Thứ Sáu, 3 tháng 3, 2017

Cutloss - Nguyên tắc sống còn trên thị trường chứng khoán

Những phiên gần đây thị trường bước vào giai đoạn điều chỉnh, và nhiều nhà đầu tư đang bắt đầu mất lãi hoặc lỗ, là lúc chúng ta ôn lại nguyên tắc số 1 - nguyên tắc "vỡ lòng" quan trọng nhất để tồn tại trên thị trường. 

Cutloss - Nguyên tắc sống còn trên thị trường chứng khoán
TTCK mấy phiên vừa qua đều giảm điểm, hầu như mọi giao dịch trong xu hướng ngược lại với thị trường đều mang lại những thiệt hại cho nhà đầu tư. Thị trường tăng 3 tháng nhưng chỉ cần vài tuần điều chỉnh cũng có thể "cuốn trôi" đi mọi thành quả đầu tư của bạn trong 3 tháng thị trường uptrend.
Khi thị trường gặp khó, nhiều nhà đầu tư bắt đầu "kêu lỗ", và đây chính là lúc chúng ta ôn lại về nguyên tắc cắt lỗ của "Phù thuỷ phố Wall" William Oneil.
Bernard Baruch, một chuyên viên thị trường chứng khoán ở Phố Wall và là cố vấn tin cậy của nhiều đời tổng thống Hoa Kỳ, từng phát biểu: "Nếu một nhà đầu tư dự đoán đúng phân nửa số trường hợp là anh ta đã đạt tới một đẳng cấp trung bình xuất sắc. Ngay cả chỉ cần đoán đúng 3 hoặc 4 hoặc trên 10 trường hợp cũng có thể đem lại cho anh ta cả một gia tài nếu anh ta biết nhanh chóng cắt giảm những khoản thua lỗ ngay khi phát hiện ra mình sai".
Như bạn có thể thấy, ngay cả những nhà đầu tư thành công nhất cũng có lúc phạm sai lầm. Những quyết định không chính xác sẽ dẫn tới sự thua lỗ, và một số thua lỗ có thể trở nê vô cùng tồi tệ nếu bạn thiếu kỷ luật và thận trọng. Không cần biết bạn khôn ngoan tới mức nào, chỉ số IQ hoặc trình độ học vấn của bạn cao đến đâu, nguồn thông tin của bạn chính xác như thế nào, hay sự phân tích của bạn hợp lý cách mấy, chắc chắn bạn sẽ không thể đúng trong tất cả trường hợp. Thực tế có lẽ bạn chỉ đúng trong không tới phân nửa số trường hợp. Bạn cần phải hiểu và chấp nhận rằng quy luật số một của một nhà đầu tư cá nhân thành công là luôn luôn cắt giảm và giới hạn mọi khoản thua lỗ. Để làm được điều này bạn phải có tính kỷ luật và lòng can đảm.
Toàn bộ bí quyết để thành công lớn trên thị trường chứng khoán không phải là đúng trong mọi trường hợp mà là phải giảm thiểu tổn thất khi bạn sai. Bạn phải nhận ra lúc nào mình có thể đã sai và bán ra một cách không do dự để cắt giảm mọi khoản thua lỗ của bạn.
Khi nào nhà đầu tư thực sự thua lỗ?
Khi bạn nói rằng: "tôi không muốn bán cổ phiếu này đi vì tôi không muốn thua lỗ", bạn đã cho rằng ý muốn của mình có thể ảnh hưởng nhất định lên một tình huống nào đó.
Không phải bạn bán ra khiến bạn bị lỗ mà thực tế bạn đã bị lỗ rồi. Nếu bạn nghĩ bạn chưa thua lỗ chừng nào bạn còn chưa bán cổ phiếu là bạn đang tự lừa dối mình. Mất mát trên giấy tờ lớn hơn bao nhiêu thì mất mát trên thực tế cũng lớn bây nhiêu. Ví dụ bạn mua 100 cổ phiếu Can't Miss Chemical với giá 40 usd/cp và hiện nay nó chỉ có giá 28 usd/cp thì bạn đang có một số cổ phiếu trị giá 2.800 usd nhưng đã mua với giá 4.000 usd. Bạn đã lỗ 1200 usd. Dù bạn chuyển cổ phiếu sang tiền mặt hay giữ nó lại thì nó vẫn chỉ có giá trị 2.800 usd mà thôi.
Ngay cả nếu không bán ra, bạn vẫn bị lỗ khi giá cổ phiếu rơi xuống. Vậy tốt hơn là bạn nên bán ra và quay trở lại với tư thế cầm tiền mặt mua cổ phiếu để có được tư duy khách quan hơn. Khi đang nắm giữ trong tay một khoản lỗ lớn, bạn thường khó có thể suy nghĩ đúng đắn, bạn thường nói một cách duy lý rằng: "Nó không thể xuống nữa đâu". Tuy nhiên, nên nhớ rằng còn có rất nhiều cổ phiếu khác để lựa chọn có thể sẽ đem lại cho bạn cơ hội cao hơn nhằm bù đắp lại khoản lỗ.
Luôn luôn giới hạn tỷ lệ thua lỗ tối đa 7% hoặc 8% so với giá mua vào, không có ngoại lệ
Các nhà đầu tư cá nhân cần phải đề ra quy luật bất di bất dịch là giới hạn tỷ lệ thua lỗ trên vốn đầu tư ban đầu cho mỗi cổ phiếu tối đa là 7% hoặc 8%. Vì lý do quy mô vốn lớn, công thêm sự đa dạng trong việc "phân tán" rủi ro bằng danh mục cổ phiếu lớn, đa số các nhà đầu tư tổ chức khó có được sự linh động cần thiết để tuân theo kế hoạch cắt giảm thiệt hại mau chóng như vậy. Rất khó cho các tổ chức có thể giữ phần hoặc rút ra nhanh chóng khỏi các cổ phiếu. Đây là một lợi thế vô cùng quan trọng cho bạn, nhà đầu tư cá nhân, vì vậy hãy tận dụng nó.
Tất cả các cổ phiếu đều mang tính đầu cơ và tiềm ẩn rủi ro bất chấp tên tuổi, chất lượng và thành tích trước đó. Mọi khoản thua lỗ 50% đều bắt đầu tư những khoản lỗ 20%, và những khoản thua lỗ 20% đều bắt đầu tư những khoản lỗ 10%. Có đủ can đảm để bán ra và vui lòng chấp nhận thua lỗ là con đường duy nhất mà bạn có thể tự bảo vệ mình trước nguy cơ thua lỗ nặng hơn rất nhiều. Quyết định và hành động phải được thực hiện ngay lập tức. Để trở thành một nhà đầu tư thành công trên thị trường chứng khoán, bạn phải học cách đưa ra các quyết định. Nhiều nhà đầu tư có học vấn cao hoặc rất khôn ngoan đã hoàn toàn trắng tay vì không chịu bán ra để cắt giảm thiệt hại.
Những cổ phiếu vuột khỏi tầm kiểm soát với tỷ lệ lỗ lớn hơn mức bình thường là những lựa chọn thực sự tệ hại và dứt khoát cần phải được bán. Hãy tự nhắc nhở mình: "Nếu để một cổ phiếu rớt giá 50%, mình sẽ phải kiếm lời 100% với cổ phiếu tiếp theo chỉ để gỡ lại số vốn ban đầu. Và biết bao giờ mới tìm được cổ phiếu có thể tăng giá gấp đôi?"
Bạn không thể cứ ngồi yên ở đó ôm chỗ cổ phiếu tỏng khi thua lỗ ngày một nặng nề hơn. Thật là ảo tưởng sai lầm khi cho rằng vì cổ phiếu bị xuống giá nên sẽ phải có lúc lên trở lại. Nhiều cổ phiếu không bao giờ tăng giá trở lại. Những cổ phiếu khác mất giá hàng năm trời để hồi phục. AT&T từng lên tới đỉnh giá 75 usd/cp vào năm 1964 và phải mất 20 năm mới quay lại mức giá đó. Ngoài ra, khi chỉ số S&P 500 hoặc Dow Jones rớt 20%-25% trong một giai đoạn suy thoái, nhiều cổ phiếu sẽ lao xuống vực với tỷ lệ từ 60-70%. Cách duy nhất để ngăn chặn những thua lỗ thê thảm là cắt bỏ chúng một cách không do dự khi chúng vẫn còn nhỏ.
Cắt bỏ những khoản thua lỗ cũng giống như mua bảo hiểm
Đúng là thông thường cổ phiếu bạn bán ra sẽ tăng giá trở lại. Và đúng là điều này thật bực mình, nhưng đừng kết luận rằng bạn đã sai lầm khi bán cổ phiếu đó đúng vào lúc nó sắp lên giá. Hãy suy nghĩ theo cách này: "nếu bạn mua bảo hiểm chiếc xe của bạn trong năm ngoái và không gặp phải một tai nạn nào, như thế có thể coi là bạn đang lãng phí tiền bảo hiểm không? Hay bạn mua bảo hiểm hoả hoạn cho nhà của bạn, nếu nhà chưa bị cháy, liệu bạn có cảm thấy phiền lòng vì đã đưa ra quyết định sai lầm về tài chính không?".
Nó cũng giống như việc bạn nhanh chóng cắt bỏ khoản đầu tư thua lỗ vậy. Khi đó số tiền mà bạn đã cắt lỗ giống như khoản phí bảo hiểm mà bạn bỏ ra để bảo hiểm cho số vốn đầu tư còn lại của bạn. Và đừng cảm thấy sai lầm khi cổ phiếu đó tăng trở lại, vì bạn vẫn bảo vệ được vốn của mình và vẫn còn tiền để tìm kiếm các cơ hội thành công khác trên thị trường.
Nếu bạn chần chừ và để tỷ lệ thua lỗ tăng lên 20%, giờ đây bạn phải kiếm lời 25% chỉ để quay lại với số vốn ban đầu. Chờ lâu hơn tới khi cổ phiếu lỗ 25%, bạn sẽ phải kiếm lời 33% mới quay lại mức ban đầu và bạn sẽ phải kiếm lời 40% nếu bạn để tỷ lệ lỗ lên tới 33%. Bạn càng đợi lâu thì các phép tính sẽ càng chống lại bạn vì vậy đừng chần chừ. Hãy hành động ngay lập tức để loại bỏ mọi quyết định sai lầm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét