Thứ Năm, 31 tháng 3, 2016

Dưa hấu thiện nguyện: Nghĩ về triết lý cần câu và con cá

Cho con cá chỉ là bước đầu giúp bà con qua cơn hoạn nạn. Thiết nghĩ, nên thiết kế cái cần câu để bà con có thể tự mình đi câu kiếm sống hàng ngày.
Tiếp nối những chuyến hàng thiện nguyện, tối 17/4, khoảng 60 tấn dưa hấu từ Quảng Ngãi đã được đưa ra Hà Nội và tập kết trên đường Nguyễn Xiển, quận Thanh Xuân. Một nhóm các bạn sinh viên tình nguyện đã trắng đêm vận chuyển số dưa này sang các xe khác để mau đến tay người tiêu dùng. Cứ ngỡ phải vài ngày mới bán hết, thế nhưng chỉ trong khoảng 4 giờ đồng hồ, dưa đã được bán hết bay.
HỌC + LÀM = GIÀU Con Đường Thành Công

Chiếc xe treo băng rôn "Xe chở dưa hấu hỗ trợ cho nông dân Quảng Ngãi trên đường Nguyễn Xiển
Hoạt động bán dưa từ thiện diễn ra sôi động trên địa bàn Hà Nội suốt hơn hai tuần qua khiến nhiều người không khỏi xúc động vì tình người giữa cơn hoạn nạn. Những việc làm tương thân tương ái thế này đã trở thành một truyền thống tốt đẹp của người Việt để có được ngày hôm nay. Tuy nhiên, để việc mua bán nông sản trở thành hoạt động từ thiện là vấn đề khiến chúng ta phải suy nghĩ thật nghiêm túc và thực tế hơn. Đây là giải pháp tình thế, không giải quyết được căn cơ vấn đề. Người nông dân không thể trông chờ vào những tấm lòng hảo tâm để thoát nghèo và phát triển một nền nông nghiệp bền vững.

Sau khi rào đón bằng sự trân trọng sự nỗ lực của những tấm lòng hảo tâm giúp bà con nông dân tiêu thụ dưa hấu và hành tím, anh Lê Quốc Vinh - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của Tập đoàn Le Invest lo ngại: “Năm nay, anh em kêu gọi mua giúp bà con dưa và hành tím, vì thương lái ép giá, dồn bà con vào cảnh khốn cùng. Tôi nhớ rằng, hè năm ngoái cũng khá nhiều người kêu gọi người Hà Nội mua giúp bà con vải thiều bị chất đống vì không vượt được cửa khẩu sang Trung Quốc. Đồ chừng, dăm tháng nữa, sẽ lại có một loại nông sản nào đó cần cấp cứu, bởi với kiểu này, rồi thì nông dân vẫn đổ dồn vào một loại cây, loại trái nào đó mà họ tưởng rằng sẽ được thu mua nhiều; rồi thì sẽ được mùa; rồi thì thương lái lại giở trò mua rẻ mua ép; rồi thì hàng đống nông sản lại nguy cơ đổ bỏ… Cái vòng lẩn quẩn ấy sẽ lặp lại, chỉ khác là mỗi mùa tội đồ lại là một loại nông sản khác.

Trong khi đó, báo chí chính thống thì nhất mực than thở, lo lắng và cảnh báo thương lái thao túng. Truyền thông xã hội xôn xao kêu gọi mua hàng từ thiện. Chẳng anh nào bày cho người nông dân một cách thấu đáo làm thế nào để họ trồng cây gì, nuôi con gì thì thương lái không ép uổng được, bởi thị trường nhất định sẽ cần, bởi có nhà máy, có doanh nghiệp nhất định sẽ thu mua để chế biến, để gia tăng giá trị nông sản”.

“Đọc đến đây, bạn đổ lỗi cho chính sách nhà nước, đổ lỗi cho hệ thống lưu thông hàng hoá. Câu hỏi của tôi là, lúc mà hàng chục ngàn hộ nông dân a dua, đổ dồn trồng hành, trồng dưa thì truyền thông ở đâu? Các kênh truyền thông chuyên biệt cho nông dân chưa đủ hấp dẫn để kéo nông dân quê tôi ra khỏi các kênh tin giật gân, đấu đá, ra khỏi các bộ phim diễm tình. Nghe nói, bên Thái có hẳn một kênh truyền hình nông nghiệp cực kỳ ăn khách, và họ chẳng hề mượn giấy phép để phát phim truyện hoặc game truyền hình thực tế để câu khách. Sao ta không có nhỉ?
HỌC + LÀM = GIÀU Con Đường Thành Công
Anh Lê Quốc Vinh - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của Tập đoàn Le Invest: "Lúc mà hàng chục ngàn hộ nông dân a dua, đổ dồn trồng hành, trồng dưa thì truyền thông ở đâu?"
Còn, truyền thông xã hội khá là dễ dàng khơi gợi sự thương cảm của công chúng, kích động sự phẫn nộ, nếu cần. Chỉ cần thông qua vài KOL (những người có ảnh và dẫn dắt dư luận), vài người có danh phận là có thể tạo ra một làn sóng ủng hộ hoặc phản đối. Nhưng những vấn đề mà họ ủng hộ hay phản đối thành trào lưu rất hiếm khi là một đề tài nghiên cứu khoa học, một chính sách xã hội, một dự án từ thiện xã hội của doanh nghiệp.

Điều gì mà truyền thông, và nhất là truyền thông xã hội làm dễ hơn nhỉ? Kêu gọi các tấm lòng thiện nguyện, góp cơm, góp áo, mua giúp vài chục cân dưa, vài lạng hành tím? Hay là vận động mang tri thức đến cho nông dân, đưa báo chí và internet đến mỗi thôn làng, dạy họ làm nông nghiệp theo cơ chế thị trường, làm marketing, chọn làm ăn với doanh nghiệp uy tín, tham gia vào vùng nguyên liệu được quy hoạch...?”, anh Vinh nói thêm.
Chắc không ít người còn nhớ lời kêu gọi ăn vải của Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải hồi tháng 7 năm ngoái. Tại buổi họp báo thường kỳ của Chính phủ, ông Hải có nói rằng: “Nhiều người miền Nam chưa biết đến vải thiều. Nếu 90 triệu dân mỗi người ăn vài lạng sẽ giúp nông dân tiêu thụ được vải thiều”. Câu nói này đã gây ra không ít lời bình luận trái chiều về sự thiếu chính sách trong việc tiêu thụ nông sản cho nông dân. Có ý kiến lại cho rằng, phương pháp đánh vào tinh thần tương trợ, tâm lý “ban ơn” có sức lan tỏa vô cùng lớn. Vậy là một cuộc vận động “Người Việt dùng hàng Việt” đánh vào ý thức dân tộc cần được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa.
HỌC + LÀM = GIÀU Con Đường Thành Công
Nông dân khóc ròng vì mưa trái mùa khiến toàn bộ dưa bị hư hại - (ảnh minh họa trên Zing.vn)
Chiến dịch bán dưa thiện nguyện này cũng mở ra cho nhiều người ý tưởng phát triển doanh nghiệp xã hội. Là người theo dõi sát diễn biến hoạt động bán dưa từ thiện, nhà báo Trần Đăng Tuấn gợi ý trên trang cá nhân: “Qua các vụ vải, dưa hấu, bây giờ lại nghe về hành tím nữa... phải chăng nên suy nghĩ về một phương thức nối thật nhanh khu vực trồng nuôi và khu vực tiêu thụ trong các tình huống khẩn cấp cần trợ giúp nông dân. Ví dụ như lập Chợ nôn g sản "Bầu Bí" tại ngoại ô Hà Nội hay TP.HCM, xe tải nặng có thể chở nông sản đang ứ đọng từ các vùng đến, và mọi người sẽ đến mua khối lượng lớn rồi toả vào thành phố phân phối lẻ. Người dân luôn có tấm lòng, chỉ có điều cần người tổ chức.
Bạn nào thạo việc này, lập doanh nghiệp xã hội để lo một cách chuyên nghiệp. Thành phố ưu tiên địa điểm. Truyền thông góp sức. Khi đó người nông dân sẽ không đơn độc và không bị ép giá do phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu tiểu ngạch. Mọi cái vẫn trên nền tảng thị trường nhưng có sự hỗ trợ của tình đồng bào”.

Trong quá trình tham gia hoạt động bán dưa giúp nông dân, một số bạn trẻ cũng nhen nhóm ý tưởng về một chuỗi cung ứng nông sản nội địa đến tay người tiêu dùng Việt, hạn chế tối đa qua các khâu trung gian để có mức giá hợp lý nhất.
Thêm nữa, việc có thêm cơ sở hạ tầng như xây nhà máy chế biến nông sản tại địa phương cũng góp phần giải quyết đầu ra, giúp bà con nông dân có một thị trường ổn định để yên tâm sản xuất...
Suy cho cùng, cho con cá chỉ là bước đầu giúp bà con qua cơn hoạn nạn, đói kém. Nhưng, nên cho con người ta cái cần câu, để họ có thể tự mình đi câu kiếm sống hàng ngày mới ổn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét