Thứ Hai, 27 tháng 3, 2017

Năm ngoái mở 1 cửa hàng chỉ mất 2 ngày, năm nay mất cả tháng, thời "hết nạc, hết cả xương" của Thế giới di động đã tới?

Dù trong những lời phát biểu của mình, chủ tịch HĐQT Thế giới di động (MWG), ông Nguyễn Đức Tài vẫn luôn tin rằng thị trường bán lẻ di động còn nhiều dư địa để phát triển, nhưng doanh thu của chuỗi này lại cho thấy chúng đang hoạt động ngày càng kém hiệu quả hơn. 

Năm ngoái mở 1 cửa hàng chỉ mất 2 ngày, năm nay mất cả tháng, thời "hết nạc, hết cả xương" của Thế giới di động đã tới?
Trong thông báo mới đây của CTCP Thế giới di động, tháng 2 năm 2017, công ty này đã mở thêm 12 siêu thị mới trên toàn quốc, trong đó chỉ có 1 cửa hàng Thegioididong.com, còn lại là 5 cửa hàng Điện máy XANH, 6 cửa hàng Bách Hóa Xanh.
Tốc độ "2 ngày mở 1 cửa hàng" của Thegiodidong.com đã từng trở thành hiện tượng của thị trường bán lẻ trong nước, thì lúc này đây, các nhân sự chuyên trách việc set up (thiết lập) cửa hàng mới của chuỗi dường như đang được "nghỉ phép", sau 3 năm tăng trưởng quá nóng.
Chiến lược phủ nhanh và phủ rộng đã đem về kết quả không thể tuyệt hơn cho tân binh ngành hàng di động. Năm 2016, doanh thu của riêng chuỗi bán lẻ di động này đạt xấp xỉ 31.000 tỉ đồng, tăng 49% so với năm 2015. Nếu so với năm trước đó là 2014, thì chỉ sau 3 năm, chuỗi Thegioididong.com đã tăng doanh thu lên gấp đôi, từ 15,7 nghìn tỉ lên 31 nghìn tỉ đồng. Một con số hiếm nhà bán lẻ làm được.
Tuy nhiên, thành quả này dường như trở nên ít ấn tượng hơn nếu ta nhìn nhận rằng, để đạt được mức doanh thu lớn như vậy, việc mở thêm hàng trăm điểm bán đã khiến chúng hoạt động ngày càng kém hiệu quả hơn.
Cụ thể, doanh thu trung bình trên mỗi cửa hàng Thế giới di động đang ngày càng suy giảm, sau khi đạt mức đỉnh vào năm 2014 - năm doanh nghiệp này niêm yết trên sàn chứng khoán.
Dễ thấy, doanh thu bình quân trên mỗi cửa hàng Thế giới di động năm 2016 đã giảm khoảng 30%, từ mức 45,8 tỉ đồng năm 2014 xuống chỉ còn khoảng 32,5 tỉ đồng năm 2016, mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua, ngang ngửa so với năm 2012. Đây có thể là hệ quả của chính sách mở cửa hàng quá nhanh và quá nhiều của Thế giới di động trong những năm qua.
Trước sức ép từ đối thủ mới như FPT Shop, Thế giới di động phải liên tục tìm kiếm mặt bằng mới và khi địa điểm "ngon" cạn kiệt, chuỗi này đang phải "vạc đến xương" - mở ở những địa điểm chất lượng thấp hơn như những gì mà chủ tịch Nguyễn Đức Tài từng tuyên bố.
Sự sa sút của ông lớn số 1 cũng cho thấy vấn đề chung của thị trường bán lẻ di động. Đó là thoái trào. Năm 2012, dù doanh thu trên mỗi cửa hàng ở mức thấp, nhưng đó lại là một chỉ báo cho thấy thị trường sắp sửa bùng nổ. Ngược lại, sự đi xuống trong giai đoạn 2015 - 2016 lại là biểu hiện cho thấy sự đi xuống của ngành bán lẻ di động sau khi tạo "đỉnh" vào năm 2014.
Dù trong những lời phát biểu của mình, ông Nguyễn Đức Tài vẫn luôn tin rằng thị trường bán lẻ di động còn nhiều dư địa để phát triển, song những gì mà Thế giới di động chuẩn bị lại cho thấy doanh nghiệp này đang cấp tốc chuẩn bị cho sự thay đổi.
Trong tờ trình Đại hội cổ đông về kế hoạch kinh doanh năm 2017 này, chuỗi Thegioididong.com không đặt mục tiêu mở thêm một số lượng cửa hàng cụ thể nào mà chỉ nói chung là kiểm soát chặt chẽ và nâng cao chất lượng phục vụ. Một cách nôm na, chuỗi bán lẻ di động sẽ tìm cách để "tối ưu hóa doanh thu trên từng điểm bán".
Thậm chí tháng 2 năm 2017, công ty này chỉ có thêm 1 siêu thị thegioididong.com được mở ra, đã khẳng định kế hoạch "hãm phanh" chuỗi Thegioididong.com của ông Nguyễn Đức Tài đang được thực hiện rất nghiêm túc.
Ông Trần Kinh Doanh, Tổng giám đốc của chuỗi Thegioididong.com cũng chia sẻ, năm nay Thegioididong sẽ mở thêm khoảng 100 điểm bán mới, với mục tiêu chú trọng nâng cao trải nghiệm khách hàng thay vì mở rộng chuỗi. Con số tuyên bố này đã giảm tốc khá nhiều so với giai đoạn trước đó, và ước tính đã có khoảng 15 - 30 cửa hàng được mở thử nghiệm tại thị trường Campuchia. Việc dư địa tại Việt Nam không còn nhiều đã buộc chuỗi bán lẻ di động tìm hướng đi mới là "go global".
Mặc dù vậy, tất cả vẫn chỉ trong giai đoạn thử nghiệm khi bản thân những người lãnh đạo doanh nghiệp cũng cho rằng, quy mô thị trường Campuchia còn quá nhỏ bé. "Campuchia giống như một bài kiểm tra xem chúng tôi có đủ năng lực để vươn ra thế giới hay không", ông Doanh chia sẻ.
Đối thủ xếp sau Thegioididong.com, chuỗi FPT Shop cũng đang loay hoay không có hướng đi mới gì đáng kể khi tuyên bố dừng lại ở con số 400 điểm bán lẻ.
Liệu sự đi xuống của chuỗi bán lẻ di động trong năm qua có phải chỉ là nhất thời? Nếu nhìn ra những mô hình bán lẻ trên thế giới, chúng ta sẽ thấy những mô hình bán lẻ từng vang danh một thời như chuỗi Best Buy chẳng hạn, đều có vòng đời phát triển của mình và một khi đã thoái trào, rất khó có chuyện có thể hồi phục trở lại.
Bản thân TGDĐ cũng chấp nhận đẩy mạnh viếc bán online, dù biết rõ doanh thu online tăng mạnh chính là hành động tự "ăn thịt chính mình". Doanh thu của mảng online sẽ ăn dần vào việc bán hàng offline của doanh nghiệp.
Tất nhiên, điều này không có nghĩa là Thế giới di động đang hoạt động không tốt. Doanh thu trên mỗi cửa hàng của TGDĐ vẫn đang là loại tốt nhất thị trường, nếu so với các đối thủ khác. Đứng trước xu hướng mới, bản thân TGDĐ cũng đã sớm nhìn ra và đi tìm thị trường mới, có thể kể tới như điện máy, tạp hóa hay thương mại điện tử. Tuy nhiên, ngoài điện máy, những hướng đi của TGDĐ vẫn chưa cho thấy kết quả đáng kể. Tất cả đều đang trong giai đoạn thử nghiệm, trong khi thời gian thì ngày một gấp rút hơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét