Doanh nhân Tiêu Như Phương, chủ đầu tư Khu nghỉ dưỡng Dalat Edensee, là đại diện cho những người Việt trở về từ nước ngoài với khát vọng muốn đóng góp cho quê hương.
Sau khi khá thành công trong lĩnh vực kinh doanh và xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ, ông đã đầu tư một khu du lịch năm sao ở thành phố ngàn thông mang tên Dalat Edensee. Khu du lịch này trông giống như một ngôi làng châu Âu nằm trên đồi, dưới tán thông xanh và soi bóng xuống dòng nước hồ Tuyền Lâm thơ mộng. Nhiều người cho rằng ông là người kinh doanh “lãng tử” vì nếu muốn thu lợi nhuận nhanh thì sẽ không chọn đầu tư một khu du lịch cao cấp ở nơi xa thành phố như Edensee. Nhưng ông Tiêu Như Phương có lý lẽ riêng của mình:
Đúng là khó kiếm tiền từ Dalat Edensee lắm. Nhưng đến “hiệp hai” của cuộc đời, người ta sẽ nhận ra rằng tiền bạc không phải là vấn đề quan trọng nhất, việc mình đã sống thế nào và có thể để lại gì cho xã hội còn quan trọng hơn. Bạn tôi cũng là một doanh nhân nổi tiếng trong ngành gốm sứ Việt Nam nói rằng: “Trời cho mình may mắn có trong tay một tài sản lớn thì mình phải để lại cái gì đáng giá cho thế hệ sau”.
Tôi có cùng quan điểm với ông ấy, tuy không có tài sản lớn nhưng tôi thấy mình có khả năng đóng góp cho xã hội. Việc góp phần làm cho quê hương văn minh hơn là một trong ba định hướng đóng góp của tôi và đó cũng là định hướng của Dalat Edensee. Đây sẽ là một điểm du lịch mà du khách có thể cảm nhận và tự hào về văn hóa bản địa, văn minh mà không xa hoa, phù phiếm.
Chúng ta có thể cảm nhận một bộ mặt châu Âu tuyệt đẹp nhờ nền kiến trúc nổi tiếng với những lâu đài, biệt thự, nhà thờ… luôn được đánh giá cao dù đã trải qua hàng ngàn năm lịch sử. Tôi nghĩ rằng người có điều kiện trong xã hội thì nên đầu tư xây dựng những công trình đẹp, đóng góp vào sự phát triển du lịch và xây dựng bộ mặt văn minh cho đất nước.
* Ông nói rằng mình có ba định hướng đóng góp cho xã hội, một là góp phần làm cho quê hương văn minh hơn, vậy hai định hướng kia là gì?
- Là chăm lo cho đời sống của người dân ở những vùng đất nghèo khó và góp phần đổi mới giáo dục và đào tạo. Trong đó, việc đóng góp cho giáo dục và đào tạo là định hướng quan trọng nhất, nhưng tôi chưa thực hiện được. Từ nay đến cuối đời, tôi sẽ tìm những người có cùng tấm lòng, chí hướng để thực hiện một chương trình giáo dục tốt hơn cho đất nước. Tôi nghĩ giáo dục hiện nay còn rất nhiều vấn đề cần cải cách. Ngay cả việc trả lương cho giáo sư, giảng viên nước ngoài cũng cần xem lại vì với mức lương có phần… keo kiệt như thế khó mà thu hút được nhân tài.
Còn việc góp phần chăm lo cho đời sống người nghèo tôi “giao phó” cho bà xã. Chúng tôi cũng đã xây dựng được hơn 50 trường học cho trẻ em nghèo mang tên Bình Minh, đây là tên hai đứa con của tôi để nhắc thế hệ sau nhớ về việc phải biết làm việc vì cộng đồng. Người làm kinh doanh thành công thì nên tham gia vào công tác từ thiện, đó là một trong những nhiệm vụ quan trọng của một doanh nhân.
* Người ta thường nghĩ rằng làm từ thiện là do tấm lòng của mỗi người, chứ không phải là nhiệm vụ của ai, kể cả doanh nhân…
- Không đâu. Theo quan điểm của phương Tây, doanh nhân phải biết làm từ thiện. Vì kinh doanh tạo ra của cải vật chất nên doanh nghiệp phải biết trả lại một phần cho xã hội. Hơn nữa, người kinh doanh phải đóng góp để xã hội phát triển, văn minh hơn thì mới tiếp cận được những sản phẩm do anh tạo ra. Một xã hội nghèo đói, kém văn minh thì làm sao tiếp nhận được những ứng dụng mới?
Ngày xưa, tôi không thích doanh nhân vì cho rằng kinh doanh là bóc lột sức lao động của người khác để làm giàu cho mình. Thậm chí tôi còn nói với các con: “Con học nghề gì cũng được, có thể làm kỹ sư để tạo ra các công trình, làm bác sĩ để chữa bệnh cho mọi người… nhưng nhất định không học nghề kinh doanh”. Đó là quan niệm sai lầm và cứng nhắc ngày trước, nay thì tôi đã thay đổi. Thực tế là tại châu Âu, châu Mỹ, giới doanh nhân và các nhà khởi nghiệp rất được khuyến khích làm ăn và sự thành công của họ tạo ra khối tài sản khổng lồ cho đất nước.
* Ông đánh giá như thế nào về giới doanh nhân và các nhà khởi nghiệp trong nước?
- Sự thành công của họ thì có lẽ ai cũng nhìn thấy, tôi chỉ mạn phép nói về quan niệm hơi “cạn” của nhiều người về doanh nhân. Giới văn minh Tây phương quan niệm người kinh doanh trước hết phải là nhà lãnh đạo. Như vậy, muốn trở thành doanh nhân thì trước hết phải học về các kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng chịu trách nhiệm với tập thể và tạo lợi nhuận cho doanh nghiệp bằng kinh doanh chân chính chứ không phải từ bóc lột những người làm việc cho mình hoặc gây hại cho xã hội. Và như tôi đã nói, doanh nhân không thể không làm từ thiện để góp phần làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.
Dường như nhiều doanh nhân Việt Nam chưa hiểu thấu đáo về điều này. Họ thường chỉ nắm bắt thời vận, may mắn để thành công chứ chưa chú trọng các kỹ năng lãnh đạo cần thiết.
Một số người kinh doanh lại chọn đi con đường thiếu minh bạch để giành thắng lợi trong cạnh tranh. Kết quả dù có thành công thì cũng khó mà bền vững và cũng không thể tạo ra những doanh nhân đúng nghĩa trên thương trường. Có một số quan niệm sai lầm xuất hiện trong những người trẻ do thừa hưởng từ thế hệ trước, trong đó có quan niệm thành công bằng mọi giá. Đến khi thành đạt thì họ luôn giữ bí mật về con đường đi của mình, không dám chia sẻ với ai, ngay cả với con cái của mình. Đây cũng là một khó khăn khi doanh nghiệp muốn tìm thế hệ kế thừa.
* Tìm thế hệ kế thừa luôn là một vấn đề “đau đầu” của doanh nghiệp, chọn người nhà hay tìm người tài luôn là một bài toán khó cho người muốn chuyển giao cơ nghiệp mà họ đã gầy dựng qua bao sóng gió trên thương trường. Ông có kinh nghiệm gì về chuyện này không?
- Ngoài 50 tuổi, khi chuyện kinh doanh đang thuận lợi, tôi đã bắt đầu truyền sự nghiệp cho con. Người ta hỏi tôi sao truyền nghiệp quá sớm, tôi trả lời là việc chuyển giao cơ nghiệp nên làm từ khi sự nghiệp đang ở đỉnh cao, đừng đợi khi doanh nghiệp già yếu và kinh doanh trượt dốc. Thực tế, thế hệ thứ hai của gia đình tôi đã mang luồng sinh khí mới, một văn hóa kinh doanh mới, giúp cho việc kinh doanh thuận lợi hơn. Điều này ít nhiều cho thấy tôi đã chọn đúng người và truyền nghiệp đúng cách, đó là chuyển giao hoàn toàn và hầu như không can dự vào việc của công ty sau chuyển giao.
Quan niệm coi trọng người nhà hơn người ngoài làm cho việc tìm người kế nghiệp trở nên khó khăn. Nếu con cái đủ năng lực, phẩm chất thì chuyển giao cho con là lẽ đương nhiên. Nhưng khi con cái không thể là người kế nghiệp thì hãy chuyển giao cho cá nhân, tập thể có tài, có đức ngoài xã hội để tiếp tục phát triển cơ nghiệp. Điều quan trọng nữa là xác định chuẩn mực về con người tốt, phù hợp và có đủ thời gian chuẩn bị người kế nghiệp một cách chu đáo. Một số doanh nghiệp không có thời gian chuẩn bị là do chỉ tập trung làm ăn, không chú ý đến việc đào tạo, giáo dục. Tệ nhất là người kinh doanh vừa kiếm tiền vừa ra sức đấu đá trên thương trường, thậm chí làm ăn gian dối, lừa đảo, vô tình là tấm gương xấu để con cái soi vào. Như thế thì không thể có một thế hệ kế nghiệp tốt được.
Bạn tôi là một doanh nhân thành đạt khá nổi tiếng ở Việt Nam than thở: “Sao con cái tôi không có được sự chịu khó, kiên trì như chúng ta? Phải chăng vì cha nó khác cha mình!”. Câu nói của anh ấy khiến tôi phải xem lại cách mình dạy con, làm thế nào để con tôi có thể cảm nhận được là “cha nó cũng giống cha mình”.
Tôi từng gặp rất nhiều doanh nhân coi trọng việc phô trương sự xa hoa, giàu có của mình hơn là học hỏi, khiêm tốn. Vài người khi biết về tài sản của tôi đã kêu lên: “Thì ra anh là đại gia?”. Dường như mọi người không quen một người có tiền mà vẫn ăn mặc tềnh toàng, phong cách gần gũi, chân thành như tôi.
* Đúng là trông vẻ bề ngoài giản dị của ông, ít người biết ông là chủ của hai khu nghỉ dưỡng lớn cùng những nguồn đầu tư khác…
- Theo tôi, việc tiếp xúc với sự giàu sang để hiểu về những tiện nghi cuộc sống cao cấp là tốt nhưng không nên phô trương sự giàu có, xa xỉ của mình. Tôi có ấn tượng không tốt về thói phô trương, xa xỉ từ những ngày nhỏ tuổi. Ngày xưa, cha tôi là chủ của tiệm kim hoàn Mỹ Quang có tiếng ở Rạch Giá, Kiên Giang. Giới nhà giàu thường đến nhờ cha tôi đánh giá kim cương, làm hột xoàn. Nhiều phụ nữ lui tới cửa tiệm không chỉ để làm trang sức mà còn vì muốn trò chuyện với cha tôi, một người đàn ông đẹp trai, khéo léo và thông minh.
Tôi không mấy cảm tình với những phụ nữ này vì họ phô trương sự giàu có một cách lộ liễu và còn dành tình cảm cho cha tôi, khiến mẹ tôi đau khổ không nguôi. Sự phân biệt giàu nghèo của gia đình bên nội cũng làm cho mẹ tôi rơi nước mắt không ít. Tôi lớn lên với cảm giác bất lực vì thương mẹ mà không biết làm gì, chỉ tự hứa với lòng là sau này, mình sẽ không bao giờ để những người thân yêu bên cạnh mình bị tổn thương như thế. Cảm giác bất lực thường trực đến nỗi đôi lúc tôi muốn đi tu…
* Đó là suy nghĩ bồng bột lúc nhỏ, sau này khi đã trưởng thành chắc ông không còn muốn đi tu nữa?
- Tôi đang là phật tử đây! Đi tu không phải để trốn tránh cuộc sống mà để định hướng đúng đắn hơn về suy nghĩ, cách sống, cách kinh doanh của mình. Mẹ tôi nói rằng từ nhỏ, khuôn mặt của tôi đã giống chú tiểu trong nhà chùa. Mới sinh ra, tôi đã bị bệnh nặng nên bị bác sĩ “chê”. Mẹ tôi cố gắng nuôi và bồi bổ cậu con trai yếu ớt bằng dầu cá, huyết vịt xiêm may sao tôi sống được, mặc dù tôi luôn là học sinh nhỏ bé nhất lớp. Có lẽ nhờ được chăm sóc tốt lúc nhỏ nên khi về già, sức đề kháng của tôi rất tốt.
Tuy cha mẹ tôi rất quan tâm, chú trọng đến chuyện học hành của con nhưng tôi lại không thích học, chỉ thích âm nhạc, vẽ tranh. Tôi biết đàn mandolin lúc sáu, bảy tuổi, đến lúc muốn tán tỉnh các cô gái tôi học đàn guitar rất nhanh. Tôi nghĩ chính âm nhạc và hội họa là những yếu tố làm nên con người tôi.
* Đó là con người trẻ trung, nhẹ nhàng, lãng mạn và yêu cái đẹp, phải không thưa ông?
- Quan trọng nhất là không đặt tiền bạc lên hàng đầu, không thích sự đố kỵ, ganh đua trong cuộc sống cũng như trên thương trường.
Thật lạ là một cậu bé không thích học như ông lại chọn du học ở một nền giáo dục mang tính kỷ luật, nghiêm khắc như nước Đức?
Du học Đức là lựa chọn của cha tôi và cậu tôi. Cậu Năm của tôi rất giàu có, không may hai người con của ông đều hư hỏng. Vì vậy, bao nhiêu tình thương ông “dồn” cho tôi. Ngày đó, cha tôi là trợ lý đắc lực của cậu Năm trong việc làm ăn, nhờ vậy mà gia đình tôi cũng có của ăn của để.
Cha tôi muốn con trai có một tương lai tốt hơn nên bắt tôi đi học ở Đức. Tôi đi học ở nước ngoài được là nhờ tiền của cậu Năm. Tôi lúc đó tuy không muốn đi học xa nhà nhưng vì không muốn phụ lòng cha và cậu tôi. Hơn nữa, tôi đọc sách thấy sinh viên Nhật rất thích đi học ở Đức vì nền giáo dục ở hai nước có những tương đồng về tính kỷ luật, nghiêm khắc. Sinh viên Nhật học tập bằng sự quyết tâm, kiên trì để phát triển đất nước từ đống hoang tàn sau chiến tranh. Khi sang học ở Đức, họ thường chọn ở những phòng trọ không có cửa sổ vì giá rẻ hơn mà họ cũng dễ tập trung cho việc học…
* Vậy khi đi du học, ông có học hỏi người Nhật, chọn thuê phòng không có cửa sổ không?
- Tôi có điều kiện hơn nhờ sự chu cấp đầy đủ hằng tháng của cha nên không phải ở phòng trọ không cửa sổ. Nhưng tôi luôn ý thức được rằng mình phải sử dụng số tiền trong tài khoản một cách tiết kiệm nhất. Tôi vẫn nhớ như in lời cha dặn: “Số tiền hằng tháng của con còn nhiều hơn chi phí của cả gia đình gồm ông bà, cha mẹ và năm đứa em ở quê nhà. Vì vậy, con phải sử dụng tiền sao cho đúng!”.
Trong năm đầu tiên tôi sử dụng một phần tiền trong tài khoản để trang trải chi phí học tập, ăn ở. Đến năm thứ hai, tôi bắt đầu đi làm để không phải dùng đến đồng tiền nào của cha mà còn bỏ thêm tiền vào tài khoản. Tôi quyết tâm khi học xong là đem tiền về trả cho cha, hoặc mua cho ông một chiếc xe Mercedes mới thay cho chiếc xe cũ.
Trong thời gian ở Đức tôi vừa tìm hiểu về Phật giáo vừa có cơ hội tham gia phong trào yêu nước do một nhóm sinh viên Việt Nam tổ chức. Theo tôi, lòng yêu nước là động lực để người trẻ phấn đấu học tập, lao động kinh doanh đưa đất nước đi lên. Nhưng muốn người trẻ yêu nước thì phải định hướng giáo dục một cách đúng đắn chứ không phải bằng cách “cắt bớt” lịch sử, gây hiểu sai về quá khứ.
* Có lẽ vì yêu nước mà ông quyết định trở về Việt Nam đầu tư?
- Tôi trở về Việt Nam lần đầu tiên năm 1986, khi nghe gia đình tôi than thở về một đất nước nghèo đói, lạc hậu, người dân bị áp bức, trưng dụng nhà cửa… Dù những gì tôi chứng kiến đúng như lời than của cha mẹ nhưng tôi vẫn cố “bào chữa” rằng chính quyền mới lên còn lúng túng, chưa thể ổn định đất nước trong ngày một, ngày hai. Tôi còn tin rằng trong 30 năm tới, Việt Nam sẽ phát triển sánh ngang với nước Nhật.
* Đến nay đã hơn 30 năm trôi qua và chúng ta ngày càng cách xa nước Nhật về kinh tế…
- Vì chúng ta chưa tìm ra trọng tâm đưa đất nước đi lên, làm cho đất nước giàu mạnh. Các thể chế, lập trường chính trị ngày nay không còn phân biệt tả – hữu mà thay vào đó là cơ chế đóng – mở. Nếu đã mở thì mở cho… tới, chứ cơ chế “trên mở, dưới khóa” cùng với sự cục bộ địa phương thì khó mà phát triển. Riêng chính sách đầu tư dành cho kiều bào, Chính phủ đã đưa ra những chủ trương, chính sách rất tốt nhằm thu hút đầu tư kiều bào, nhưng chính những rào cản không đáng có ở địa phương, dù nhỏ nhưng rất phiền nhiễu khiến nhiều người nản lòng…
* Dù có những khó khăn về chính sách, ông vẫn rất kiên trì trong việc đầu tư ở Việt Nam. Trở về và kinh doanh ở quê hương đối với ông là duyên hay nợ?
- Là duyên chứ, tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi được trở về đây. Tôi yêu văn hóa dân tộc, mê món ăn quê hương và thương con người Việt Nam. Tôi hầu như chưa bao giờ cảm thấy chán nản hay mệt mỏi. Vì đối với tôi, kinh doanh là một cuộc chơi giữa vô thường. Tôi không có những khổ tâm thường thấy ở người làm ăn khi thị trường thăng trầm, chỉ cảm thấy có chút tiếc nuối vì không thể trẻ lại để có thể làm nhiều hơn cho xã hội. Tuy vậy, tôi phải chấp nhận những quy luật vô thường, sinh – lão – bệnh – tử là quy luật tự nhiên và tôi may mắn có được một niềm hạnh phúc lớn, đó là sự cân bằng trong cuộc sống.
* Cảm ơn ông về những chia sẻ trên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét