Từ dưa hấu trái tim đến nho Hồng ngọc La Mã, những nhà bán lẻ này chuyên bán các sản phẩm "chảy nước miếng" với cái giá "chảy nước mắt".
Trông giống như một cửa hàng trang sức với ngoại thất cao cấp nhưng khi nhìn vào bên trong các tủ kính lấp lánh ở bất kỳ cửa hàng nào của Sembikiya ở Tokyo, người ta sẽ thấy một kho báu đáng ngạc nhiên.
Những loại hoa quả đắt tiền, được tạo hình cẩn thận, không phải chỉ có ở các cửa hàng của Sembikiya.
Một cửa hàng trái cây cao cấp của Sembikiya
Trên khắp Nhật Bản, các sản phẩm như vậy thường bán với giá hàng chục ngàn USD tại các buổi đấu giá. Vào năm 2016, một đôi dưa gang cao cấp Hokkaido từng được bán với mức giá kỷ lục là 27.240 USD (3 triệu yên).
"Trái cây được đối xử khác biệt trong văn hoá châu Á và đặc biệt trong xã hội Nhật Bản", Soyeon Shim, Hiệu trưởng Khoa Sinh thái nhân văn tại Đại học Wisconsin-Madison, nói với CNN. "Việc mua và tiêu thụ trái cây gắn liền với các hoạt động văn hoá xã hội".
Việc trồng trọt
Việc nuôi trồng sản phẩm cao cấp thường đòi hỏi các kỹ thuật tỷ mỉ, sử dụng nhiều lao động do người nông dân Nhật Bản phát triển.
"Thật khó để tạo ra hình dáng của những quả dâu tây này - đôi khi nó có thể trở thành hình cầu", Okuda Nichio nói về một trong số những quả dâu tây Bijin-hime (công chúa xinh đẹp) từng đạt giải của mình.
"Tôi mất 15 năm để đạt được mức độ hoàn hảo này".
Mỗi quả dâu tây của ông Nichio mất 45 ngày để thu hoạch tại trang trại Okuda ở quận Gifu, và mặc dù không đi sâu vào chi tiết về cách chúng được sản xuất, ông tin rằng thời gian chờ đợi là hoàn toàn xứng đáng. "Tôi không thể nói cho bạn biết chính xác phương pháp là gì bởi vì nếu không người khác sẽ bắt chước", ông nói.
Dâu tây Bijin-hime
Những quả dâu tây cỡ lớn nhất là bằng quả bóng tennis, và ông chỉ sản xuất khoảng 500 quả mỗi năm, thường bán với giá hơn 500.000 Yên (4.395 USD) mỗi quả.
Đây cũng là một chiến thuật của các nhà sản xuất nho "Hồng ngọc La Mã" của Nhật Bản, họ chỉ cung cấp 2.400 chùm mỗi năm.
"Những trái nho rất to và đỏ - giống như những viên hồng ngọc. Đó là cả một quá trình khó nhọc để đạt được màu đỏ như thế này", ông Hirano Keisuke, phát ngôn viên của hãng, cho biết.
Được ra mắt lần đầu tiên vào năm 2008, hiện nay, mỗi chùm có thể bán với giá trên 100.000 Yên (880 USD) – hoặc có thể cao hơn nhiều.
Loại nho này có tên "Hồng ngọc La Mã" vì hình dáng tương tự viên đá quý
Năm ngoái, ở Tây Nam Nhật Bản, một siêu thị từng chi 1,1 triệu Yên (9.700 USD) cho chùm nho "Hồng ngọc La Mã" đầu tiên trong một cuộc đấu giá. Chỉ có 30 trái tất cả, chùm nho này phá vỡ kỷ lục với giá 320 USD mỗi trái.
Quà tặng của sự hoàn hảo
Vậy tại sao người tiêu dùng Nhật Bản lại sẵn sàng trả giá rất cao cho trái cây?
Trong văn hoá phương Tây, táo và cam được đánh giá cao về giá trị dinh dưỡng, người Nhật Bản nhìn nhận trái cây theo ý nghĩa tâm linh và thường xuyên dâng lên các vị thần trên bàn thờ tại gia và nơi cửa Phật.
Dù to hay nhỏ, trái cây cao cấp đều được đóng gói cẩn thận
Vì lý do này, trái cây cao cấp được xem như một biểu tượng quan trọng của lòng tôn kính.
Ken Gehrt, Giáo sư marketing tại Đại học San Jose State, California, cho biết trái cây có tầm quan trọng đặc biệt trong mùa lễ tặng Ochugen và Oseibo, khi người Nhật tặng quà cho nhau để bày tỏ sự tôn trọng.
Con mắt người xem
Tấm lòng và cách trình bày tuyệt vời được thể hiện từ những món quà trái cây nhỏ nhất.
Từng quả dâu tây không tỳ vết như vậy thường được bán trong hộp đựng giống hộp trang sức, trong khi dưa được gói riêng và bày trong hộp gỗ trang trí hoa văn.
Đối với một số người tiêu dùng, giá cao sẽ làm tăng uy tín và chất lượng sản phẩm. Mặc dù không phải tất cả người tiêu dùng Nhật Bản đều mua trái cây đắt tiền để tặng - nhiều người đánh giá cao sự tinh tế của mặt hàng này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét