Quỹ đầu tư tư nhân 3G Capital của Brazil được xem là "kẻ săn hàng" đáng sợ nhất ngành thực phẩm.
3G Capital là công ty đầu tư tư nhân trị giá hàng tỷ USD, được thành lập vào năm 2004 dưới sự hợp tác của Jorge Paulo Lemann, Carlos Alberto Sicupira, Marcel Herrmann Telles và Roberto Thompson Motta.
Công ty này được biết đến rộng rãi trong mối hợp tác cùng tập đoàn Berkshire Hathaway của tỷ phú Warren Buffett trong nhiều thương vụ mua lại gồm cả Burger King, Tim Hortons và Kraft Foods.
Được thành lập bởi tỷ phú giàu có nhất Brazil
Lemann thành lập công ty đầu tư 3G Capital từ năm 2004. Nói về Lemann và 3G, nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett đã phải thốt lên: “Họ đã làm được nhiều việc lớn và trong tương lai sẽ còn làm được những việc lớn hơn thế. Họ đưa ra những tiêu chuẩn rất cao và tự mình vượt qua những tiêu chuẩn đó.”
Lãnh đạo công ty đầu tư lớn là vậy nhưng Lemann lại là tỷ phú cực kỳ kín tiếng, khá kiệm lời, ít nhất là đối với giới truyền thông.
Được Berkshire Hathaway của Buffett hỗ trợ tới trên 20 tỷ USD, Lemann đang ghi lại dấu ấn lên nền kinh tế thế giới, trở thành người giàu nhất Brazil với tài sản ròng 29,1 tỷ USD theo thống kê của Bloomberg.
Có thể nói Lemann là một nghệ sĩ trong các thương vụ mua bán và sáp nhập. Cá nhân ông quan tâm đến các nhãn hiệu cao cấp và ghét các công ty có chi phí không cần thiết, bao gồm cả chi phí nhân sự.
Khi nghe Jorge Paulo Lemann mô tả về triết lý kinh doanh của 3G Capital, bạn sẽ tưởng nhầm là ông ấy đang nói về cách chạy trong một cuộc thi marathon: “Khi đang chạy, bạn luôn tập trung hướng tới đích, khi làm việc thật sự chăm chỉ, bạn cũng đang sử dụng triệt để tất cả thời gian mình có”.
“Kẻ săn hàng” đáng sợ nhất ngành thực phẩm
Vì là quỹ đầu tư tư nhân nên thông tin chi tiết về số tài sản của 3G Capital không được tiết lộ. Tuy nhiên, nhìn vào danh mục đầu tư của công ty này có thể nói công ty này đang nắm trong tay khối tài sản khổng lồ.
Nói đến những thương vụ đầu tư của 3G Capital người ta không thể không nhắc đến vụ thâu tóm ồn ào diễn ra vào năm 2010 khi công ty này đã mua lại Burger King với giá 3,3 tỷ USD từ các nhà đầu tư gồm cả Goldman Sachs, TPG Capital và Brain Capital và sau đó biến công ty này thành công ty tư nhân. Thỏa thuận này được tuyên bố vào tháng 9/2010 và hoàn tất vào tháng 11. Các cổ đông nhận được 24 USD/mỗi cổ phiếu bằng tiền mặt.
Dưới sự lãnh đạo mới, Burger King ra mắt menu mới và những chiến lược marketing độc đáo. Tháng 6/2012, Burger King một lần nữa IPO trên sàn chứng khoán thông qua thương vụ trị giá 1,4 tỷ USD với Jusstice Holdings. Mặc dù tái lên sàn nhưng 3G Capital vẫn nắm giữa 71% cổ phần của công ty.
Tháng 12/2014, chính phủ Canada đã chấp thuận thương vụ mua lại tim Hirton của 3G Capital với số tiền kỷ lục 12,5 tỷ USD. Sau đó, công ty này đã sáp nhập Burger King với Tim Hortons để trở thành Restaurant Brands International.
Năm 2013, khi Lemann dàn xếp việc mua lại hãng nước sốt cà chua Heinz với giá 23 tỷ USD, Buffett tham gia bằng cách chi 4,25 tỷ USD mua một nửa số cổ phiếu phổ thông và chi thêm 8 tỷ USD mua cổ phiếu ưu đãi. Vừa mua lại công ty xong, 3G đưa ra đội quản lý mới, cắt giảm 7.000 nhân công, đóng cửa 5 nhà máy và thực hiện hạch toán chi phí cẩn thận từ nguyên liệu thô từ đầu năm. Do đó, tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu tăng lên 26% chỉ sau 1 năm rưỡi, mở đường cho việc Heinz mua lại Kraft.
Cũng vì thực hiện những thương vụ quá lớn nên 3G Capital không tránh khỏi nhưng điều tiếng, chịu nhiều áp lực dư luận do chiến lược tại Burger King. Sau khi Burger King mua chuỗi Tim Hortons, Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren cáo buộc liên doanh này chuyển giá để trốn thuế. Công ty mới có trụ sở tại Canada, mà ở nước này, thuế thấp hơn Mỹ. Buffett - người đưa công ty lên mức 3 tỷ USD cho rằng thỏa thuận đạt được không phải do thuế. Tuy nhiên, việc mua lại này nằm trong xu hướng chung khi rất nhiều công ty Mỹ chuyển ra nước ngoài để giảm gánh nặng về thuế.
Các đối thủ cạnh tranh đang vật lộn để đối phó khi 3G sẵn sàng cắt giảm sâu các loại chi phí. Theo Chủ tịch Nestlé Peter Brabeck-Letmathe thì 3G và Berkshire "đang phá nát thị trường thực phẩm, đặc biệt là ở Mỹ bằng các vụ mua lại nối tiếp". Tuy nhiên, các CEO không thể không sao chép những nước cờ mà Lemann đã đi: từ Kellogg, Campbell Soup đến Mondelēz International (công ty thực phẩm ăn nhẹ tách ra từ Kraft vào năm 2012) đều đi theo chiến lược tương tự của 3G.
Mới đây nhất là thương vụ với Unilever. Kraft dưới sự hậu thuẫn của 3G Capital cùng tỷ phú Warren Buffett đã không ngần ngại đưa ra lời đề nghị mua lại Uniliver với mức giá 143 tỷ USD. Đây được cho là giây phút đáng sợ đối với Uniliver khi trên bờ vực bị "nuốt chửng".
Thậm chí, Graeme Pitkethly, Giám đốc Tài chính Unilever, phát biểu tại một cuộc họp ngành diễn ra 1 tuần sau khi Kraft Heinz ra giá mua lại: “Đây chắc chắn là giây phút choáng váng cho Unilever”.
Dù rút lại lời đề nghị mua lại chỉ 48 tiếng sau đó, nhưng hành động này chứng tỏ tiềm lực không hề nhỏ của 3G Capital. Đây rõ ràng không phải tuyên bố "cho vui" bởi trước đó phía 3G Capital đã xác nhận về việc họ sắp tiến hành huy động vốn thêm ở vòng mới nhằm phục vụ cho các thương vụ thâu tóm kế tiếp.
Cuối cùng, nhiều người đồn rằng, khi có ai đó hỏi Lemann vụ sáp nhập mà ông mơ ước là gì, Lemann trả lời: "Chúng tôi muốn có Coca Cola". Theo quan điểm của Lemann, Coca Cola rất khó cắt giảm chi phí bởi có đến 100.000 nhân viên, thậm chí ông còn đùa rằng nếu để 3G quản lý Coca Cola, chỉ có 200 công nhân được giữ lại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét