Cục Quản lý lao động ngoài nước được Bộ LĐTBXH giao xây dựng đề án “Đưa lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài, giai đoạn 2017-2020, định hướng đến 2025” để trình Chính phủ. Trong khi đó, dư luận quan tâm, liệu đề án có giúp giải quyết việc làm cho số lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đang thất nghiệp?
Về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Viết Hương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước. Ông Phạm Viết Hương cho biết:
- Việc đào tạo và nâng cao chất lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài là chủ trương đã có từ lâu. Các cơ quan hữu quan cũng thực hiện nhiều biện pháp đối với người lao động, doanh nghiệp thông qua các chính sách, đề án cụ thể như đẩy mạnh XKLĐ các huyện nghèo, đề án hỗ trợ việc làm trong chương trình mục tiêu quốc gia việc làm… Tại Nhật Bản hiện có khoảng 10.000 lao động có trình độ của Việt Nam đã sang làm việc. Tại Hàn Quốc cũng có nhiều kỹ sư trong các ngành nghề sang làm việc. Gần đây nhóm y tá, điều dưỡng cũng tăng về số lượng đi làm việc tại nước ngoài.
Thưa ông, “lao động có chuyên môn kỹ thuật” được hiểu cụ thể như thế nào?
- Chúng ta không có quy định “cứng” mà phải hiểu trình độ chuyên môn qua hai yếu tố: Ví dụ anh/chị chỉ tốt nghiệp trung cấp ngành điều dưỡng cũng được công nhận có chuyên môn; người tốt nghiệp cao đẳng, đại học… ngành nào đó cũng là có chuyên môn.
Một yếu tố thuận lợi là hiện nay Bộ LĐTBXH đã quản lý cả giáo dục nghề nghiệp, do đó chúng ta có thể đào tạo từ nhu cầu thực tế của các nước. Các nhà trường có thể định hướng cho sinh viên để họ học những ngành mà thị trường cần chứ không đơn thuần dạy cái ta có. Tuy nhiên, chúng ta cũng đừng quá kỳ vọng đề án này sẽ giải quyết hàng trăm nghìn cử nhân, thạc sĩ đang thất nghiệp.
Các chế độ, ưu đãi dành cho lao động có tay nghề sẽ được tính toán như thế nào trong đề án, khi với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, các loại chứng chỉ bằng cấp của ta chưa thực sự được coi trọng, thưa ông?
- Mục tiêu của ta trong đề án này ngoài giải quyết việc làm còn là nâng cao thu nhập, do đó, đây chắc chắn là yếu tố sẽ được tính đến. XKLĐ những nhân lực có tay nghề đương nhiên thu nhập phải cao hơn.
Xin ông cho biết các thị trường trọng điểm của đề án này là những thị trường nào?
- Nhật Bản là số 1 với nhu cầu cao về kỹ sư kỹ thuật. Năm qua Nhật Bản cũng thông qua Luật Thực tập sinh nước ngoài mới, đặc biệt tạo cơ hội cho ngành hộ lý, chăm sóc người già. Chúng ta sẽ hướng dẫn các nhà trường, DN chú trọng đào tạo nhóm này.
Hàn Quốc có nhu cầu lớn lao động trình độ cao nhưng yêu cầu rất cao nên khi làm chính sách ta phải ưu ái cho sinh viên theo học, nhà trường, DN tham gia đào tạo.
Các thị trường chúng ta quan tâm thời gian tới có cả Slovakia và Cộng hoà Czech. Với nhiều lao động, những thị trường này khá mới mẻ, ông có thể thông tin thêm?
- Mấy chục năm trước, đây là những nước có nhiều lao động Việt Nam tới học tập, làm việc. Những năm 2008 - 2009 cũng có lao động sang làm việc nhưng sau khi Czech gia nhập EU thì các yêu cầu, tiêu chuẩn với lao động cao hơn, chúng ta bị đình trệ thị trường này. Tuy nhiên, trong các cuộc tiếp xúc và đàm phán gần đây, phía Czech rất thiện chí và đề nghị chúng ta tiếp tục cung ứng nhân lực trình độ cao cho nước bạn. Vướng nhất ở thị trường này là làm visa khá khó khăn.
Thị trường Slovakia hiện có DN phía Việt Nam đã đăng ký đưa lao động đi, mở ra cơ hội lớn.
Thưa ông, những năm gần đây công tác XKLĐ đạt nhiều thành tựu đáng khích lệ, số người đi làm việc ở nước ngoài thực tế luôn cao hơn con số mục tiêu. Tuy nhiên, khi triển khai đề án quy mô này, sẽ tạo áp lực cho cục?
- Chúng tôi xác định đẩy mạnh về số lượng phải đi đôi với nâng cao chất lượng. Vấn đề quyền lợi cho NLĐ phải tốt hơn. Việc xây dựng đề án là để chúng ta có định hướng, giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng lao động đi làm việc tại nước ngoài. Chúng tôi không cho là áp lực, đây là nhiệm vụ.
Xin ông cho biết khi nào thì đề án này hoàn thiện và đi vào đời sống?
- Bộ LĐTBXH giao cục triển khai và đưa vào kế hoạch 2017, tuy nhiên cục sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan để hoàn thiện càng sớm càng tốt. Tôi nhấn mạnh kể cả khi chưa có đề án mà NLĐ có nguyện vọng đi làm việc ở nước ngoài vẫn phải trang bị kỹ năng cần thiết về chuyên môn, ngoại ngữ chuyên ngành... để phát huy năng lực và tìm được công việc tốt, thu nhập cao.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét