Một người rất giỏi có thể tạo ra doanh nghiệp hàng tỷ đôla như Mark Zuckerberg thì không có nghĩa người trẻ Việt Nam sẽ làm được ngay lập tức. Một trong hàng triệu sinh viên có cơ hội nhận được mức lương 60 triệu thì không có nghĩa sinh viên nào cũng làm được điều đó ngay tại thị trường Việt Nam.
Ảnh minh họa
Đó là quan điểm của bà Thanh Nguyễn – CEO Mạng cộng đồng nghề nghiệp cấp quản lý Anphabe.com, xung quanh câu chuyện một sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội chưa ra trường đã có công ty Nhật mời về làm với mức lương 60 triệu đồng/tháng.
Trước khi đi vào câu chuyện mức lương 60 triệu đồng/tháng, CEO của Anphabe có một số thông tin liên quan đến chuyện việc làm của sinh viên mới ra trường.
Theo bà Thanh, trung bình tỷ lệ nghỉ việc từ 5 – 15% tùy theo ngành. Cộng với nhu cầu của mỗi doanh nghiệp tại Việt Nam thì số lượng tuyển dụng sẽ được chia theo một tỷ lệ nhất định giữa người đi làm có kinh nghiệm và người đi làm chưa có kinh nghiệm. Tuy nhiên, tính trên tổng thể thì tỷ lệ này là 50-50. Điều đó cho thấy số lượng công việc hiện có là rất nhiều, chứng tỏ cơ hội là luôn luôn có và mỗi năm đều gia tăng theo sự phát triển của doanh nghiệp.
Kết quả khảo sát mới đây của Anphabe với các công ty hàng đầu Việt Nam về nhân tài đa thế hệ cho thấy nhân sự trẻ Việt Nam đang sở hữu một số lợi thế để tăng sức cạnh tranh trên thị trường tuyển dụng, như: Tiếng Anh/ Ngoại Ngữ tốt; chủ động trong công việc; năng động, nhiệt huyết, sáng tạo; ham học hỏi.... Tuy nhiên ở các bạn vẫn còn tồn tại một số điểm yếu như: Muốn phát triển nhưng thiếu tính nhẫn nại; kỹ năng làm việc nhóm, quán lý; khả năng tự học còn kém, kiến thức chuyên môn chưa vững, thiếu kinh nghiệm thực tế...
Mức lương 60 triệu không khả thi tại Việt Nam
Một sinh viên của ĐH Bách Khoa Hà Nội chưa ra trường đã nhận được lời mời với mức lương 60 triệu/tháng đang gây sự chú ý của dư luận trong thời gian vừa qua. Chúng tôi đã trò chuyện với bà Thanh về câu chuyện này.
"Một người rất giỏi có thể tạo ra doanh nghiệp hàng tỷ đôla như Mark Zuckerberg thì không có nghĩa người trẻ Việt Nam sẽ làm được ngay lập tức. Tương tự như vậy, một trong hàng triệu sinh viên có cơ hội nhận được mức lương 60 triệu thì không có nghĩa sinh viên nào cũng làm được điều đó ngay tại thị trường Việt Nam”, lãnh đạo Anphabe cho biết.
Bà lý giải và khẳng định: “Trong khi đó, mức lương này còn cao hơn mức của Quản Lý cấp trung ở khá nhiều doanh nghiệp. Tôi nhận thấy, tùy theo công ty và vị trí mà bạn đảm nhận thì mức lương trung bình của sinh viên mới ra trường thường sẽ dao động từ 5–10 triệu. Vậy nên mức lương 60 triệu là không khả thi tại thị trường Việt Nam”.
Theo CEO Anphabe, GDP bình quân đầu người ở Việt Nam năm 2016 là 2.215 USD trong khi GDP bình quân đầu người ở Nhật lại cao hơn gấp nhiều lần. Chỉ riêng 2 con số này cũng có thể biết mức lương đầu vào của sinh viên ở Nhật là như thế nào?
Chúng ta phải xét tổng thể là đầu vào trung bình của Nhật Bản so với ta và mức sống giữa hai đất nước là hoàn toàn khác nhau. Tôi lấy ví dụ như ở Việt Nam, với mức lương 2000$ cho một Manager (Trưởng phòng) thì hàng tháng bạn hoàn toàn có thể tiết kiệm để mua nhà cửa, xe cộ. Tuy nhiên nếu ở Nhật thì chưa chắc 20 năm sau bạn đã sở hữu được ngôi nhà cho riêng mình”, nữ lãnh đạo Anphabe khẳng định.
Bà Thanh nhắc lại câu chuyện mà mọi người rất quan tâm trong thời gian trước: Làm sao sinh viên ra trường có mức lương khởi điểm là 2000$/ 1 tháng và nay là câu chuyện mức lương 60 triệu. “Tại sao chúng ta quá tập trung đặt vấn đề phải làm sao hay làm thế nào mà lại không hiểu rõ giá trị mình tạo ra để xứng đáng với mức lương đó, điều này dễ khiến các bạn rơi vào “ảo tưởng” năng lực của mình.
Chúng ta làm việc để hướng đến thành công và có nhiều cách định nghĩa thành công chứ không nhất thiết phải lấy mức lương để làm thước đo. Miễn là bạn theo đuổi được đam mê của mình và tạo ra những giá trị từ những điều mình làm đúng với nhu cầu xã hội nghĩa là bạn đã thành công”, nữ CEO bày tỏ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét