Thứ Sáu, 31 tháng 3, 2017

Áp giá sàn vé máy bay: Vietjet phản đối, Jetstar và Vietnam Airlines ủng hộ

Vietjet Air cho rằng, việc áp giá sàn là không phù hợp với quy định của Luật Cạnh tranh và không phù hợp với thông lệ quốc tế, giá vé nên để quy luật cung cầu quyết định. 

Áp giá sàn vé máy bay: Vietjet phản đối, Jetstar và Vietnam Airlines ủng hộ
Cục Hàng không Việt Nam đang lấy ý kiến về dự thảo đối với giá dịch vụ vận chuyển hành khách hạng vé phổ thông trên các đường bay nội địa. Theo dự thảo này, Cục Hàng không đề xuất áp khung giá trần và cả giá sàn cho các đường bay nội địa.
Các hãng hàng không đều đã ngay lập tức có ý kiến về dự thảo này và có 2 luồng ý kiến trái ngược. Vietjet Air, hãng hàng không nổi tiếng với giá rẻ thì phản đối trong khi Vietnam Airlines và Jetstar Pacific, 2 hãng hàng không đang bị đối thu giành giật thị phần những năm gần đây thì nhiệt liệt ủng hộ.
Jetstar Pacific lập luận rằng, mức giá sàn là cần thiết để xây dựng khung giá vé, bởi những năm gần đây, sự phát triển nóng của ngành hàng không đã làm tăng mức tải cung ứng trên các đường bay nội địa hơn 30%/năm và các hãng hàng không liên tục phải giảm giá vé và sẽ tiếp tục giảm giá để hút khách, thậm chí bán vé thấp hơn giá thành.
Theo Jetstar, điều này làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh và sự phát triển bền vững cảu ngành hàng không, đồng thời giá vé thấp hơn ngành đường sắt sẽ tạo nên sự mất cân đối giữa ngành hàng không và các ngành vận tải khác.
Jetstar đề xuất tính giá sàn bằng cách lấy chi phí trực tiếp của chuyến bay để làm căn cứ xây dựng quy định giá sàn và dự kiến giá sàn cho 5 nhóm đường bay sẽ dao động từ 29-34% giá trần. Theo đó, mức giá sàn sẽ dao động từ 600.000 - 1,2 triệu đồng/chiều tùy từng nhóm đường bay. Với đường bay Hà Nội - TP.HCM giá sàn sẽ là 1,1 triệu đồng/chiều.
Trái ngược với Jetstar, hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air phản đối việc áp giá sàn với vé máy bay, bởi việc này không phù hợp với quy định của Luật Cạnh tranh và cũng không phù hợp với thông lệ quốc tế.
Vietjet cũng cho rằng, thị trường đã không còn tình trạng độc quyền, cạnh tranh gay gắt giữa các hãng, giá cả dịch vụ do quy luật cung cầu quyết định, lựa chọn cuối cùng là hành khách. Việc áp giá sàn sẽ khiến nhiều người không có cơ hội đi máy bay, làm méo mó thị trường.

Thị phần các hãng hàng không. Nguồn: Rồng Việt Research
Thị phần các hãng hàng không. Nguồn: Rồng Việt Research
Vietjet khai thác chuyến bay thương mại đầu tiên vào tháng 12/2011. Bằng việc thu hút khách hàng với chiến lược giá rẻ, Vietjet Air đã có sự tăng trưởng thị phần thần tốc với tốc độ bình quân lên tới 150%/năm.
Bên cạnh việc thu hút khách hàng từ các hãng đối thủ, hãng bay này còn đưa máy bay đến gần hơn với rất nhiều khách hàng lần đầu đi máy bay. Theo số liệu của Cty chứng khoán Rồng Việt, khoảng 70% số người đi máy bay lần đầu mỗi năm sử dụng dịch vụ bay của Vietjet.
Nếu việc áp giá sàn được Cục hàng không thực hiện trong thời gian tới, Vietjet Air sẽ là doanh nghiệp chịu ảnh hưởng lớn nhất. Hiện Vietjet Air là hãng hàng không giá rẻ tư nhân duy nhất tại Việt Nam.

Thanh niên Pháp về quê gắn bó với nông nghiệp vì không muốn "chống lại cối xay gió"

Đó là xu hướng của nhiều người trẻ tuổi ở Pháp hiện nay, khi họ dành tình cảm nhiều hơn cho nông nghiệp hữu cơ và chán ngán công việc tẻ nhạt ở thành thị. 

Thanh niên Pháp về quê gắn bó với nông nghiệp vì không muốn "chống lại cối xay gió"
Saulx-Les-Chartreux, Pháp.
Hai năm trước, Elisabeth Lavarde đã quyết định từ bỏ công việc của cô tại Paris và bắt đầu một cuộc sống mới tại Saulx-les-Chartreux, một thị trấn nhỏ với vỏn vẹn hai cửa hàng bán thực phẩm và một tiệm bánh mì ngay phía Nam Paris.
Lavarde 39 tuổi giờ đây là một nông dân tập sự tại một trang trại rộng 24 mẫu trồng rau hữu cơ, bán trực tiếp cho người tiêu dùng địa phương.
Những người mới bắt đầu làm nông nghiệp như cô thường được nhận một mức lương được coi là "khá" - khoảng 1.500 euro hay 1.600 USD/ tháng, cao hơn một chút so với mức lương tối thiểu của Pháp.
Elisabeth Lavarde và cộng sự của mình đang làm việc chăm chỉ cho kế hoạch phát triển sản xuất và kinh doanh thực phẩm hữu cơ.
"Tôi muốn làm một công việc ý nghĩa," cô chia sẻ. "Trước đây, khi đi làm, tôi từng cảm thấy như mình đang chiến đấu chống lại cối xay gió vậy."
Trong một khóa đào tạo tổ chức bởi Hiệp hội hỗ trợ các chủ trang trại sản xuất quy mô nhỏ, Lavarde được kết nối với những người nông dân giàu kinh nghiệm. Cô trồng khoảng 40 loại sản phẩm hữu cơ, "kết hôn" với cà chua, khoai tây, rau cải và cà rốt...
Buổi chiều, khi mặt trời sắp tắt phía sau những hàng cây cải bắp, Lavarde nhìn chăm chú vào mảnh đất cô vun xới.
Cách đó vài mét, một mái che lớn cùng những tấm bạt phất phơ theo gió, Lavarde và chuyên gia nông nghiệp của cô, Guilain Vergé, 31 tuổi, xây dựng một chiếc lều làm nơi làm việc, để sổ sách kế toán và theo dõi vụ mùa của họ trên tấm bảng trắng trong khi chờ chính quyền địa phương cho phép xây dựng một khu chuồng trại tươm tất hơn.
"Công việc này rất khó khăn và đòi hỏi sự chăm chỉ," cô thừa nhận. Vậy nhưng "cảm giác nhìn lên bầu trời mỗi ngày, dù màu xanh hay xám, đều thật tuyệt."
Một nông trại ở St.-Augustin, Pháp.
Nhiều người trẻ như Lavarde đang sống cuộc sống như những người nông dân nhỏ ở Pháp. Họ rời bỏ thành thị , quay trở về với lý tưởng làm nông nghiệp và thoát khỏi cuộc ganh đua danh lợi tại các thành phố lớn.
Họ thường bỏ một công việc được trả lương cao, cũng như cuộc sống tương đối thoải mái khi họ cảm thấy không còn niềm vui và ý nghĩa.
Việc phát triển những trang trại quy mô nhỏ cũng góp phần đưa thị trường thực phẩm hữu cơ trong nước đạt giá trị lên đến gần 7 tỷ Euro năm 2016, theo số liệu của Agence Bio, công ty chuyên nghiên cứu thương mại tại Pháp.
Công tước Sully, một bộ trưởng dưới thời vua Henri IV của Pháp vào đầu thế kỷ 17, đã từng mô tả "chiếc cày và đồng cỏ" như mạch máu của nền kinh tế Pháp.
Và nông nghiệp từ lâu đã được nhìn dưới con mắt lãng mạn của người dân ở một quốc gia có kho báu là ẩm thực pho mát Camembert và rượu Bordeaux.
Một nông trại ở Saulx-Les-Chartreux, Pháp.
Nhưng thực tế đôi khi lại mang màu sắc ảm đạm đối với rất nhiều chủ trang trại, hầu hết họ cảm thấy sản xuất bị hạn chế bởi các quy định của Liên minh châu Âu.
Không chỉ vậy, nông nghiệp cũng bị ảnh hưởng bởi cạnh tranh toàn cầu, thu hẹp lợi nhuận và năng suất kém trong những năm gần đây. Các khoản trợ cấp nông nghiệp hào phóng chủ yếu mang lại lợi ích cho các trang trại lớn.
Tuy nhiên, viễn cảnh đầy thử thách đó cũng không làm cho những người mới bắt đầu như Lavarde có ý định từ bỏ nghề làm trang trại. Ngay cả khi họ nhận được ánh mắt đầy hoài nghi từ phía những người nông dân đã thành danh.
Động lực cho những người như Lavarde cũng được củng cố nhiều hơn khi người dân ngày càng nhận thức được lợi ích của việc tiêu thụ các sản phẩm địa phương đối với môi trường và sức khoẻ.
Những thanh niên Pháp từ bỏ thành phố về nông thôn làm nông nghiệp hữu cơ.

HOT: Zara Việt Nam đã có thể mua sắm online, ship hàng từ 3 - 7 ngày với phí ship 99.000 đồng

Theo thông báo, Zara Việt Nam sẽ chính thức mở bán online trên web vào 5/4, tuy nhiên ngay từ bây giờ, bạn đã có thể trải nghiệm tính năng mua sắm tiện lợi này. 

HOT: Zara Việt Nam đã có thể mua sắm online, ship hàng từ 3 - 7 ngày với phí ship 99.000 đồng
Như đã đưa tin, Zara Việt Nam sẽ ra mắt trang bán hàng online vào 5/4 tới. Tuy nhiên ngay từ bây giờ, nhà mốt Tây Ban Nha đã cho các tín đồ thời trang Việt Nam trải nghiệm thử tính năng mua hàng online tiện lợi này trên trang web zara.com/dearVietnam.
Ngay từ bây giờ, các tín đồ thời trang đã có thể mua sắm online đồ Zara trên trang web chạy thử zara.com/dearVietnam.
Ship hàng từ 3 đến 7 ngày với phí ship 99.000 đồng
Hiện tại bạn đã có thể mua online các sản phẩm của Zara trên trang web chạy thử zara.com/dearVietnam một cách khá dễ dàng. Những gì bạn cần làm là chọn size và điền thông tin cá nhân. Bạn có 2 cách để nhận hàng: đến trực tiếp store Zara để lấy hoặc chọn hình thức vận chuyển. Khi chọn hình thức vận chuyển, bạn sẽ phải trả phí ship là 99.000 đồng và đợi từ 3 - 7 ngày (ngoại trừ vùng sâu vùng xa). Với đơn hàng trên 1.299.000 đồng, bạn sẽ được miễn phí ship.
Tuy nhiên, hiện trên trang web chạy thử của Zara Việt Nam vẫn có một số sản phẩm chưa về. Khi đó bạn sẽ được yêu cầu cung cấp địa chỉ e-mail và Zara sẽ thông báo cho bạn nếu có hàng trong 2 tuần sau đó.
Mẫu mã đủ không thua kém website Tây Ban Nha, nhưng size thì... không có
Mặc dù mới chỉ chạy thử nhưng số lượng hàng hóa trên web Zara Việt Nam (VN) không ít hơn quá nhiều so với web Zara Tây Ban Nha (TBN). Nếu như mục Hàng mới (New in) của Zara TBN đang có tổng cộng 282 sản phẩm thì Dear Vietnam có 258 sản phẩm, chỉ ít hơn 24 sản phẩm.
Mục Hàng mới của Zara VN đang có 258 sản phẩm...
... chỉ ít hơn chút ít so với web Zara TBN (282 sản phẩm).
Mục Áo khoác của Zara VN có 127 sản phẩm...
... trong khi Zara TBN có 142 sản phẩm.
Dòng TRF của Zara VN có 101 sản phẩm...
... chỉ ít hơn Zara TBN 7 sản phẩm.
Một điểm đáng chú ý khác là web mua thử của Zara VN cũng được Việt hóa hoàn toàn để tạo sự tiện lợi tối ưu cho khách hàng khi mua sắm. Tên sản phẩm cũng được dịch "triệt để" đọc lên khá là ngộ nghĩnh.
Trang web chạy thử của store online Zara VN được Việt hóa triệt để.
"Áo khoác ngoài_mùa_thu_trở_lại" là cụm từ khá ngộ nghĩnh mà Zara Việt Nam dùng thay cho hạng mục Outerwear trên hệ thống website quốc tế.
Tuy nhiên, có lẽ vì mới chạy thử nên kho hàng của website Zara VN chưa có đủ tất cả các size, chỉ có hầu như là size lớn. Điển hình là mẫu quần jeans dưới đây, trong khi Zara TBN có đủ 7 size thì Zara VN hiện chỉ có 2 size 36 và 40.
Mẫu quần jeans này trên Zara VN hiện chỉ có 2 size là 36 và 40...
... trong khi trên web Zara TBN vẫn có đủ cả 7 size.

Lập liên doanh, Hyundai - Thành Công quyết xuất khẩu ôtô

Ngày 30/3/2017, Tập đoàn Thành Công chính thức ký thoả thuận hợp tác cùng tập đoàn Hyundai Hàn Quốc trong việc liên doanh, mở rộng sản xuất xe du lịch Hyundai tại Việt Nam. 

Lập liên doanh, Hyundai - Thành Công quyết xuất khẩu ôtô
Theo thỏa thuận, trong giai đoạn đầu liên doanh Hyundai - Thành Công sẽ tiếp tục vận hành nhà máy Hyundai Thành Công đặt tại tỉnh Ninh Bình với công suất 40.000 chiếc/năm.
Đồng thời, liên doanh cũng sẽ gấp rút đầu tư mở rộng thêm nhà máy. Nhà máy mới sẽ nhận chuyển giao những công nghệ sản xuất, lắp ráp hiện đại nhất từ tập đoàn ôtô Hàn Quốc.
Ông Lê Ngọc Đức, Tổng giám đốc Hyundai Thành Công, cho biết, với việc chính thức liên doanh hợp tác mở rộng sản xuất, lắp ráp, cơ cấu sản phẩm ôtô du lịch mang thương hiệu Hyundai tại thị trường Việt Nam sẽ chuyển dịch từ tỷ trọng 20% xe lắp ráp (CKD) hiện nay lên khoảng 70-80% ngay trong năm 2017 và tiếp tục tăng lên trên 90% vào năm 2018.
Hiện tại, Hyundai đang có 2 mẫu xe du lịch được lắp ráp tại nhà máy của Hyundai Thành Công, còn lại 6 mẫu xe khác đều được nhập khẩu nguyên chiếc gồm Accent, Sonata, i20 Active, Grand i10, Creta và Tucson.
Có thể thấy khá rõ tham vọng của Hyundai và Thành Công khi lập liên doanh là hướng đến mục tiêu xuất khẩu ra thị trường khu vực Đông Nam Á, sau đó có thể là một vài thị trường nữa.
Bước đi này cũng tương tự với một doanh nghiệp ôtô trong nước khác là Trường Hải (Thaco) khi bắt tay với tập đoàn Mazda Nhật Bản.
Theo ông Lê Ngọc Đức, việc hợp tác liên doanh mở rộng sản xuất bắt đầu vào đúng thời điểm quan trọng năm 2018 cận kề, khi thuế suất thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ các nước thành viên ASEAN giảm về 0%. Do vậy, đây là một bước đi quan trọng giúp những mẫu xe Hyundai có thể cạnh tranh với những thương hiệu khác đang chuyển dịch sản phẩm nhập khẩu nguyên chiếc từ thị trường khu vực ASEAN vào Việt Nam, đồng thời cũng là cơ hội tốt giúp tập đoàn Thành Công kết hợp cùng các doanh nghiệp trong nước, nước ngoài khác phát triển được mạng lưới công nghiệp phụ trợ tại Ninh Bình.
“Những bước đi này đều phù hợp với chiến lược và quy hoạch phát triển công nghiệp ôtô mà Chính phủ đã ban hành”, ông Lê Ngọc Đức chia sẻ.
Cũng theo ông Đức, “để có thể đạt được những mục tiêu về tỷ lệ nội địa hóa trên 40%, một điều kiện để được hưởng thuế suất 0% khi xuất khẩu ra các thị trường Đông Nam Á, chúng tôi sẽ phải bắt tay, liên kết với rất nhiều những doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, đặc biệt là những doanh nghiệp Hàn Quốc. Điều đó đòi hỏi những nỗ lực của chúng tôi và cần cả những hỗ trợ, động viên từ Chính phủ, các bộ, ban ngành và tỉnh Ninh Bình”.
Trước khi ký thỏa thuận liên doanh, tập đoàn Thành Công cũng đã có 8 năm hợp tác sản xuất, lắp ráp và phân phối các dòng xe du lịch Hyundai tại thị trường Việt Nam.
Đến thời điểm cuối năm 2016, thị phần ôtô du lịch do Hyundai Thành Công phân phối đã vượt qua 18%, qua đó trở thành thương hiệu ôtô du lịch lớn thứ hai tại Việt Nam.

Công bố giá bán Galaxy S8 chậm hơn FPT Shop nửa ngày, TGDĐ ngay lập tức đã phải trả giá đắt

TGDĐ hiện nắm giữ trên 40% thị phần bán lẻ di động tính theo doanh thu, trong khi FPT Shop chỉ giữ khoảng 15%. Vì vậy, việc số đơn hàng của những chiếc flagship như S8 chỉ ngang ngửa FPT Shop, và thậm chí cũng không hơn Viễn thông A là tín hiệu đáng báo động của TGDĐ.

    Công bố giá bán Galaxy S8 chậm hơn FPT Shop nửa ngày, TGDĐ ngay lập tức đã phải trả giá đắt
    Ngày 29/3 vừa qua, dòng điện thoại đời mới nhất của Samsung là Galaxy S8 và S8+ đã chính thức được giới thiệu trên toàn cầu.
    Không chỉ người dùng phấn khích, mà cả các nhà bán lẻ cũng phải gấp rút chuẩn bị cho đợt tăng doanh số bán tốt nhất năm 2017.
    Minh chứng là chỉ vài giờ sau khi sự kiện ra mắt Galaxy S8 kết thúc, các ông lớn tại Việt Nam như TGDĐ, FPT Shop, Viettel Store hay Viễn Thông A đều đồng loạt tung ra chương trình đặt hàng trước.
    Nhưng duy chỉ có FPT Shop là đưa ra được giá bán cụ thể cho Galaxy S8 ngay trong đêm 29/3, cùng những hình ảnh minh họa chính xác nhất.
    Còn như TGDĐ - nhà bán lẻ di động số 1 Việt Nam, thì phải tới 11 giờ trưa hôm sau (30/3) mới có thông tin chi tiết, nhưng hình ảnh minh họa cũng không chính xác.
    Và chính việc thiếu quan tâm tới người tiêu dùng đó - đã ngay lập tức tác động nặng nề tới doanh số mở bán chiếc S8 của TGDĐ.
    Cụ thể, theo số lượng đơn đặt hàng được công bố, tới 22h30 ngày 30/3, nghĩa là tròn 24 giờ sau khi S8 chính thức ra mắt, số lượng đặt mua tại TGDĐ chỉ là 1463 chiếc, chỉ hơn FPT Shop đúng 30 chiếc.
    Dù vẫn đứng đầu, nhưng con số công bố này cho thấy chuỗi bán lẻ đang rất có "vấn đề". Nếu nhìn vào bảng thống kê, dễ thấy số lượng đơn đặt hàng Samsung S8 tại TGDĐ, FPT Shop và Viễn thông A không có sự chênh lệch nhiều.
    Điều này tương tự như sự kiện ra mắt Galaxy S7 hồi năm ngoái, khi FPT Shop đã nhanh chóng vượt mặt TGDĐ về lượng đơn đặt hàng trước.
    Nên nhớ, TGDĐ hiện nắm giữ trên 40% thị phần bán lẻ di động tính theo doanh thu, trong khi FPT Shop chỉ giữ khoảng 15%. Vì vậy, việc số đơn hàng của những chiếc flagship như S8 chỉ ngang ngửa FPT Shop, và thậm chí cũng không hơn Viễn thông A là tín hiệu rất đáng báo động của TGDĐ.
    Bên cạnh đó, điều này cũng chỉ ra một thực tế, khoảng cách giữa ông lớn số 1 và số 2 trong ngành bán lẻ di động tại Việt Nam đang ngày một thu hẹp lại. Với tính năng đặt hàng trước, TGDĐ không cho thấy điểm gì nổi trội so với đối thủ, nếu không muốn nói là thiếu sự chu đáo hơn.
    Vì nhìn vào định hướng phát triển chuỗi bán lẻ di động của TGDĐ lẫn FPT Shop, người ta đều sẽ nhìn thấy một điểm chung trong năm 2017 này, đó là cả 2 đều không nhấn mạnh việc ngừng phát triển số lượng điểm bán, mà thay vào đó là hệ thống quản trị, tối ưu doanh số từng điểm.
    Nói theo cách khác, FPT Shop lẫn TGDĐ đều định hướng năm nay sẽ phát triển chất lượng, làm sao đáp ứng nhu cầu khách hàng tốt nhất. Mặc dù vậy, sự kiện ra mắt chiếc flagship đầu tiên của năm 2017 cho thấy FPT Shop đang tỏ ra là người tập trung hơn.
    Còn nhớ, từng trả lời câu hỏi: "Đi sau đối thủ tới 5 năm, và để đối thủ vươn lên vị trí số 1, chị có thấy tiếc không?", bà Nguyễn Bạch Điệp - TGĐ FPT Retail cũng đưa ra cái nhìn rất lạc quan:
    "Đúng là FPT Retail đã đi sau rất xa so với các thương hiệu hàng đầu hiện nay và bất lợi về thời gian rất lớn, nhưng người đi sau lại có thuận lợi là học được cái hay của người đi trước, trả giá ít hơn, đỡ rủi ro hơn, và việc này cũng không quá tệ".
    Đứng thứ 2, FPT Shop vẫn rất lạc quan. Vậy phải chăng TGDĐ sau khi nhận thấy thị trường bán lẻ di động sắp bão hòa, DN này lại mải mê tìm kiếm những vùng đất mới, như Điện máy Xanh, và bỏ bê trận địa cũ?

    Một doanh nghiệp mạnh vì gạo, bạo vì tiền như Amazon tại sao tới giờ vẫn không thể "lấn sân" sang được thị trường Đông Nam Á?

    Việc Amazon tỏ ra "chần chừ" khiến khá nhiều chuyên gia đau đầu, và đặt ra câu hỏi: "Phải chăng đang có vấn đề gì tồn đọng vậy?". 

    Một doanh nghiệp mạnh vì gạo, bạo vì tiền như Amazon tại sao tới giờ vẫn không thể "lấn sân" sang được thị trường Đông Nam Á?
    Vài ngày qua, xuất hiện nhiều thông tin khẳng định Amazon chưa chính thức tấn công vào thị trường TMĐT tại Đông Nam Á trong Q1/2017 này, dù đây được đánh giá là thị trường có tốc độ phát triển khá mạnh mẽ.
    Việc Amazon tỏ ra "chần chừ" khiến khá nhiều chuyên gia đau đầu, và đặt ra câu hỏi: "Phải chăng đang có vấn đề gì tồn đọng vậy?".
    Giải thích về động thái nói trên của Amazon, ngày Sheji Ho, trưởng phòng Marketing của aCommerce tin vào 3 lập luận sau.
    Không phải cứ mạnh là muốn đánh chiếm thị trường nào cũng được
    Amazon đang là "gã khổng lồ" trên thị trường TMĐT. Thực tế là Amazon đang dành thế chiếm lĩnh ở hầu hết các thị trường mà họ chính thức "đổ bộ". Và đây là những thị trường Amazon đang trở nên bất khả xâm phạm.
    Mỹ, Nhật bản, Vương quốc Anh, Đức, Pháp, và cả Ấn Độ.
    Mỹ, Nhật bản, Vương quốc Anh, Đức, Pháp, và cả Ấn Độ.
    Rõ ràng, thế của Amazon rất mạnh. Nhưng tại sao Amazon lại "ngại" bước chân vào Đông Nam Á? Câu trả lời chỉ có thể là sự khác biệt giữa về văn hóa, về tính bản địa, mà cụ thể là giữa người phương Đông với người phương Tây.
    Giả dụ, nếu đưa một Giám đốc của Amazon từ Seattle đến tìm hiểu thị trường các nước Đông Nam Á thì chẳng khác nào đưa họ vào một khu rừng. Dám chắc là họ sẽ van xin được về nhà chỉ trong vài ngày vì thị trường này quá phức tạp.
    Duy có Trung Quốc là một ngoại lệ. Đây là thị trường có tầm cỡ ngang Mỹ, nhưng Amazon lại không thể chen chân vào. Năm 2008, Amazon từng chiếm tới 15% thị phần TMĐT tại Trung Quốc, nhưng theo số liệu mới đây nhất, họ chỉ còn lại chưa tới 2% thị phần.
    Đó là những quyết định từ ban điều hành Amazon, khi họ biết không thể cạnh tranh với các công ty bản địa. Viêc phải đối đầu với Alibaba của Jack Ma và JD của Liu Qiangdong khiến Amazon buộc phải tự thu nhỏ mình lại, trở thành một cửa hàng trên trang TMĐT Tmall.
    Còn ở Trung Đông, Amazon cũng đang vướng vào một cuộc chiến với ông trùm UAE - Mohamed Alabbar nhằm thâu tóm được Souq.com. Souq hiện đang hoạt động trên khắp các quốc gia hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) nơi có thể thông thương với các quốc gia có biên giới trên đường bộ.
    Nếu có thể đàm phán thành công và có được Souq.com, Amazon sẽ kết nối được với hơn 50 triệu người sử dụng cùng một ngôn ngữ và có văn hóa giống nhau, phù hợp với chiến lược đầu tư vào một thị trường lớn của họ.
    Singapore liệu có phải là nơi khởi đầu hợp lý?
    Nhiều thông tin cho rằng, Amazon sẽ mở đầu chiến dịch thống trị Đông Nam Á của mình với đất nước Singapore, đất nước hiện đại nhất nhưng lại nhỏ nhất trong vùng.
    Người dân Singapore được biết đến là những công dân có tinh thần trách nhiệm cao. Họ luôn tuân thủ và đề cao tinh thần trách nhiệm đóng thuế để xây dựng đất nước, nên hầu hết các công dân nước này đã quá quen với việc đặt hàng từ Amazon.
    Amazon và Singpost còn đang cố gắng cải tiến trong lĩnh vực logistics xuyên biên giới để nâng cấp dịch vụ giao hàng từ Mỹ. Cụ thể, nếu hoàn thành chiến dịch này, người dân Singapore sẽ chỉ mất 3 ngày chờ đợi nếu đặt hàng tại Amazon với gói cước vận chuyển ưu tiên. Đó là thời gian trung bình cho việc giao hàng trong nước tại Indonesia.
    Chưa dừng lại ở đó, thời gian sẽ còn rút ngắn thêm nữa nếu Amazon tiếp tục mở rộng. Và bạn có thể mong đợi giao hàng nhanh hơn trong tương lai khi Amazon thành công mở rộng hình thức máy bay giao hàng của họ.
    Tuy nhiên, có vẻ như Singapore chưa hẳn là một điểm đến thực sự hợp lý. Bởi một người thông thái và am hiểu "bản địa" như tỉ phú Jack Ma lại quyết định chọn Malaysia là trung tâm của khu vực Digital Free Trade Zone (tạm dịch là khu vực mậu dịch điện tử tự do).
    Thứ nhất, Malaysia thuận tiện cho việc kết nối với các quốc gia khác như Thái Lan, Campuchia, Myanmar, Việt nam.
    Thứ hai, Malaysia rất gần với Indonesia, thị trường lớn nhất của Alibaba và Lazada. Malaysia còn là đồng minh thân cận trong kinh doanh của Trung Quốc.
    Thứ ba, là do Malaysia có tiềm năng hơn Singapore (30 triệu dân so với 5,5 triệu dân Singapore). Người dân ở đây cũng thường xuyên sử dụng Tmall, Alibaba, AliExpress.
    Nhưng Amazon vẫn đang tiến hành tuyển dụng?
    Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực TMĐT ở Đông Nam Á đã nhận được cuộc gọi của Amazon. Nhưng thực chất, họ đang tuyển dụng để làm gì?
    Theo dự đoán, mục đích của những động thái này là nhằm phục vụ tìm kiếm các đối tác của Amazon tại Đông Nam Á. Có nghĩa là Amazon tuyển dụng tại Thái Lan cho mạng lưới Amazon Global Selling và AWS, không phải để thành lập mạng lưới bán hàng tại đây.
    Nếu có, Indonesia sẽ là quốc gia phù hợp để Amazon ghi dấu ấn.
    Vì đây là quốc gia phù hợp nhất với chiến lược tấn công vào thị trường lớn, và tập trung của Amazon. Với 250 triệu dân, Indonesia sẽ là một Trung Quốc mới, đóng vai trò như một cỗ máy kinh tế và TMĐT trong khu vực 600 triệu người.
    Tuy vậy, nếu Amazon không nhanh chân thực hiện ý định này, rất có thể họ sẽ không còn cơ hội nữa. Với sự ủng hộ của Alibaba, Lazada, các doanh nghiệp địa phương như LippoGroup, Blibli đang dần chiếm lĩnh thị trường.
    Trong khi thị trường Trung Đông vẫn còn đang xáo trộn với những cạnh tranh từ ông trùm UAE, Amazon nên sớm bước chân vào thị trường Đông Nam Á, cụ thể là Indonesia vì thị trường TMĐT nước này vẫn đang phát triển. Người dân nước này chắc chắn sẽ tin tưởng một cái tên danh tiếng như Amazon.

    TGĐ Bùi Quang Ngọc: Chưa bán được chuỗi FPT Shop do muốn bán cùng lúc với FPT Trading, nhưng đối tác không đồng ý

    Do không thống nhất được với bên mua về việc bán cả 2 công ty con (FPT Trading và FPT Retail) cũng như về tỷ lệ bán ra, nên FPT quyết định điều chỉnh phương thức bán bằng cách tách ra bán riêng 2 công ty.

      TGĐ Bùi Quang Ngọc: Chưa bán được chuỗi FPT Shop do muốn bán cùng lúc với FPT Trading, nhưng đối tác không đồng ý
      Chiều ngày 31/03/2017, Công ty cổ phần FPT đã tổ chức ĐHCĐ thường niên 2017. Tại đại hội, Tổng Giám đốc Bùi Quang Ngọc cho biết việc thoái vốn mảng bán lẻ sẽ được tiến hành trong năm nay.
      Trong khi các mảng khác duy trì việc tăng trưởng, thì Khối phân phối và bán lẻ của FPT lại tăng trưởng âm. Cụ thể, doanh thu đạt 23 ngàn tỷ đồng, giảm 9%; lợi nhuận trước thuế giảm 25% xuống 544 tỷ đồng.
      Nguyên nhân chủ yếu đến từ mảng phân phối điện thoại.
      Đầu tiên là việc Apple thay đổi chính sách phân phối tại thị trường Việt Nam từ quý 4/2015, khi cho phép các nhà bán lẻ điện thoại lớn như TGDĐ hay FPT Shop được trực tiếp nhập khẩu sản phẩm iPhone, khiến doanh thu iPhone của lĩnh vực Phân phối giảm hơn 3 ngàn tỷ đồng.
      Việc phân phối điện thoại iPhone từng đem về hơn 300 tỷ đồng mỗi năm trong giai đoạn 2013-2015 cho lĩnh vực Phân phối của FPT. Tuy nhiên sau chính sách mới của Apple, mảng này đã mất đến 90% lợi nhuận, chỉ thu về 34 tỷ đồng tiền lãi trong năm 2016.
      Một nguyên nhân khác đến từ việc Microsoft tuyên bố ngừng kinh doanh các sản phẩm điện thoại thông minh Lumia trong năm 2016 khiến việc tiêu thụ các sản phẩm Lumia vô cùng khó khăn. Việc giảm giá để giải phóng hàng tồn Lumia đã khiến lợi nhuận của lĩnh vực Phân phối trong năm 2016 giảm mạnh. Rất đáng mừng là lượng tồn kho sản phẩm này đã được giải phóng hết trong năm 2016, do vậy sẽ không còn ảnh hưởng tới lợi nhuận của năm 2017.
      Ông Bùi Quang Ngọc cũng cho biết, FPT chưa thoái vốn khỏi mảng bán lẻ do muốn bán cùng lúc cả 2 công ty FPT Trading và FPT Retail.
      Tuy nhiên, do không thống nhất được với bên mua về việc bán cả 2 công ty con (FPT Trading và FPT Retail) cũng như về tỷ lệ bán ra, nên FPT quyết định điều chỉnh phương thức bán bằng cách tách ra bán riêng 2 công ty. Và giá bán khi tách riêng 2 công ty sẽ "rẻ" hơn giá bán gộp.
      Đầu tháng 3 vừa qua, trong một chia sẻ với chúng tôi, Tổng giám đốc FPT Retail Nguyễn Bạch Điệp cũng thừa nhận: Trong 2 năm tới nếu tiếp tục đà phát triển này, FPT Shop sẽ ngưng mở mới các cửa hàng. Thay vào đó, sẽ nghiên cứu và chọn lựa một số hướng đi mới để tạo đà tiếp tục tăng trưởng doanh thu.
      Tính đến hết năm 2016, FPT Shop đã đạt mốc 400 cửa hàng trên khắp cả nước.
      Sự chững lại của FPT Shop cũng là xu hướng chung của toàn thị trường khi đã đi vào thời kì bão hòa. Theo công bố của GfK, doanh số thị trường di động năm 2017 được dự báo tăng 19%, nhưng doanh thu thị trường dự báo chỉ tăng khoảng 7%, từ mức 73,3 nghìn tỉ lên mức 78,6 nghìn tỉ đồng trong năm 2017.

      Công ty chủ quản chuỗi California Fitness ở Hong Kong thua lỗ triền miên phải tìm người mua lại

       Chuỗi California Fitness dưới sự sở hữu của JV Fitness hoạt động tại Hong Kong, Singapore và Trung Quốc đại lục đã bị đóng cửa hàng loạt từ năm ngoái. Tuy nhiên, chuỗi trung tâm California Fitness & Yoga tại Việt Nam đặt dưới sự quản lý của Công ty CMG.Asia không liên quan tới hoạt động của JV Fitness. 
      Công ty chủ quản chuỗi California Fitness ở Hong Kong thua lỗ triền miên phải tìm người mua lại
      Giữa năm 2016, chuỗi nhượng quyền California Fitness tại Hong Kong đã tuyên bố đóng cửa tất cả các phòng tập của họ trong tâm bão bị tố không trả tiền thuê địa điểm cũng như lương cho nhân viên. Việc đóng cửa này áp dụng đối với cả những thương hiệu khác dưới trướng công ty mẹ JV Fitness gồm câu lạc bộ yoga là mYoga và Leap Fitness Centre.
      Bê bối của California Fitness vỡ lở khi bất ngờ vào một ngày tháng 6, chi nhánh mới đi vào hoạt động được 4 tháng tại Whampoa đột ngột đóng cửa mà nguyên nhân được đăng trên trang Facebook của họ là bởi “đơn vị cho thuê địa điểm ngừng cung cấp một vài dịch vụ cần thiết cho đơn vị kinh doanh”.
      Sau đó vài ngày, liên tiếp những thông báo dán ở rất nhiều phòng tập khác nhau của JV Fitness cho biết cũng sẽ đóng cửa. Điều đáng nói là sau khi toàn bộ các trung tâm tại Hong Kong đóng cửa, phía JV Fitness lại tiếp tục tuyên bố sẽ đóng cửa cả những trung tâm ở Singapore và Trung Quốc đại lục với lý do thiếu vốn lưu động để kinh doanh.
      Một nhóm Facebook gồm “nạn nhân” của chuỗi các phòng tập này đã được tạo ra ngay sau đó với 2.000 thành viên và nói rằng họ chịu ảnh hưởng không nhỏ vì sự cố này. Một vài thành viên thậm chí còn tố giác nhiều nhân viên của phòng tập này vẫn đang nhận đăng ký làm thành viên mới mặc cho những rắc rối về tài chính mà công ty đang gặp phải.
      Trước những rắc rối như vậy, khoảng 1 tháng sau đó phía JV Fitness đã phải tuyên bố đang "rao bán mình". Trong tuyên bố, phía công ty chủ quản JV Fitness nói rằng: “Công ty hiện đang trong quá trình thỏa thuận với những người mua tiềm năng cho một thương vụ thâu tóm một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp”. Dẫu vậy cho đến nay, vẫn chưa có bất kỳ thông tin gì về thương vụ "bán mình" này.
      Điều đáng lo ngại là việc này gây ảnh hưởng không nhỏ tới các khách hàng của phòng tập. Theo đó, khách hàng có tên Frances Lee – nói rằng anh lo không biết mình có lấy lại được số tiền 16.000 USD Hong Kong mới nộp từ 2 tháng trước để gia hạn thẻ thành viên cho tới năm 2023 hay không.
      California Fitness dưới sự sở hữu của JV Fitness hoạt động tại Hong Kong từ năm 1996 và đến lúc đóng cửa vào năm 2016 công ty có tổng cộng 12 địa điểm và 15 trung tâm ở nhiều quốc gia trên khắp châu Á, như Hong Kong, Singapore và Trung Quốc đại lục.
      Tuy nhiên, cần chú ý, chuỗi trung tâm California Fitness & Yoga tại Việt Nam đặt dưới sự quản lý của Công ty CMG.Asia không liên quan tới hoạt động của JV Fitness.

      Từ chuyện fanpage Thế giới di động bị làm giả, nghĩ đến kế hoạch hơn 6.600 tỷ đồng doanh thu Online của MWG

      Năm 2017 này, Thế giới di động đưa ra kế hoạch doanh thu thuần hợp nhất 63.280 tỷ đồng, tăng trưởng 35% so với cùng kỳ nhưng, riêng mảng Online thì công ty đặt ra kỳ vọng lớn hơn với 6.650 tỷ đồng, tăng trưởng 100% so với năm 2016. 

      Từ chuyện fanpage Thế giới di động bị làm giả, nghĩ đến kế hoạch hơn 6.600 tỷ đồng doanh thu Online của MWG
      Theo tin từ Zingnews, trên mạng xã hội xuất hiện một tài khoản (fanpage) với tên gọi "Thế Giới Di Động", sử dụng ảnh đại diện là logo của doanh nghiệp này với miêu tả "Trang chính thức của Thế Giới Di Động".
      Cụ thể, fanpage này đăng tải một bài viết về chương trình khuyến mại bán 55.000 iPhone 5S với giá chỉ 155.000 đồng một chiếc. Mức giá rao bán này thấp hơn rất nhiều so với mức giá mà Thế Giới Di Động niêm yết trên trang chủ là 6.490.000 đồng.
      Lý do mà fanpage này đưa ra để lý giải cho mức giá rẻ là do "cuối tháng cần thúc đẩy doanh số nên doanh nghiệp ra chương trình khuyến mại xả kho iPhone 5S với giá 155.000 đồng". Chỉ sau gần một tháng, bài viết của trang mạng trên đã thu hút hơn 44.000 lượt like và 46.000 lượt chia sẻ.
      Cũng theo thông tin bài viết từ Zingnews, đại diện của Thế Giới Di Động khẳng định trang mạng trên là giả mạo và thông tin về chương trình khuyến mại là hoàn toàn sai sự thật. Đơn vị này cho hay chỉ bán sản phẩm iPhone 5S theo đúng mức giá quy định trên trang chủ và hiện không có chương trình khuyến mại giảm giá nào cho loại sản phẩm này.
      Câu chuyện nhỏ này lại khiến mọi người lo mối lo lớn hơn.
      Trong tài liệu Đại hội cổ đông thường niên sắp sửa diễn ra, Thế giới di động (mã chứng khoán MWG ) cho biết, trong năm 2016, công ty đã tập trung phát triển mạnh mẽ kênh bán hàng online. Doanh thu online đạt trên 3.372 tỷ đồng, tăng 104% so với năm 2015.
      Con số 3.372 tỷ đồng này hiện chỉ mới chiếm chưa đầy 10% tổng doanh thu 44,6 nghìn tỷ đồng mà Thế giới di động đạt được trong năm 2016 nhưng phải thừa nhận rằng, doanh thu bán hàng online của công ty đã đạt đến con số nhiều doanh nghiệp ghen tị. Lượt người like fanpage chính thức của Thế giới di động hiện cũng đã lên đến con số hơn 2,65 triệu người.
      Năm 2017 này, Thế giới di động đưa ra kế hoạch doanh thu thuần hợp nhất 63.280 tỷ đồng, tăng trưởng 35% so với cùng kỳ nhưng, riêng mảng Online thì công ty đặt ra kỳ vọng lớn hơn. Năm 2017, công ty dự kiến đẩy mạnh bán hàng trực tuyến, đưa doanh thu online lên 6.650 tỷ đồng, tăng trưởng 100% so với năm 2016. Nếu đạt được mục tiêu này, doanh thu online sẽ đóng góp hơn 10,5% tổng doanh thu thuần của công ty.
      Nói gọn lại thì, trong kế hoạch kinh doanh của Thế giới di động, mảng online vẫn đang là một mảng rất quan trọng của công ty và fanpage là một trong những kênh tiếp cận khách hàng lớn. Khách hàng tìm thấy nhiều thông tin về sản phẩm, chính sách bán hàng….của công ty từ fanpage. Tất nhiên, khi khách hàng bấm vào chữ “Shop now” thì sẽ trở về website chính thức của Thế giới di động và khách hàng lựa chọn mua sản phẩm từ đây.
      Nhưng, rủi ro là, không phải ai cũng biết đâu là fanpage chính thức của Thế giới di động, cũng không phải ai cũng biết website của công ty. Và rủi ro như câu chuyện nhỏ kể trên là hoàn toàn có thể xảy ra, thậm chí thường xuyên khi mà việc lập một fanpage giả mạo để lừa một bộ phận nhỏ người tiêu dùng là không khó. Sự việc nằm ngoài tầm kiểm soát nhanh của doanh nghiệp như ví dụ kể trên có thể sẽ khiến doanh nghiệp bị ảnh hưởng uy tín, người tiêu dùng thiệt thòi và có thể sẽ ảnh hưởng đến nỗ lực tăng doanh thu Online của nhiều doanh nghiệp.

      Trong khi VJA và VNA mải đấu nhau, thì AirAsia đã âm thầm bắt tay với doanh nhân Trần Trọng Kiên mở liên doanh ở Việt Nam, sẽ bay vào đầu năm sau

      Liên doanh tại Việt Nam của AirAsia sẽ cần khoản đầu tư khoảng 44 triệu USD (gần 1.000 tỷ VNĐ) và AirAsia sẽ đóng góp 30% trong số đó. 

      Trong khi VJA và VNA mải đấu nhau, thì AirAsia đã âm thầm bắt tay với doanh nhân Trần Trọng Kiên mở liên doanh ở Việt Nam, sẽ bay vào đầu năm sau
      AirAsia – hãng hàng không giá rẻ được thành lập bởi ông trùm người Malaysia Tony Fernandes đang lên kế hoạch tấn công thị trường Việt Nam thông qua liên doanh với một công ty địa phương, trong bối cảnh mức vé rẻ cùng với thu nhập của người Việt tăng, thúc đẩy du lịch bằng đường hàng không tại quốc gia Đông Nam Á này.
      Cụ thể, hãng hàng không giá rẻ lớn nhất trong khu vực sẽ hợp tác với Công ty TNHH Gumin, Công ty cổ phần hàng không Hải Âu và doanh nhân Trần Trọng Kiên để thành lập một liên doanh tại Việt Nam. Theo tuyên bố của phía AirAsia, liên doanh mới có thể sẽ chính thức cất cánh vào đầu năm tới. Phía Gumin sẽ nắm 70% liên doanh mới và phần còn lại là của AirAsia.
      Việt Nam hiện là quốc gia mới nhất thu hút sự chú ý của ông Fernandes khi số lượng hành khách đạt tốc độ tăng trưởng 28%, gấp 3 lần so với những quốc gia khác trong khu vực. Là thị trường lớn thứ 5 trong khu vực, Việt Nam cũng đã chứng kiến lượng khách trong nước tăng gấp đôi kể từ năm 2013 và tầng lớp trung lưu sẽ chiếm1/4 tổng dân số vào năm 2010.
      AirAsia trong những năm vừa qua đã thành lập các chi nhánh tại Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ và Nhật Bản. Ngoài ra họ cũng đặt cược vào mô hình giá rẻ với những đường bay dài hơn cho các hành trình quốc tế với AirAsiaX.
      AirAsia cũng đã đặt hàng hàng trăm máy bay trị giá hàng tỷ USD từ Airbus để đáp ứng tham vọng tăng trưởng và họ cũng đang trong quá trinh bán mảng cho thuê máy bay để huy động thêm tiền mặt.
      Hãng hàng không Vietjet Air được biết đến với cái tên "hãng hàng không bikini" đã chính thức IPO trên sàn chứng khoán TP Hồ Chí Minh vào tháng trước và giá cổ phiếu tăng 52% kể từ đó. Việt Nam sẽ tiếp tục chứng kiến mức tăng 2 chữ số về số lượng hành khách trong 1 thập kỷ tới sau khi đạt tốc độ tăng trưởng hàng năm 17% trong thập kỷ qua theo ACB Securities.
      Airasia đã khá muộn khi tham gia vào thị trường Việt Nam và hậu quả là họ sẽ phải đối mặt với những thách thức vô cùng to lớn”, theo Brendan Sobie – một chuyên gia phân tích tới từ Singapore. “Thị trường hiện đã có sự xuất hiện của 2 hãng hàng không giá rẻ gồm Vietjet và Jetstar Pacific. Tốc độ tăng trưởng sẽ chậm lại trong những năm tới khi thị trường bắt đầu ổn định hơn”.
      Liên doanh tại Việt Nam của AirAsia sẽ cần khoản đầu tư khoảng 44 triệu USD (gần 1.000 tỷ VNĐ) và AirAsia sẽ đóng góp 30% trong số đó.
      Ông Trần Trọng Kiên hiện là CEO của Công ty Gumin có trụ sở tại Hà Nội – công ty vừa được cấp giấy phép kinh doanh vào ngày 29/3/2017 theo thông tin trên Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam.
      Ông Kiên là một doanh nhân khá có tiếng ở Việt Nam, hiện là Chủ tịch và CEO của Tập đoàn Thiên Minh (TMC) – đơn vị sở hữu chuỗi Victoria Hotels & Resort tại Việt Nam và Lào. Trong khi đó, hãng hàng không Hải Âu cũng là một chi nhánh của TMC.

      [Live] ĐHĐCĐ MWG: Đã hoàn tất thử nghiệm mô hình Bách Hóa Xanh, đầu tư thêm 500 tỷ mở rộng hệ thống

      Theo ông Trần Kinh Doanh, Giám đốc kinh doanh MWG cho biết, kế hoạch ban đầu mỗi cửa hàng chỉ cần thu 600 triệu đồng nhưng hiện nay thu gần 1 tỷ mỗi tháng. 

      [Live] ĐHĐCĐ MWG: Đã hoàn tất thử nghiệm mô hình Bách Hóa Xanh, đầu tư thêm 500 tỷ mở rộng hệ thống
      Chiều ngày 31/03, Công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (HOSE: MWG) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2017.
      Q&A
      Đại hội đến phần thảo luận, cổ đông đến từ một CTCK hỏi: Động lực tăng trưởng chính năm 2017-2019? Chiến lược của Bách Hóa Xanh những năm tiếp theo?
      Ông Tài cho biết, lợi nhuận năm 2017 - 2018 chủ yếu từ Điện Máy Xanh và một phần Thế giới Di động. Sau 2018, động lực tăng trưởng của MWG sẽ đến từ Bách Hóa Xanh.
      Về sự khác biệt của Bách Hóa Xanh, ông Doanh cho biết MWG sẽ mở rộng số lượng cửa hàng lên 300. Xây dựng trung tâm phân phối để tiêu thụ 100% sản phẩm của BHX, khoảng đến tháng 5 - 6 thì trung tâm này sẽ hoàn tất. Bên cạnh đó, kiểm soát chi phí bán hàng tốt nhất, mua hàng (đầu vào) giá tốt nhất. Hiện lãi gộp của BHX hiện khoảng 12%, đến cuối năm, tỷ lệ này có thể tăng lên 16-18%. Về danh mục sản phẩm, Công ty đang tiến hành cô đặc lại những sản phẩm thiết yếu nhất.
      Một cổ đông cũng đặt vấn đề với ban lãnh đạo MWG rằng chính họ cũng chưa biết lý nào thuyết phục để mua những sản phẩm như sữa, trái cây ở cửa hàng Bách Hóa Xanh?
      Ông Trần Kinh Doanh cho biết, riêng mặt hàng sữa hiện tại BHX chưa có được đầu vào tốt nhưng có thể kỳ vọng khi quy mô của BHX tăng lên. Còn đối với hàng trái cây thì cũng còn mới nên BHX chưa thể tiếp xúc được đối với nguồn hàng tận gốc nên chất lượng chưa đồng đều. Ông Doanh cũng cho rằng, nếu nhìn vào hàng tươi sống của BHX hiện nay so với trước đó khoảng 3 tháng đã có sự khác biệt rất lớn.
      Một cổ đông khác đặt vấn đề bài toán tiếp theo của MWG trong kế hoạch phát triển ra thị trường thế giới khi mà thị trường trong nước có rủi ro bão hòa.
      Ông Tài cho biết, hiện chúng tôi đang thử nghiệm tại thị trường Campuchia. Thị trường Myanmar hay Indonesia cũng rất tiềm năng. Tuy nhiên, ông Tài cho biết hiện MWG chưa có kế hoạch này.
      Cổ đông quan tâm về các khoản phải thu liên quan đến “Công ty Di Động Thông Minh”? Đại điện MWG cho biết đây là khoản thu từ công ty cung cấp sản phẩm Oppo cho MWG. Đây là khoản thu liên quan đến chiết khấu và cũng đã được thu về.
      Các điều khoản mua bán đối với các nhà cung cấp? Ông Tài cho biết: MWG thực hiện mua mua đứt bán đoạn và mua hàng phải có bảo vệ giá chứ mua xong thì nhà cung cấp giảm giá bán ngay. Do đó, nhiệm vụ của MWG là phải mua hàng vừa đủ để bán chứ không phải mua để kho vài tháng bán không được.
      Tham vọng đẩy thị phần Điện máy xanh lên 25%
      Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch MWG cho biết, trong năm 2016 MWG đã mở rộng hệ thống với 570 siêu thị được khai trương, nâng tổng số siêu thị lên 1.207. Công ty đã hoàn tất thử nghiệm mô hình Bách hóa Xanh với hơn 40 cửa hàng hoạt động tại quận Tân Phú, Tp. HCM.
      Theo báo cáo của HĐQT, năm 2016, kết quả kinh doanh cùng mạng lưới phân phối của MWG đều tăng trưởng. Doanh thu năm 2016 đạt 44.613 tỷ đồng, tăng 77% và vượt 31% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.578, tăng 47% so với năm trước và vượt 14% kế hoạch đề ra.
      Năm 2017 doanh thu dự kiến của Thế giới di động là 63.280 tỷ đồng, tăng 35% và lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 2.200 tỷ đồng, tăng 29%. Tổng số siêu thị của MWG tăng lên 1.207, trong đó chuỗi thegioididong.com có 951 siêu thị, chuỗi Điện máy XANH có 256 siêu thị và hơn 40 cửa hàng chính thức hoạt động ở quận Tân Phú, TP. HCM.
      Công ty đặt mục tiêu nâng thị phần chuỗi Điện máy Xanh lên trên 25% thông qua việc tăng trưởng doanh thu của các siêu thị cũ và mở thêm 200 siêu thị mới; tìm ra “công thức chiến thắng” trong giai đoạn 2 của chuỗi siêu thị mini Bách Hóa Xanh trước cuối năm 2017 để bước vào giai đoạn mở rộng trong năm 2018.
      Đối với mảng online, MWG đặt mục tiêu đẩy mạnh bán hàng trực tuyến, đưa doanh thu online tăng gấp đôi lên 6.650 tỷ đồng; hoàn thiện và nâng cao chất lượng dịch vụ trang thương mại điện tử Vuivui.com.
      Đầu tư nghìn tỷ cho Bách Hóa Xanh và M&A
      Một trong các mục tiêu khác của MWG trong năm 2017 là việc tìm kiếm cơ hội thực hiện các thương vụ M&A với các đơn vị bán lẻ khác trong hoặc ngoài ngành. Định mức đầu tư dự kiến sẽ không quá 500 tỷ đồng.
      Bên cạnh đó, nhiều kế hoạch đầu tư được MWG dự kiến thực hiện năm tới. Cụ thể, MWG tính chi 135 tỷ đồng (6 triệu USD) để thành lập Công ty CNTT trong Khu công nghệ cao với mục đích cung câp các dịch vụ, giải pháp công nghệ thông tin (hệ thống ERP, Website, bảo mật hệ thông.,.) cho tât cả các chuôi bán lẻ trong và ngoài nước của MWG và các Công ty con.
      Đối với mảng Bách hóa Xanh, MWG sẽ sử dụng 500 tỷ từ vốn tự có, lợi nhuận giữ lại chưa phân phối để phục vụ cho kế hoạch phát triển kinh doanh Bách hóa Xanh trong năm 2017. Việc đầu tư dự kiến thực hiện trong quý II/2017.
      Thưởng cổ phiếu 1:1
      Theo tờ trình phương án phân phối lợi nhuận, MWG dự kiến sẽ chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 15%, tương tự như năm 2015. Với gần 154 triệu cổ phiếu đang lưu hành, dự kiến, MWG cần chi ra 231 tỷ đồng.
      Ngoài ra, MWG còn dự định phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu. Vốn điều lệ của MWG qua đó sẽ tăng gấp đôi từ 1.538,95 tỷ đồng lên gần 3.078 tỷ đồng. Việc phát hành dự kiến vào quý II/2017 sau khi hoàn tất việc chi trả cổ tức 2017 bằng tiền mặt.
      MWG cũng trình cổ đông thông qua kế hoạch thưởng ESOP cho quản lý chủ chốt có đóng góp cho sự thành công vượt bậc của kinh doanh của Công ty và các công ty con trong năm 2016. Nhờ lợi nhuận tăng trưởng hơn 10% và giá cổ phiếu MWG trung bình năm 2016 tăng 32% nên tỷ lệ phát hành ESOP đạt mức tối đa 3% trên tổng số cổ phiếu lưu hành (dự kiến 307,8 triệu cổ phiếu). Số lượng cổ phiếu thưởng ESOP là 9.235.388 cổ phiếu dự kiến sẽ phát hành vào tháng 12/2017 (nếu theo thị giá hiện tại thì số tiền sẽ hơn 1.500 tỷ đồng). Cổ phiếu ESOP sẽ hạn chế chuyển nhượng trong vòng 4 năm.