Vietjet Air cho rằng, việc áp giá sàn là không phù hợp với quy định của Luật Cạnh tranh và không phù hợp với thông lệ quốc tế, giá vé nên để quy luật cung cầu quyết định.
Cục Hàng không Việt Nam đang lấy ý kiến về dự thảo đối với giá dịch vụ vận chuyển hành khách hạng vé phổ thông trên các đường bay nội địa. Theo dự thảo này, Cục Hàng không đề xuất áp khung giá trần và cả giá sàn cho các đường bay nội địa.
Các hãng hàng không đều đã ngay lập tức có ý kiến về dự thảo này và có 2 luồng ý kiến trái ngược. Vietjet Air, hãng hàng không nổi tiếng với giá rẻ thì phản đối trong khi Vietnam Airlines và Jetstar Pacific, 2 hãng hàng không đang bị đối thu giành giật thị phần những năm gần đây thì nhiệt liệt ủng hộ.
Jetstar Pacific lập luận rằng, mức giá sàn là cần thiết để xây dựng khung giá vé, bởi những năm gần đây, sự phát triển nóng của ngành hàng không đã làm tăng mức tải cung ứng trên các đường bay nội địa hơn 30%/năm và các hãng hàng không liên tục phải giảm giá vé và sẽ tiếp tục giảm giá để hút khách, thậm chí bán vé thấp hơn giá thành.
Theo Jetstar, điều này làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh và sự phát triển bền vững cảu ngành hàng không, đồng thời giá vé thấp hơn ngành đường sắt sẽ tạo nên sự mất cân đối giữa ngành hàng không và các ngành vận tải khác.
Jetstar đề xuất tính giá sàn bằng cách lấy chi phí trực tiếp của chuyến bay để làm căn cứ xây dựng quy định giá sàn và dự kiến giá sàn cho 5 nhóm đường bay sẽ dao động từ 29-34% giá trần. Theo đó, mức giá sàn sẽ dao động từ 600.000 - 1,2 triệu đồng/chiều tùy từng nhóm đường bay. Với đường bay Hà Nội - TP.HCM giá sàn sẽ là 1,1 triệu đồng/chiều.
Trái ngược với Jetstar, hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air phản đối việc áp giá sàn với vé máy bay, bởi việc này không phù hợp với quy định của Luật Cạnh tranh và cũng không phù hợp với thông lệ quốc tế.
Vietjet cũng cho rằng, thị trường đã không còn tình trạng độc quyền, cạnh tranh gay gắt giữa các hãng, giá cả dịch vụ do quy luật cung cầu quyết định, lựa chọn cuối cùng là hành khách. Việc áp giá sàn sẽ khiến nhiều người không có cơ hội đi máy bay, làm méo mó thị trường.
Thị phần các hãng hàng không. Nguồn: Rồng Việt Research
Vietjet khai thác chuyến bay thương mại đầu tiên vào tháng 12/2011. Bằng việc thu hút khách hàng với chiến lược giá rẻ, Vietjet Air đã có sự tăng trưởng thị phần thần tốc với tốc độ bình quân lên tới 150%/năm.
Bên cạnh việc thu hút khách hàng từ các hãng đối thủ, hãng bay này còn đưa máy bay đến gần hơn với rất nhiều khách hàng lần đầu đi máy bay. Theo số liệu của Cty chứng khoán Rồng Việt, khoảng 70% số người đi máy bay lần đầu mỗi năm sử dụng dịch vụ bay của Vietjet.
Nếu việc áp giá sàn được Cục hàng không thực hiện trong thời gian tới, Vietjet Air sẽ là doanh nghiệp chịu ảnh hưởng lớn nhất. Hiện Vietjet Air là hãng hàng không giá rẻ tư nhân duy nhất tại Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét