẹp của những quyền lực này và thậm chí có ý định trở thành chính trị gia để thoát khỏi sự kiểm soát đó.
Cuối cùng, ông đã không thể dấn thân vào con đường chính trị. Thay vào đó, ông khai phá ngành công nghiệp truyền thông, tạo dựng mạng lưới truyền hình TBC và tờ báo Joong Ang Ilbo.
Vì tin rằng điện tử sẽ là cỗ máy tăng trưởng chủ đạo tiếp theo của tập đoàn, nhà sáng lập Lee đã tạo dựng nên Samsung Electronics vào năm 1969. Hiện nay, đây đúng là mảng kinh doanh giữ ngôi vương của tập đoàn Samsung.
Công ty khởi đầu với việc sản xuất tivi đen trắng giá rẻ cho thị trường Mỹ và Canada. Tuy nhiên, quyết định giúp họ tiến ra sân chơi toàn cầu là khi tập trung vào sản xuất chất bán dẫn vào những năm 1980.
Đây cũng chính là mảng kinh doanh mà người con trai thứ 3 của nhà sáng lập Samsung Lee Kun-hee tạo lập được danh tiếng cho mình và giúp ông tiếp quản ngôi vương. Ông Lee Kun-hee khi ấy đã khăng khăng công ty phải mua được Korea Semiconductor vào năm 1977, ông đã dự đoán chính xác được rằng nhu cầu với mảng chất bán dẫn sẽ sớm tăng mạnh. Và Lee Kun-hee đã đúng.
Sau cái chết của cha vào năm 1987, Lee Kun-hee đã nắm quyền kiểm soát đế chế kinh doanh của gia đình. Hiện tại, quá trình chuyển giao quyền lực cho thế hệ thứ 3 đang diễn ra.
Tháng 5/2014, chủ tịch Lee Kun-hee đột ngột nhập viện vì đau tim, khiến người cháu trai duy nhất của nhà sáng lập buộc phải cáng đáng, điều hành đế chế kinh doanh lớn nhất xứ sở Kim chi.
Lee Jae-yong tốt nghiệp Harvard, hiện nắm cương vị Phó chủ tịch Samsung Electronics đã cố gắng lãnh đạo tập đoàn tập trung vào 3 lĩnh vực chủ đạo gồm: Điện tử, tài chính và dược sinh học.
Tuy nhiên, cuộc chuyển ngôi lần này có vẻ không diễn ra "xuôi chèo mát mái". Chính phủ luôn giúp đỡ đế chế kinh doanh của gia tộc Samsung phát triển nhưng hiện tại nó đang gây ra những mối đe dọa cho tương lai của tập đoàn.
Ngày 17/2, Tòa án quận Trung tâm Seoul cho biết Phó Chủ tịch Tập đoàn Samsung Lee Jae-yong đã chính thức bị bắt giữ nhằm phục vụ công tác điều tra vụ bê bối chính trị liên quan tới Tổng thống đang bị luận tội Park Geun-hye.
Ông Lee Jae-yong trước đó đã bị giữ tại một trung tâm tạm giam sau khi xuất hiện tại tòa ngày 16/2 để nghe phán quyết của các thẩm phán về việc bắt giữ mình.
Chưa kể tới những "vận đen" đến từ bê bối chính trị, hoạt động kinh doanh của Samsung cũng đang phải đối mặt với nhiều sóng gió.
Sự cố cháy nổ Note 7 vào năm ngoái đã không chỉ gây thiệt hại hàng tỷ đô cho Samsung mà còn khiến danh tiếng của tập đoàn này bị hủy hoại nghiêm trọng.
Có thể nói, lúc này Samsung đang phải đối mặt với một trong những thời khắc quan trọng nhất trong lịch sử 80 năm của tập đoàn, đây là giờ phút để họ chứng minh cho câu nói “không ai giàu 3 họ, không ai khó 3 đời” liệu đúng hay sai! Tất cả phụ thuộc vào vị thái tử 47 tuổi, người thừa kế thứ 3 của gia tộc.
Trước những biến cố quá lớn, nhiều người tỏ ra lo ngại cho số phận của Samsung. Tuy nhiên cũng có không ít chuyên gia lại bày tỏ lạc quan.
“Cuộc khủng hoảng này có thể giúp Samsung tái thiết lại quản trị công ty và loại bỏ những yêu tố tiêu cực. Nếu vượt qua được, tôi chắc chắn rằng điều này có thể nâng cao giá trị của họ”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét