Đại diện của các hãng taxi truyền thống tỏ ra bức xúc khi phải gánh chịu nhiều loại thuế khiến họ cảm thấy “thiệt thòi” hơn so với chính sách đang áp dụng cho Uber, Grab.
Mới đây, ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Tp.HCM thừa nhận chính sự phát triển của Uber, Grab đã và đang thu hẹp thị phần của taxi truyền thống một cách nhanh chóng, đẩy taxi truyền thống vào thế thua ngay trên sân nhà, do giảm lượng khách, giảm lái xe, giảm doanh thu.
Không những thế, đại diện của các hãng taxi truyền thống còn tỏ ra bức xúc khi phải gánh chịu nhiều loại thuế khiến họ cảm thấy “thiệt thòi” hơn so với chính sách đang áp dụng cho Uber, Grab.
Uber BV - doanh nghiệp cung cấp nền tảng hoạt động của dịch vụ Uber tại Việt Nam là doanh nghiệp có trụ ở Hà Lan nên thay vì tính thuế như các doanh nghiệp trong nước, Uber BV sẽ chịu thuế nhà thầu đối với phần doanh thu phát sinh tại Việt Nam. Theo biểu thuế nhà thầu hiện tại, Uber có nghĩa vụ nộp thuế nhà thầu bao gồm thuế giá trị gia tăng (VAT) 3% và thuế thu nhập doanh nghiệp 2% trên phần doanh thu được nhận.
Bên cạnh đó, Uber cũng đứng ra nộp hộ tài xế thuế giá trị gia tăng 3% và thuế nhu nhập cá nhân 1,5% trên phần doanh thu tài xế được chia.
Với tỷ lệ chia doanh thu giữa Uber và tài xế là 20/80, Uber sẽ nộp ngân sách khoảng 4.600 đồng trên mỗi 100.000 đồng doanh thu phát sinh, tương ứng thuế suất thực tế là 4,6%.
Còn Vinasun cũng như hầu hết các doanh nghiệp khác, chịu mức thuế VAT 10% trên doanh thu và thuế thu nhập doanh nghiệp 20% trên phần lợi nhuận chịu thuế.
Tất nhiên, số thuế VAT phải nộp không phải được tính thẳng trên 10% doanh thu mà được xác định trên cơ sở khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào – đầu ra.
Để dễ hình dung, chúng ta có thể phân tích số thuế mà Vinasun – doanh nghiệp lớn nhất và kinh doanh có hiệu quả nhất trong lĩnh vực kinh doanh taxi.
Theo báo cáo tài chính, năm 2016, công ty mẹ Vinasun (không bao gồm Vinasun Green – công ty con kinh doanh taxi tại Đà Nẵng) phát sinh số thuế VAT phải nộp là 243 tỷ đồng, chiếm 5,5% tổng doanh thu từ hoạt động kinh doanh và thanh lý xe.
Năm 2015, tỷ lệ này của Vinasun cao hơn một chút, ở mức 5,6%; còn tại Mai Linh Miền Trung – một công ty con của Mai Linh Group – tỷ lệ này là 6,3%.
Tính thêm 80 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp, tổng số thuế VAT và thu nhập doanh nghiệp phát sinh trong năm là 323 tỷ đồng, tương đương 7,3% doanh thu.
Tỷ lệ này cao hơn hẳn mức thuế suất thực tế 4,6% - đã bao gồm cả phần nộp hộ tài xế - đang áp dụng cho Uber. Vì thế, việc Vinasun hay các doanh nghiệp taxi truyền thống khác cảm thấy “thiệt thòi” so với Uber cũng không phải không có cơ sở.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét