Không chỉ cùng 5 đối tác rót nghìn tỷ đầu tư xây dựng mới nhà ga sân bay quốc tế Cam Ranh, mới đây công ty của ông Johnathan Hạnh Nguyễn tiếp tục có động thái muốn đầu tư vào một dự án nhà ga sân bay khác.
Tháng 2 năm 2016, Công ty Cổ phần Nhà ga quốc tế Cam Ranh (CRTC) được thành lập với số vốn điều lệ là 600 tỷ đồng, trong đó 90% là vốn tư nhân và 10% vốn nhà nước nhằm mục đích xây dựng mới Dự án Nhà ga hành khách quốc tế - Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh, đây cũng là bước cụ thể hóa chủ trương huy động các nguồn lực xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không của Chính phủ.
Đáng chú ý đó là ông Johnathan Hạnh Nguyễn có vai trò chính khi là chủ tịch HĐQT của CRTC. Được biết, CRTC có 6 cổ đông sáng lập gồm: ACV, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPP), Công ty Sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh, Công ty Việt Xuân Mới, Công ty Giao nhận hàng hoá Nasco và Vietjet.
Theo thông tin từ cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, IPP là cổ đông nắm chi phối ở CRTC. Ông Johnathan Hạnh Nguyễn đồng thời cũng là chủ tịch của IPP.
Mục tiêu của CRTC là sẽ đầu tư giai đoạn 1 của nhà ga này nhằm đáp ứng nhu cầu đón khoảng 2,5 triệu khách mỗi năm, và mục tiêu đến 2030 sẽ đón được khoảng 8 triệu khách khi toàn bộ dự án hoàn thành. Được biết, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 3.735 tỷ đồng, xây dựng khoảng 50.500m2 sàn và 10 của ra máy bay (4 cổng tiếp xúc và 6 cổng ra bãi đỗ xa). Mới đây, CRTC đã ký kết với 2 ngân hàng lớn là Vietcombank và Vietinbank thu xếp khoản tín dụng với tổng giá trị 3.000 tỷ đồng.
Chưa dừng lại ở dự án này, theo nguồn tin từ Báo Đầu tư, IPP mới đây đã có đề xuất Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vào tuần trước, IPP mong muốn được cùng với ACV đầu tư xây dựng hành khách T3, T4 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất theo quy hoạch và chủ trương được phê duyệt.
Được biết, hồi đầu tháng 3/2017 Cục hàng không Việt Nam đã trình Bộ GTVT phương án điều chỉnh quy hoạch sân bay Tân Sơn Nhất. Theo đó, phương án sẽ xây mới nhà ga T3, T4 có công xuất khoảng 10 triệu lượt khách/năm. Đồng thời xây mới khu dịch vụ kỹ thuật, hangar (nhà đỗ máy bay), sân đỗ tàu bay trước hangar trên khu đất 30 ha phía Bắc của Cảng; xây mới khu dịch vụ kỹ thuật gồm khu bảo dưỡng sửa chữa thiết bị máy bay, kho hàng, khu chế biết suất ăn, khu tập kết… tại khu đất 10 ha phía Đông Nam của Cảng; mở rộng đường 18E nối từ đường Cộng Hòa vào nhà ga hành khách T4, đồng thời cải tạo, mở rộng đường Hoàng Hoa Thám để nối từ đường Cộng Hòa vào nhà ga T3.
Dự án mở rộng 2 nhà gà T3 và T4 cũng đang nằm trong chủ trương xã hội hóa đầu tư để nâng công xuất sân bay Tân Sơn Nhất lên 45 triệu lượt khách/năm, và có tính cấp bách cao (triển khai xây dựng không quá 2 năm). Theo cam kết của CRTC nếu được làm chủ đầu tư, đơn vị này sẽ hoàn thành nhà ga T3 và T4 Tân Sơn Nhất trong 18 tháng kể từ khi khởi công.
Tuy nhiên, không chỉ có IPP của tỷ phú Johnathan Hạnh Nguyễn mà ngay khi có chủ trương mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, nhiều đại gia khác cũng đang quan tâm ngay khi có thông tin điều chỉnh quy hoạch và mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất.
Đáng chú ý trong đó là Vietjet, là đơn vị có đề xuất sớm nhất lên Bộ GTVT vào hồi tháng 1/2017. Vietjet đề xuất đầu tư nhà ga T4 có công suất khoảng 10 triệu hành khách/năm tại lô đất tiếp giáp khu vực sân đỗ 21 ha. Ngoài ra, hãng hàng không này cũng mong muốn đầu tư Dự án tổ hợp kỹ thuật và dịch vụ trên khu đất 30ha, với tổng mức đầu tư 3.048 tỷ đồng để xây một nhà ga hàng hóa, khu sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay…
Hồi đầu tháng 3 mới đây, Liên danh Công ty cổ phần Kết cấu thép Atad - Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và phát triển Nam Việt Á cũng ngỏ ý với Bộ GTVT được là cổ đông trong doanh nghiệp xây dựng nhà ga T3 và T4.
Phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất: 7 phương án chia làm 3 nhóm
Nhóm phương án 1: Xây mới đường cất hạ cánh số 3 ở phía Bắc sân golf, xây 2 nhà ga mới và các công trình phụ trợ nằm trên đất sân golf. Tổng mức đầu tư 201.350 tỷ đồng, thời gian xây dựng trên 15 năm, giải phóng 626 hécta mặt bằng, trong đó có khu quân sự, sân golf và 322 hécta đất dân cư với khoảng 140 ngàn hộ dân.
Nhóm phương án 2: Xây mới đường cất hạ cánh số 3, nhà ga T3, T4 với chi phí đầu tư ước tính 100.961 tỷ đồng. Thời gian xây dựng từ 10 đến trên 15 năm.
Nhóm phương án 3: không xây mới đường cất hạ cánh, chỉ xây mới các nhà ga, sân đỗ, khu kỹ thuật.
Tại một số cuộc hợp giữa các bên liên quan, phương án đang được cân nhắc là: Xây mới nhà ga T3, T4 để nâng công suất sân bay lên 43-45 triệu lượt khách, đường lăn song song và các đường nối giữa đường cất hạ cánh hiện hữu, chỉ phải GPMB 24,5ha đất quân sự. Chi phí ước tín khoảng 19.350 tỷ đồng, thời gian xây dựng hoàn thành trong 2-3 năm.
Hiện phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất đang trình Chính phủ quyết định.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét