Thứ Sáu, 31 tháng 3, 2017

Why: Lý thuyết kinh doanh này giải thích vì sao Kinh Đô lại đi bán bánh bao và bạn chưa vội lo lắng khi kinh doanh chuỗi chậm sinh lời

Tôi có chuỗi cà phê mang tên Uber có 10 quán, nhưng lợi nhuận trung bình thua 1 quán cà phê Grab mà V sở hữu. Không hề gì, kinh doanh chuỗi cần đạt được 'tầm ảnh hưởng' (impact) hơn là 'lợi nhuận' (profit) 

#Why: Lý thuyết kinh doanh này giải thích vì sao Kinh Đô lại đi bán bánh bao và bạn chưa vội lo lắng khi kinh doanh chuỗi chậm sinh lời
Kinh tế học không chỉ bó hẹp trong giảng đường hay ngân hàng. Môn khoa học này tồn tại ở khắp mọi nơi và ảnh hưởng tới mọi thứ chúng ta làm hoặc nhìn thấy trên phim ảnh cũng như đời thực. Nó có thể giúp ta lý giải những "bí ẩn" lý thú trong cuộc sống như Vì sao ngăn mát tủ lạnh có đèn nhưng ngăn đá thì không hay,...
Chuỗi bài #Why vào thứ 2-4-6 hàng tuần để giúp bạn thấy kinh tế học không khô khan như bạn nghĩ. Nội dung bài viết được truyền cảm hứng từ cuốn sách "Nhà tự nhiên kinh tế" của tác giả Robert H. Frank.

Buổi họp lớp Đại học, tôi gặp lại V – ‘kỳ phùng địch thủ’ hồi còn học tại khoa Tài chính trường Ngoại Thương. Nói là ‘kỳ phùng địch thủ’ là trong mọi cuộc thi, V luôn là đối thủ trực tiếp của tôi ở những vòng cuối.
Gạt gã này qua một bên và nói chuyện với anh em bạn bè cũ, chúng tôi hỏi thăm sức khỏe nhau một hồi rồi quay ra nói về chuyện làm ăn. Tôi cũng đang sở hữu một chuỗi 10 quán cà phê mang tên Uber, được báo chí nhắc tên nhiều ngày nay nên cũng được anh em bạn bè hỏi han nhiều.
“Oan gia ngõ hẻm” - khi nói chuyện thì tôi mới hay tay đối thủ năm xưa kia cũng đồng thời đang kinh doanh cà phê. Khác với tôi, V chỉ mở một quán mang tên Grab, tuy nhiên tiền nong mà 1 quán Grab này mang về thì “ngon ngẻ” hơn hẳn 10 quán Uber của tôi.
Mở đồng thời cả 10 quán, chuỗi Uber của tôi có chi phí vận hàng tương đối cao. Mỗi tháng, sau khi lấy doanh thu trừ đi hết mọi chi phí thì lợi nhuận còn lại của 10 quán Uber chẳng đáng là bao. Thậm chí, nếu chia trung bình ra thì còn thua lợi nhuận quán Grab của V.
V biết vậy nên vui lắm. Hắn nhếch mép cười và tự hào rằng một mình quán Grab của hắn cũng đủ đánh bại cả chuỗi Uber hoành tráng của tôi. Cảm giác tự hào tràn đầy, V thể hiện sự hài lòng và đắc chí ra mặt.
Còn tôi thì cũng chỉ cười khẩy theo. Tôi ước rằng V có thể biết được một nguyên tắc này trong kinh doanh chuỗi cửa hàng:
Lợi nhuận (Profit) không phải tất cả, thứ quan trọng nhất là tầm ảnh hưởng (Impact)
Tại sao lại thế ?
Thứ nhất, lợi nhuận của một đơn vị kinh doanh (như một quán cà phê) trong kinh doanh chuỗi không phải là điều quan trọng nhất.
Khi mới mở ra một cửa hàng, bạn sẽ cần làm mọi thứ để thu hút khách hàng đến. Bởi lẽ, khách hàng đến mua hàng thì dần dần khoản chi phí bạn đã đổ vào trước đó mới được cân bằng. Bỏ qua mọi mục tiêu xa vời, đạt được điểm hòa vốn (break-even point) chắc chắn sẽ là ưu tiên hàng đầu của mọi cửa hàng khi mới ra đời.
Thế nhưng đối với kinh doanh theo chuỗi, khi một cửa hàng đã bắt đầu đạt được điểm hòa vốn, lợi nhuận không còn là thứ quan trọng nhất nữa. Bởi lẽ, khi điểm hòa vốn, hoặc mức thu lời ổn định (dù có thể không cao) đã đạt được thì có nghĩa là cửa hàng đó đã bắt đầu tự tồn tại được.
Lúc này, tốt hơn hết là không cần phải quan tâm đến cửa hàng này nữa. Thời gian, công sức và tiền bạc nên được sử dụng cho kế hoạch mở những cửa hàng tiếp theo. Nói như vậy thì có thể thấy việc 1 quán Grab của V lãi to thực ra cũng chẳng phải là điều gì quá to tát.
Thứ hai, tầm ảnh hưởng (impact) là thứ quan trọng hơn lợi nhuận (profit)
‘Tầm ảnh hưởng’ là khả năng tác động (và mang lại lợi ích) cho nhiều người. Một công ty hoàn toàn có thể có tầm ảnh hưởng cao nhưng lợi nhuận lại không cao:
Siêu thị có 100 nhân viên, Thu nhập mỗi nhân viên là 5 triệu/tháng. Siêu thị trả tiền thuê mặt bằng cho chủ cho thuê là 100 triệu và lợi nhuận siêu thị đạt là 30 triệu/tháng. Như vậy, tầm ảnh hưởng (tính theo thu nhập của tất cả mọi người liên quan) của siêu thị là 630 triệu/tháng.
– Trong khi đó, một cửa hàng tạp hóa có 10 nhân viên. Thu nhập mỗi nhân viên là 5 triệu/tháng. Tiền trả mặt bằng cho chủ nhà là 10 triệu/tháng và cửa hàng này thì có lợi nhuận là 40 triệu/tháng. Như vậy, tầm ảnh hưởng của cửa hàng tạp hóa là 100 triệu/tháng.
Như vậy, xét về lợi nhuận, thì cửa hàng tạp hóa sẽ hơn siêu thị, nhưng về tầm ảnh hưởng thì siêu thị hơn cửa hàng tạp hóa rất nhiều.
Có một nguyên tắc trong kinh doanh chuỗi là phải để tầm ảnh hưởng của chuỗi lớn hơn lợi nhuận. Điều đó là vì lợi nhuận chỉ là lợi ích của bạn, trong khi tầm ảnh hưởng là mức lợi ích của toàn bộ những người có liên quan đến chuỗi cửa hàng.
Khi một chuỗi cửa hàng mang lại lợi ích nhiều hơn cho mọi người, dĩ nhiên là chuỗi cửa hàng ấy sẽ có nhiều sức mạnh hơn. Nếu cần thiết, chủ sở hữu là bạn hoàn toàn có thể điều chỉnh mức phân chia lợi ích cho nhân viên và nhận được nhiều lợi nhuận hơn sau này.
Cuối cùng, tầm ảnh hưởng, chính là vũ khí giúp chuỗi cửa hàng của bạn tăng trưởng thần kỳ
Đây cũng chính là lý thuyết mà các nhà bán lẻ ngoài thị trường như Vinmart, Circle K, Fivimart…đang áp dụng rất thành thục.
Thử tưởng tượng rằng muốn mở rộng chuỗi kinh doanh của mình, bạn sẽ trước hết mở quán số 1 và chờ cho quán này bắt đầu có lợi nhuận. Sau đóbạn mở quán số 2 và chờ tới khi quán này ổn định (không lỗ), thì tiếp tục mở quán số 3…
Khi đó, hai cửa hàng số 1 và số 2 đã tự tồn tại được và bạn sẽ không mất nhiều thời gian và tiền bạc để duy trì nữa. Cứ dần dần như vậy, số lượng cửa hàng sẽ tăng lên và tầm ảnh hưởng của chuỗi cũng tăng lên (dù có thể mỗi cửa hàng không lãi nhiều).
Điều quan trọng hơn, khi đã có một chuỗi cửa hàng rồi thì việc bạn thực thi các ý tưởng mới sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Ví dụ như tôi đang có 10 quán Uber và tôi đang có ý định bán thêm sách. Ngay lập tức, tôi đã có ngay 10 kênh phân phối tấp nập người ra vào mỗi ngày. Như V với chỉ có 1 quán Grab, thì ý tưởng này sẽ chỉ có thể thực hiện ở một địa điểm mà thôi. Lúc này, về hiệu quả thì Uber hay Grab hơn chắc bạn cũng đoán được.
Còn nhớ, tháng 8 năm ngoái, dư luận xôn xao khi hãng bánh kẹo nổi tiếng Kinh Đô quyết định đi bán bánh bao.
Đây cũng là một chiến lược của Kinh Đô đã tuân theo nguyên tắc 'coi tầm ảnh hưởng hơn lợi nhuận': với số lượng lớn điểm bán lẻ sẵn có, bánh bao Kinh Đô sẽ được tiêu thụ trên khắp cả nước, thay vì chỉ xuất hiện ở duy nhất một cửa hàng như các hãng bánh bao khác. Kết quả là bánh bao Kinh Đô còn không đủ để bán cho khách.
Vì những điều trên, là tự tin khi nói trong kinh doanh chuỗi thì không phải lúc nào lợi nhuận cũng là thứ quan trọng nhất. Thứ quan trọng hơn là ‘tầm ảnh hưởng’ của chuỗi , với những cửa hàng không cần lãi to mà chỉ cần tự tồn tại được là ổn.
Quay lại với câu chuyện với ông bạn cũ, có lẽ V không hề biết rằng tôi sắp mở thêm quán cà phê Uber thứ 11 nằm ngay đối diện với quán Grab của hắn.
Khi đó, tôi sẽ sử dụng 10 quán Uber đã có trước đó để tập trung quảng bá cho quán số 11 này, qua đó cạnh tranh trực tiếp với quán Grab của V. Lúc đó thì chờ xem ai hơn ai!!!
(Chỉ có lý thuyết kinh doanh là thật, các nhân vật và các tên quán cà phê đều là hư cấu)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét