Nếu năm 2013, người Việt phải bỏ ra trung bình tới 5,5 triệu đồng cho một chiếc smartphone thì chỉ 4 năm sau, tới năm 2016, con số này chỉ còn là 3,7 triệu đồng. Dự báo trong năm 2017 tới đây, mức giá sẽ tiếp tục giảm và đó chẳng thể là tin vui cho các nhà bán lẻ như FPT Shop hay Thế giới di động.
Theo báo cáo nghiên cứu thị trường của Gfk, năm 2013, người Việt tiêu thụ khoảng 6,2 triệu chiếc smartphone, giúp thị trường này thu về 34.000 tỷ đồng. Tức là vào thời điểm đó, người Việt Nam sẽ chi trả trung bình 5,5 triệu đồng cho một mẫu smartphone. Tốc độ này đã tăng mạnh vào năm 2014, với mức tăng trưởng gần 40%: Có 11 triệu chiếc smartphone được bán ra với doanh thu ước tính khoảng 48.000 tỉ đồng.
Sự nhảy vọt về doanh số di động trùng với thời điểm hoàng kim của các chuỗi bán lẻ trong nước. 2014 cũng là năm Thế giới di động niêm yết trên sàn chứng khoán với mã cổ phiếu MWG. Sau khi lên sàn, Thế giới di động đã liên tục mở mới và hiện tại đã có gần 1.000 cửa hàng bán lẻ di động trên toàn quốc. Theo sau đó là FPT Shop với khoảng 400 cửa hàng.
Đi qua đỉnh nóng, trong vài năm trở lại đây, doanh số của smartphone đã có dấu hiệu chững lại. Dự đoán trong năm 2017 này, số lượng smartphone bán ra sẽ đạt 23,6 triệu chiếc, tăng trưởng khoảng 19% so với năm 2016. Đó cũng là một tín hiệu cho thấy thị trường bước vào giai đoạn bão hòa.
Tuy nhiên, có một vấn đề nghiêm trọng hơn cho các nhà bán lẻ. Đó là doanh số được dự báo tăng 19%, nhưng doanh thu thị trường dự báo chỉ tăng khoảng 7%, từ mức 73,3 nghìn tỉ lên mức 78,6 nghìn tỉ đồng trong năm 2017.
Trong khoảng thời gian từ 2013 - 2017, số lượng smartphone tiêu thụ ở Việt Nam tăng hơn 3 lần, nhưng giá trị thị trường chưa tăng tới gấp đôi. Điều này cho thấy giá trung bình khi mua 1 chiếc smartphone tại Việt Nam đang ngày một rẻ đi.
Thống kê cũng cho thấy, giá smartphone đã liên tục giảm. Năm 2013, người Việt phải bỏ ra trung bình tới 5,5 triệu đồng cho một chiếc smartphone thì chỉ 4 năm sau, tới năm 2016, con số này chỉ còn là 3,7 triệu đồng, thấp hơn 33% so với năm 2013.
Gfk dự báo trong năm 2017 tới đây, mức giá trung bình được chi trả sẽ tiếp tục giảm xuống chỉ còn khoảng 3,3 triệu đồng một chiếc.
Đứng ở góc độ người tiêu dùng, có thể thấy điều này khá có lợi. Họ có thể dễ dàng mua cho mình một chiếc smartphone có giá cả phải chăng.
Tuy nhiên, đứng về phía các nhà bán lẻ di động, đây là một tín hiệu đáng buồn hơn là vui. Điều này đồng nghĩa với việc mỗi chiếc smartphone bán ra, nhà bán lẻ ngày càng thu được ít tiền hơn. Lợi nhuận biên của nhà bán lẻ tiếp tục bị bào mỏng.
Vì giá điện thoại không ngừng giảm, để duy trì mức tăng doanh thu, các nhà bán lẻ buộc phải liên tục mở thêm cửa hàng. Đó là câu chuyện của ngành bán lẻ di động giai đoạn 2014 – 2016. Tốc độ "2 ngày mở 1 cửa hàng" của Thegiodidong.com đã từng trở thành hiện tượng của thị trường bán lẻ trong nước.
Mặc dù vậy, theo thời gian, khi thị trường bão hòa thì việc có quá nhiều cửa hàng bắt đầu thành gánh nặng.
Doanh thu bình quân trên mỗi cửa hàng TGDĐ năm 2016 đã giảm khoảng 30%, từ mức 45,8 tỉ đồng năm 2014 xuống chỉ còn khoảng 32,5 tỉ đồng năm 2016, mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua, ngang ngửa so với năm 2012 - khi thị trường mới được khai phá.
Tất nhiên, nếu nhìn theo khía cạnh tích cực, việc thị trường tăng trưởng chậm lại và tiến gần tới trạng thái bão hòa cũng là điều bình thường. Với doanh thu vẫn tăng khoảng 7% trong năm nay, các cửa hàng TGDĐ lẫn FPT Shop cũng sẽ không gặp khó khăn gì quá lớn trong năm 2017 này. Hiện tại, TGDĐ và FPT Shop đang đứng ở 2 vị trí dẫn đầu với trên 50% thị phần di động, nếu thị trường vẫn tăng thì chắc chắn doanh thu của 2 chuỗi này cũng tăng theo. Chỉ có điều, tốc độ tăng trưởng như này sẽ khiến TGDĐ lẫn FPT Shop không còn mặn mà với việc mở mới nữa.
Trong báo cáo gửi tới cổ đông năm 2017, Thegioididong.com không đặt mục tiêu mở thêm một số lượng cửa hàng cụ thể nào mà chỉ nói chung là kiểm soát chặt chẽ và nâng cao chất lượng phục vụ. Một cách nôm na, chuỗi bán lẻ di động sẽ tìm cách để "tối ưu hóa doanh thu trên từng điểm bán".
Còn như FPT Shop, CEO Nguyễn Bạch Điệp từng chia sẻ, 2 năm tới FPT Shop sẽ không mở mới cửa hàng nữa. Thay vào đó, chuỗi này sẽ nghiên cứu và chọn lựa một số hướng đi mới để tạo đà tiếp tục tăng trưởng doanh thu.
Tuy nhiên, đó mới là vấn đề trong ngắn hạn. Còn về dài hạn, việc thị trường ngưng tăng trưởng và rơi vào trạng thái suy giảm sẽ là điều khó tránh. Cả TGDĐ lẫn FPT Shop đều chưa phải đối mặt với vấn đề này trong năm nay, nhưng đều đã chuẩn bị sẵn sàng tâm lý để thay đổi. Với TGDĐ, họ đang nỗ lực đẩy mạnh chuỗi Điện máy Xanh và năm nay là Bách hóa Xanh. Với FPT Shop, chuỗi này cũng đang tìm hướng đi mới mà điển hình là tuyên bố hợp tác bán sữa Vinamilk hồi năm ngoái.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét