Hai hàng hóa bổ sung là hai hàng hóa mà khi người ta mua hàng hóa này thì sẽ không thể không mua hàng hóa kia. Bưởi và taxi của Vinasun cũng như vậy. Nhờ đó, ông chủ Đặng Phước Thành sẽ tăng được doanh số bán của cả hai
Kinh tế học không chỉ bó hẹp trong giảng đường hay ngân hàng. Môn khoa học này tồn tại ở khắp mọi nơi và ảnh hưởng tới mọi thứ chúng ta làm hoặc nhìn thấy trên phim ảnh cũng như đời thực. Nó có thể giúp ta lý giải những "bí ẩn" lý thú trong cuộc sống như Vì sao ngăn mát tủ lạnh có đèn nhưng ngăn đá thì không hay,...
CafeBiz xin giới thiệu chuỗi bài #Why vào thứ 2-4-6 hàng tuần để giúp bạn thấy kinh tế học không khô khan như bạn nghĩ. Nội dung bài viết được truyền cảm hứng từ cuốn sách "Nhà tự nhiên kinh tế" của tác giả Robert H. Frank.
Ông Đặng Phước Thành – ông chủ Vinasun – vốn bán bưởi suốt 15 năm nhưng chẳng ai hay biết. Đột nhiên hôm nay, thương hiệu bưởi da xanh Tam Tân của ông vụt sáng và trở nên nổi tiếng khắp cả nước, chỉ nhờ một “chiêu” là mang bưởi lên bán trên taxi Vinasun.
Bưởi trên ghế trước taxi Vinasun
Chiến lược kinh doanh kết hợp 2 hàng hóa tưởng chừng chẳng liên quan đến nhau là bưởi và taxi này phải nói là chưa từng được áp dụng nhiều trước đây. Vì thế, đối với các hành khách đi taxi Vinasun, họ sẽ cảm thấy một cảm giác vừa tò mò, vừa mới lạ khó có thể tìm ra ở các hãng taxi khác.
Theo phép suy luận thông thường thì chắc hẳn là sự tò mò ấy sẽ phải khiến những hành khách của Vinasun cứ phải mua thử một trái bưởi xanh muốt cứ treo lủng lẳng trước mắt mình xem như thế nào.
Ngược lại, với những hành khách đang cầm trên tay điện thoại và chuẩn bị gọi một chiếc taxi, chắc họ cũng phải thoáng nghĩ đến Vinasun với hình ảnh 2 trái bưởi treo lủng lẳng trên hàng ghế trước của chiếc taxi.
Không rõ những tính toán trên đây có nằm trong sự tiên liệu của ông chủ Đặng Phước Thành hay không, nhưng nếu nó thành sự thật thì phải nói rằng chiến lược kinh doanh này là một ví dụ rất điển hình cho sự áp dụng của một lý thuyết kinh tế cơ bản vào trong cuộc sống và trong kinh doanh.
Trong các lý thuyết kinh tế vi mô, người ta thường đề cập đến một thuật ngữ mang tên là “hàng hóa bổ sung” (complementary goods hay complement).
Thuật ngữ này ám chỉ đến một cặp hàng hóa có tác dụng hỗ trợ lẫn nhau trong tiêu thụ, khi mà trong con mắt người tiêu dùng, mua hàng hóa này thường sẽ gắn liền với mua hàng hóa kia. Nói cách khác, trong 2 hàng hóa, nếu bạn đã mua thứ này thì rồi thì ắt rằng bạn rồi sẽ nhiều khả năng mua thứ kia.
Nói phức tạp là vậy nhưng dám chắc là bạn đã gặp rất nhiều cặp hàng hóa bổ sung lần nhau ngoài đời sống rồi.
Hãy thử lấy ví dụ, khi bạn đi mua xe ô tô mới thì bạn cũng thường mua thêm lốp xe để dự phòng trong lúc xe hỏng lốp. Trên thực tế, các hãng khi bán xe cũng thường bán kèm lốp xe luôn (giá bạn trả bao gồm cả 2 thứ này). Khi đó, xe ô tô và lốp xe sẽ là 2 hàng hóa bổ sung.
Một ví dụ khác là như ở Mỹ, nếu bạn đi mua súng thì sẽ không thể quên mà mua kèm theo đạn. Súng và đạn, mỗi thứ trong đó mà thiếu thứ còn lại sẽ chẳng khác nào đồ bỏ đi.
Vì thế, súng và đạn cũng là 2 hàng hóa bổ sung lẫn nhau. Tính bổ sung lẫn nhau của 2 hàng hóa này thậm chí còn lớn hơn cả ví dụ về xe ô tô và lốp xe.
Với tính chất của các hàng hóa bổ sung như vậy, các nhà bán hàng cũng thường bán nhiều hơn những cặp hàng hóa này cùng một lúc để gia tăng doanh số bán của mình. Dưới đây là những ví dụ mà dám chắc là bạn đã gặp ở ngoài đời thực rất nhiều.
Một cửa hàng bia sẽ bán kèm cả bia và lạc rang vì người ta không thể uống bia mà không lai rai gì đó.
Một cửa hàng có dịch vụ gói quà sẽ bán cả thiệp luôn vì họ tội gì để khách hàng chạy mất và sang cửa hàng bên cạnh để mua thiệp.
Một cửa hàng bán bún đậu mắm tôm sẽ bán luôn cả kẹo cao su vì họ biết chắc khách hàng của mình khi vừa kết thúc bữa ăn no nê thì kẹo cao su là thứ họ cần nhất cho hơi thở của mình.
Và điều tương tự xảy ra với taxi Vinasun và bưởi của ông chủ Đặng Phước Thành.
Tất nhiên, sự bổ sung của 2 hàng hóa này sẽ không rõ ràng như những trường hợp kể đến ở trên, tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể giải thích nó theo tới hai cách khác nhau.
Cách giải thích đầu tiên là chính nhờ sự tò mò nơi tâm trí khách hàng, điều đã được đề cập đến ở trên. Bưởi hay taxi Vinasun, mỗi hàng hóa trong số này, nhờ sự xuất hiện cùng hàng hóa kia, mà sẽ trở nên thú vị, hấp dẫn hơn trong con mắt người tiêu dùng. Kết quả là người ta vì tò mò mà sẽ quyết định mua bưởi, hoặc vì tò mò mà quyết định đi taxi Vinasun nhiều hơn.
Cách giải thích thứ hai là với những khách hàng đi trên taxi Vinasun thì có thể trong thời gian chờ đợi trên xe, họ sẽ quyết định mua 2 trái bưởi Tam Tân để ăn thử, giống như hình thức của một bữa ăn trên xe chăng ?
Và bim bim trên ghế trước taxi ở Philippines
Chớ có vội cười bởi vì đây không hề là cách giải thích vô lý. Thực tế, tại Philippines, các bác tài đã và đang kiếm thêm hàng trăm nghìn mỗi tháng nhờ việc bán thêm bim bim trên chính chiếc xe taxi của họ rồi.
Cách họ làm là chăng đầy những dây bim bim ở 2 ghế trước trong một chiếc xe taxi, chẳng khác gì hình ảnh của những chiếc taxi Vinasun lúc này cả.
Cho đến lúc này, chiến lược kinh doanh mới của Vinasun mới chỉ ra mắt được có một ngày. Thế nhưng, các tài xế của hãng xe này – những người sẽ qua đó mà trở thành các anh "bán bưởi trên xe" và nhận 20% tiền bán mỗi bịch bưởi – đều hào hứng thực hiện theo kế hoạch của ông chủ Đặng Phước Thành.
Theo họ, đây là một chiến lược đúng đắn, bởi lẽ hành khách trên những chiếc taxi thường là dân văn phòng, những người cũng thường tiêu thụ bưởi. Vì thế, hãy cùng chờ xem kết quả của chiến dịch kinh doanh lạ mắt này sẽ như thế nào.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét